Theo xếp hạng của Liên hợp quốc, mua, bán người là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới, được đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu. Tại Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ có nhiều giải pháp, nỗ lực đấu tranh ngăn chặn nạn mua bán người, trong đó có mua bán trẻ em.
Báo cáo toàn cầu về mua bán người gần đây nhất của cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc cho thấy: trên thế giới, cứ ba nạn nhân mua bán người lại có một nạn nhân là trẻ em. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã phát hiện đấu tranh triệt phá 50 vụ mua bán người với 126 nạn nhân mua bán. Trẻ em với 48 vụ, 121 nạn nhân.
Bảo vệ quyền cho nạn nhân của các vụ mua, bán người, nhất là trẻ em, là một trong những trọng tâm trong công tác phòng ngừa và đấu tranh tội phạm.
Triển khai đồng bộ từ chính sách đến thực tiễn
Ðảng, Nhà nước Việt Nam là luôn chú trọng quan tâm, nỗ lực bảo đảm quyền của nạn nhân bị mua, bán, nhất là phụ nữ và trẻ em, theo nguyên tắc cốt lõi "lấy nạn nhân là trung tâm". Hệ thống pháp luật và các chính sách được ban hành thể hiện rõ quan điểm nhất quán này và ngày càng hoàn thiện, hướng đến bảo vệ quyền con người của các nạn nhân.
Năm 2011, Luật Phòng, chống mua, bán người có hiệu lực, tạo cơ sở pháp lý cao nhất trong phòng, chống nạn mua bán người. Tiếp đó, Nghị định 09/2013/NÐ-CP và Nghị định số 20/2021/NÐ-CP của Chính phủ tạo hành lang pháp lý giúp cho việc bảo vệ nạn nhân ở mức độ tốt nhất như: hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu, chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn. Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia lần thứ 4 về phòng, chống mua bán người (cứ 5 năm một lần kể từ năm 2005). Gần đây nhất, dự thảo Luật phòng chống mua bán người (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thảo luận tại kỳ họp thứ 7.
Bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam, cho biết: "Những nỗ lực mà Việt Nam đã thực hiện để đấu tranh chống lại tội phạm nghiêm trọng này xứng đáng được ghi nhận, nhiều nỗ lực đã được thực hiện, Việt Nam đã gần hoàn thiện Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi năm 2011, tạo nên một cột mốc quan trọng đối với Việt Nam, dự kiến luật sửa đổi sẽ để thiết lập nền tảng vững chắc hơn cho việc giải quyết nạn mua bán người".
Ngoài hệ thống pháp luật, Việt Nam cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động thực tế. Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho biết việc tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực, mua bán trẻ em có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, góp phần xử lý kịp thời nghiêm minh các vụ việc. Nhiều mô hình có hiệu quả về an toàn cho phụ nữ và trẻ em đã được nghiên cứu xây dựng thí điểm và nhân rộng tiêu biểu, như: mô hình ngôi nhà bình yên của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Kể từ khi thành lập năm 2007 đến nay, Nhà Bình yên đã tiếp nhận tạm lánh 463 nạn nhân mua bán người, trong đó có 159 nạn nhân là trẻ em.
Bà Hà Thị Nga chia sẻ: "Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với bộ công an và các Bộ Ngành có liên quan các tỉnh, thành phố, các tổ chức quốc tế, để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động phòng chống mua bán người, đặc biệt là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ, người dân, về sử dụng mạng xã hội an toàn góp phần giảm thiểu nguy cơ mua bán người mua bán trẻ em và các loại tội phạm trên không gian mạng thực hiện và đạt chỉ tiêu hỗ trợ 80% nạn nhân bị bạo lực bị mua bán trở về được tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội".
Thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người
Cùng với sự cố gắng của các ban, ngành trong nước, Chính phủ Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người. Việt Nam đã ký nhiều hiệp định tương trợ tư pháp về phòng, chống tội phạm với các nước, trong đó đều có nội dung phòng, chống tội phạm mua, bán người. Nhiều bộ, ngành địa phương chủ động tham mưu và tổ chức triển khai hiệu quả các hiệp định hợp tác song phương và đa phương về phòng, chống mua bán người. Các khuyến nghị của quốc tế liên quan đến phòng, chống mua bán người được Việt Nam quan tâm, xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo. Nhiều nội dung khuyến nghị đã đưa được vào Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tăng cường hợp tác với phía nước ngoài trong việc xác minh, xác định bảo vệ nạn nhân bị mua bán.
Biểu mẫu thống kê về công tác phòng, chống mua bán người do Bộ công an xây dựng được điều chỉnh theo thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn trong nước.
Báo cáo năm 2024 về tình hình mua bán người trên thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mới đây đã đưa ra đánh giá khách quan về kết quả tích cực của Việt Nam trong công tác phòng chống mua bán người, nổi bật là việc sửa đổi Luật phòng chống mua bán người năm 2011, tăng cường điều tra truy tố xét xử các vụ việc mua bán người. Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện những mục tiêu thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp an toàn và trật tự của Liên Hiệp Quốc góp phần ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.
Quyết tâm phòng chống tội phạm mua bán người không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực thi các điều ước quốc tế mà còn phản ánh sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống pháp luật mạnh mẽ để bảo vệ những người dễ bị tổn thương, nhất là trẻ em.