Ảnh minh họa: Dự án nhà máy điện gió Đầm Nại (huyện Ninh Hải và Thuận Bắc) - Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
|
Bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc GreenID cho biết “Bản thiết kế” với những kết quả được rút ra từ nghiên cứu các kịch bản phát triển nguồn điện tại Việt Nam do chuyên gia GreenID thực hiện. Nghiên cứu đưa ra 5 kịch bản để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao của Việt Nam. Các kịch bản được xây dựng theo hướng tiếp cận tối ưu hóa chi phí, đồng thời, xem xét chi phí ngoại biên từ tác động của ô nhiễm không khí và phát thải các bon.
Bà Ngụy Thị Khanh cho rằng Việt Nam nên áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời, tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo. Sau khi Chính phủ có những chính sách mới để hỗ trợ cho phát triển năng lượng tái tạo và đặc biệt là quyết định hỗ trợ đấu nối của điện mặt trời thời gian gần đây đã cho thấy thị trường điện mặt trời rất sôi động. Điều này cho thấy, chỉ cần có những thay đổi trong chính sách tạo động lực, cú huých, tạo không gian để cho các nhà đầu tư cũng như các bên quan tâm có thể tham gia được vào thị trường thì chúng ta hoàn toàn có cơ hội để phát triển, bởi vì trong điều kiện mới, công nghệ thay đổi rất nhanh, đặc biệt trong ngành năng lượng tái tạo thì công nghệ thay đổi không ngừng. Đối với Việt Nam, kịch bản chúng tôi đưa ra là kết hợp cả giải pháp phát triển năng lượng tái tạo cùng với các giải pháp mạnh trong tiết kiệm năng lượng là phương án hữu hiệu và khả thi nhất cho nền kinh tế của chúng ta.
Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho rằng chuyển dịch sang năng lượng xanh là rất quan trọng và cần thiết vì Việt Nam là một trong số ít các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Hơn nữa, phát triển xanh là hướng đi thông minh cho Việt Nam, một quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Phát triển năng lượng tái tạo cũng là một hướng đi hợp lý để Việt Nam tránh phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.