Gia đình điểm tựa tinh thần và yêu thương của mỗi người

Hân My
Chia sẻ

(VOV5) - Suy nghĩ của mỗi người, nhất là các bạn nhỏ về giá trị của gia đình sẽ giúp cho họ nhận thức tốt hơn về ý nghĩa của sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Mỗi người Việt Nam dù đi bất kỳ đâu vẫn luôn hướng về gia đình, nơi có ông, bà, cha mẹ, những người thân yêu ruột thịt. Cuộc sống với những lo toan và bận rộn trong thời kỳ hội nhập phần nào ảnh hưởng tới mỗi gia đình, nhưng giá trị cốt lõi sẽ không mất đi nếu mỗi người biết trân trọng và xây đắp.

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Những hình ảnh của triển lãm Mẹ-con trong ngày hội gia đình Việt Nam được tổ chức mới đây đã thu hút những người đến xem, trong đó có rất nhiều bạn nhỏ. Những bức ảnh đã khắc họa nên hình tượng người mẹ với công sinh thành và nuôi dưỡng cùng những mối quan hệ gia đình và những khía cạnh khác nhau của đời sống gia đình hiện đại đã cho người xem những cảm nhận thật sâu sắc. Em Phạm Hữu Khuê, một bạn nhỏ ở Hà Nội chia sẻ:Những bức tranh vẽ người mẹ và con cái thì thấy người mẹ dành những tình cảm rất nhiều cho con cái. Nên con nghĩ con cái cần phải biết ơn và yêu thương cha mẹ mình.

Suy nghĩ của mỗi người, nhất là các bạn nhỏ về giá trị của gia đình, về công lao cha mẹ và trách nhiệm của mỗi thành viên trong việc gắn kết sẽ giúp cho họ nhận thức tốt hơn về ý nghĩa của sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Cuộc sống hiện đại với nhiều bộn bề lo toan đã khiến cho sự gắn kết trong các gia đình bị ảnh  hưởng. Đặc biệt, bữa ăn là lúc để các thành viên trong gia đình hội tụ cũng không còn như trước mà thay vào đó là những bữa ăn nhanh hoặc những bữa ăn ngoài gia đình...Vì vậy, ngày gia đình Việt Nam còn là dịp để đề cao trách nhiệm của mỗi thành viên gắn kết trong việc trân trọng và gìn giữ bữa cơm của gia đình Việt. Bà Phạm Thu Hồng, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Định cho rằng:Thực tế hiện nay mọi người bận rộn mỗi người một công việc. Nếu không duy trì bữa cơm gia đình thì các thành viên không gắn kết. Hiện nay bữa ăn nhanh, công nghiệp nhưng nếu vậy thì các thành viên không còn gắn kết. Khuyến khích phụ nữ là người nội trợ, trách nhiệm giữ lửa ấm, duy trì bữa ăn trong gia đình.

Ngày gia đình Việt Nam cũng là dịp để kêu gọi nhận thức và trách nhiệm của mỗi thành viên trong việc xây dựng và vun đắp một  gia đình bền vững, không bị ảnh hưởng trước những mặt trái của đời sống xã hội. Khẳng định về vai trò của gia đình,  Giáo sư Tiến sĩ Đào Trọng Thi cho rằng:Ngoài yếu tố giáo dục, có thể nói về đạo đức lối sống của học sinh trong xã hội và nhà trường liên quan tới truyền thống xã hội và truyền thống văn hóa của một đất nước. Chúng ta đã có một truyền thống văn hóa và truyền thống giáo dục chặt chẽ. Phát huy tốt yếu tố gia đình thì sẽ quản lý được hành vi của giới trẻ và giúp các em rèn luyện đạo đức lối sống.

Ý nghĩa giáo dục sâu sắc là lý do để Ngày gia đình Việt Nam 28-06 hàng năm được tổ chức ở các địa phương. Không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh giá trị cốt lõi của gia đình và vai trò kết nối của các thành viên, mà các hoạt động còn muốn gửi thông điệp về sự cần thiết phải gìn giữ nét đẹp truyền thống của các gia đình Việt trong thời kỳ hội nhập. Bà Trần Thị Hoa Ry, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bạc Liêu cho biết:Hội chủ động phối  hợp với một số cơ quan liên quan tổ chức nhiều hoạt động như phòng chống bạo lực gia đình, hoặc bữa cơm gia đình yêu thương... Mục tiêu của Hội là tiến tới góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Người phụ nữ phải biết giữ lửa trong gia đình, giáo dục con cái và nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách cho con người Việt Nam.

Gia đình: điểm tựa yêu thương, là nơi để giáo dục và giúp phát triển nhân cách của mỗi người Việt Nam. Vì vậy, truyền thống gia đình và công tác gia đình cần được toàn xã hội quan tâm và có trách nhiệm xây dựng, gìn giữ và phát huy.

Feedback