Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023: Khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong quản trị di cư

Chia sẻ
(VOV5) - Với tư cách là đối tác của Chính phủ Việt Nam, IOM đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc soạn thảo và xây dựng Hồ sơ Di cư.

Trong các ngày 29/10 và 01/11, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao tổ chức Công bố hồ sơ di cư Việt Nam 2023. Hồ sơ cho thấy Chính phủ Việt Nam đã đạt được những mục tiêu và thành quả rất rõ rệt trong việc hoạch định chính sách nhằm hỗ trợ và bảo đảm quyền lợi của người di cư.

Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023: Khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong quản trị di cư - ảnh 1Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: TTXVN

Đây là lần thứ ba Hồ sơ di cư Việt Nam được công bố nhằm cung cấp những thông tin chính thức và phân tích về các dòng di cư từ Việt Nam đi các nước và từ các nước đến Việt Nam; chính sách, pháp luật liên quan di cư quốc tế. Theo Hồ sơ di cư Việt Nam 2023, trong giai đoạn 2017-2023, di cư lao động tiếp tục là loại hình di cư chủ yếu của Việt Nam với gần 860.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tương đương hơn 100.000 người mỗi năm, tập trung nhiều nhất tại Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc. Di cư du học cũng có mức tăng trưởng tương tự, mặc dù cho đến nay chưa có số liệu chính xác, con số ước tính hiện tại là trên 250.000 người, chủ yếu tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Canada, Trung Quốc, Anh và Đức.

Trong khi đó, dòng di cư của người nước ngoài vào Việt Nam cũng tương đối đa dạng, đáng kể nhất là di cư lao động với trên 475 nghìn người nước ngoài được cấp phép lao động từ 2017-2022. Hồ sơ đánh giá cao vai trò của người di cư trong thúc đẩy phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam và cả quốc gia có liên quan (quốc gia tiếp nhận hay quốc gia gốc). Báo cáo cũng chỉ ra rằng di cư quốc tế nếu được quản lý hiệu quả sẽ là nhân tố thúc đẩy bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho mỗi quốc gia, địa phương, cộng đồng và chính bản thân người di cư.

Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, đánh giá Hồ sơ di cư Việt Nam 2023 có một số điểm nổi bật so với hai hồ sơ di cư được công bố vào năm 2011 và 2016, khi lần đầu tiên bổ sung các dòng di cư của người nước ngoài vào Việt Nam, chính sách, pháp luật liên quan đến di cư của người nước ngoài. Ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh thúc đẩy di cư hợp pháp, phòng, chống di cư qua các kênh không chính thức, bảo đảm di cư an toàn, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, bao gồm công dân Việt Nam và người nước ngoài di cư vào Việt Nam, luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam. "Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác với các quốc gia cũng như các cơ quan của Liên Hợp quốc, các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường chia sẻ kinh nghiệm quản trị di cư, xây dựng, quản lý hệ thống dữ liệu di cư, đẩy mạnh các biện pháp thúc đẩy di cư hợp pháp an toàn và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương đối với người di cư trong quá trình di cư."

Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023: Khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong quản trị di cư - ảnh 2Bà Mitsue Pembroke, Quyền Trưởng đại diện Phái đoàn IOM trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị. Ảnh: Thu Trang

Bà Mitsue Pembroke, Quyền Trưởng đại diện phái đoàn Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam, đánh giá Hồ sơ Di cư Việt Nam qua các năm (2011, 2016 và 2023) đã cho thấy sự phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng của các chính sách liên quan đến di cư tại Việt Nam.

Với tư cách là đối tác của Chính phủ Việt Nam, IOM đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc soạn thảo và xây dựng Hồ sơ Di cư; đồng thời tin tưởng Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho di cư an toàn và góp phần giúp Việt Nam tiến xa hơn trong công tác triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM), củng cố vị thế là một trong những quốc gia đi đầu trong việc triển khai thỏa thuận này.

Feedback