IOM và Bộ Y tế Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác mới về nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người di cư

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) -  Tuần này, IOM đã gửi những gói cứu trợ tới các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi là Hà Giang và sau đó sẽ là Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái.

Chiều 18/09, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Bộ Y tế Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ (MOU) tăng cường hợp tác trong nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người di cư, đồng thời hỗ trợ người di cư tiếp cận các hệ thống và chính sách y tế quốc gia trong tình hình mới.

Lễ ký kết đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa Bộ y tế Việt Nam với Liên hợp quốc nói chung và IOM nói riêng nhằm tăng cường bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

IOM và Bộ Y tế Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác mới về nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người di cư - ảnh 1Ký kết MOU giữa Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Trí Thức và Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam, bà Park Mi-Hyung. Ảnh Hà Linh

Phát biểu tại buổi lễ, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trí Thức đánh giá cao sự hợp tác và những hỗ trợ quý báu của IOM với ngành y tế Việt Nam thời gian qua: "Trong những năm gần đây, Bộ Y tế đã hợp tác tích cực với IOM trong các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe cho người di cư bao gồm. Thứ nhất là các lĩnh vực như nâng cao sức khỏe, nhận thức người di cư. Hai là tăng cường hợp tác song phương trong công tác kiểm soát bệnh lao và thứ ba là chuẩn bị ứng phó khẩn cấp với tình trạng với sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, năm 2023, IOM hỗ trợ Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về tăng cường sức khỏe - mục tiêu số 3 trong các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, đồng thời hỗ trợ Việt Nam thực hiện thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, trật tự, an toàn của Liên hợp quốc"

IOM và Bộ Y tế Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác mới về nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người di cư - ảnh 2Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam, bà Park Mi-Hyung

Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam, bà Park Mi-Hyung bày tỏ chia sẻ trước những thiệt hại về người và của do cơn bão Yagi gây ra với các tỉnh thành phía Bắc đồng thời đánh giá cao nỗ lực ứng phó khẩn cấp, tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam. Bà Parki Mi-Hyung nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác kịp thời này nhằm đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người di cư, phù hợp với các mục tiêu của Thoả thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs): “Trong một thế giới ngày càng có nhiều người dịch chuyển, sự hợp tác và quan hệ đối tác là rất quan trọng để nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người di cư. Người di cư khỏe mạnh góp phần tạo nên cộng đồng khỏe mạnh. Biên bản hợp tác giữa IOM và Bộ Y tế ký kết ngày hôm nay đưa ra khuôn khổ hợp tác nhằm tăng cường quan hệ đối tác trong lĩnh vực y tế giữa hai cơ quan chúng ta. Là cơ quan hàng đầu của Liên hợp quốc về di cư an toàn, IOM cam kết hợp tác lâu dài và chiến lược với Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Y tế, để đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người, bao gồm cả những người di cư. Chúng tôi mong muốn củng cố hơn nữa sự hợp tác vốn đã chặt chẽ giữa hai bên” - Bà Park Mi-Hyung nhấn mạnh.

IOM và Bộ Y tế Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác mới về nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người di cư - ảnh 3Đại diện Bộ Y tế Việt Nam, Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam, các chuyên gia y tế quốc tế tại Lễ ký kết.

Trong phản ứng khẩn cấp hỗ trợ người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Việt Nam, ngay trong tuần này, IOM đã gửi những gói cứu trợ tới các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi là Hà Giang và sau đó sẽ là Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái. Cứu trợ bao gồm các thiết bị vật tư, chăm sóc y tế, nước sạch, lều tạm.

Cùng với đó, đại diện của IOM cho biết sẽ tiếp tục huy động nguồn lực để cung cấp phương tiện, vật tư y tế... không chỉ dừng lại ở việc cứu trợ khẩn cấp sau thiên tai mà sẽ biến những điểm chăm sóc y tế tại các địa phương đó thành nơi sơ tán trú ẩn an toàn cho người dân trong trường hợp xảy ra thảm họa trong tương lai.

 IOM Việt Nam đã nỗ lực đóng góp đáng kể nhằm cải thiện sức khỏe cho người di cư. Một số sáng kiến nổi bật có thể kể đến như tăng cường phối hợp kiểm soát bệnh lao xuyên biên giới, với 200 cán bộ y tế của Việt Nam và Campuchia đã được đào tạo về cách sử dụng phần mềm chuyển gửi bệnh nhân qua biên giới DHIS2 hay như việc thành lập Nhóm kỹ thuật sức khoẻ người di cư (MHWG), nhóm kỹ thuật liên bộ nhằm quản lý sức khỏe người di cư, đồng thời tạo ra các chính sách và biện pháp can thiệp y tế bao trùm, lấy người di cư làm trung tâm. Thông qua MHWG, IOM đã nâng cao kiến thức y tế cho hơn 23.500 người lao động di cư làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua sáng kiến Sổ tay sức khỏe cho người Việt Nam làm việc ở nước ngoài.

Feedback