Lao động giúp việc gia đình: cần có mô hình đào tạo

Chia sẻ
(VOV5) - Có thể thấy, việc đào tạo nghề sẽ giúp cho người lao động có thêm những kiến thức mới để hoàn thành công việc tốt hơn, thích nghi được với môi trường thành phố

Qua khảo sát nhu cầu sử dụng đối với các gia đình đang có người giúp việc cho thấy, có tới 86,7% số gia đình cho rằng cần thiết cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho người giúp việc và trên 50% số gia đình có dự định thuê người giúp việc qua đào tạo, trong đó, 87,6% số gia đình sẵn sàng trả lương cao hơn cho những người đã qua đào tạo.

Có thể thấy, việc đào tạo nghề sẽ giúp cho người lao động có thêm những kiến thức mới để hoàn thành công việc tốt hơn, thích nghi được với môi trường thành phố, biết được quyền lợi và trách nhiệm của mình và người chủ cũng sẽ yên tâm, tin tưởng hơn. Nhưng hiện nay, việc cung ứng lao động giúp việc trong nước không được chú trọng khâu đào tạo nghề. Việc đào tạo chỉ được thực hiện ở các đơn vị cung ứng lao động giúp việc đối với lao động xuất khẩu ra nước ngoài.

Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu của xã hội, một số công ty đã tổ chức tuyển dụng, đào tạo trình độ sơ cấp cho người lao động làm nghề giúp việc, đào tạo về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử phù hợp với từng gia đình. Các học viên được đào tạo bài bản theo chương trình đã được Sở LĐTBXH thẩm định và được cấp chứng chỉ nghề.

Lao động giúp việc gia đình: cần có mô hình đào tạo - ảnh 1 Ảnh: gfcd.org.vn

Theo ước tính của Bộ LĐ-TB và XH, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 350.000 lao động giúp việc gia đình. Nhu cầu cần giúp việc gia đình gia tăng do dân số già đi, tỷ lệ sinh giảm, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động, theo đuổi sự nghiệp bên ngoài tăng. Theo Trung tâm nghiên cứu về giới, gia đình và phát triển cộng đồng, công việc giúp việc gia đình không quá khó nhưng cần tổng hợp nhiều kỹ năng.

Theo tiêu chuẩn năng lực nghề giúp việc gia đình do Trung tâm phối hợp với Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) xây dựng, giúp việc gia đình là nghề làm các việc như nấu ăn, lau dọn nhà, giặt là, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người bệnh… Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu, khảo sát thị trường để nắm bắt nhu cầu thực tế của nghề này, từ đó xây dựng chương trình đào tạo, giới thiệu việc làm, giúp người lao động tiếp cận các chính sách an sinh xã hội.

 

 

Feedback