Văn hóa Việt là nền tảng giúp cho mỗi người con xa xứ luôn nhớ về cội nguồn. Mỗi người Việt ở nước ngoài đều ý thức về sư cần thiết phải giữ văn hóa, phong tục, tiếng nói và họ có những cách làm khác nhau. Bài viết của Phóng viên đài TNVN là một góc nhìn về vấn đề này
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Khá nhiều câu chuyện về việc gìn giữ văn hóa dân tộc, giữ tiếng nói đã được kiều bào chia sẻ khi họ trở về thăm quê hương hoặc tham gia vào các chương trình giảng dạy tiếng Việt. Cho dù sống xa quê hương với thời gian là bao lâu đi nữa thì điều mong muốn tha thiết nhất của những người Việt xa xứ vẫn là làm sao giữ được những nét văn hóa Việt, giữ được tiếng nói cho các thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Đó là những gì mà chị Hoàng Tú Anh, người Việt đang sống tại Hà Lan tâm sự mỗi lần về. Chị nói rằng, việc bảo tồn những văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Việt không chỉ giúp họ gắn kết nhau hơn, mà còn giúp cho thế hệ thứ hai, thứ ba tìm hiểu về cội nguồn dân tộc. Một trong những hoat động đó là dạy tiếng Việt cho con em do một nhóm cha mẹ tự đứng ra tổ chức: “ Hiện tại ở Amsterdam có 1 nhóm lớp tiếng Việt cho các con. Khi các con học từ bé học sinh ra ở Hà Lan thì các con rất lười nói tiếng Việt và khó khăn giao tiếp với ông, bà hoặc tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Nên các bạn tự tổ chức, thành phố Amsterdam ủng hộ coi đây là hoạt động bảo tồn văn hóa Việt Nam nên họ giúp tìm địa điểm. Cha mẹ thay phiên nhau làm giáo viên. Tổ chức nhiều hoạt động ví dụ gửi bưu thiếp viết tiếng Việt cho ông, bà và ông, bà rất cảm động. Hoặc tổ chức làm bánh giúp cho các con tìm hiểu văn hóa Việt Nam”.
Sự hỗ trợ của chính quyền nước sở tại theo như lời chị Tú Anh tâm sự cho thấy, họ cũng rất đồng tình và đánh giá sự cần thiết phải giữ gìn văn hóa Việt ngay tại nước ngoài. Chính quyền ở nhiều khu vực có đông người Việt như Đài Loan (Trung Quốc), Cộng hòa Sec...đều tạo điều kiện cho bà con người Việt tìm hiểu và gìn giữ những nét văn hóa trong cộng đồng. Bởi đó cũng là cách để xóa dần khoảng cách và những rào cản về văn hóa trong những gia đình Việt mà có vợ hoặc chồng là người nước ngoài. Chị Khánh Ly, một người Việt có chồng là người tại Đài Loan (Trung Quốc) đang cố gắng làm được điều này. Trực tiếp tham gia vào các hiệp hội văn hóa tại Đài Loan, chị cũng tham gia dạy tiếng Việt và trước tiên, từ gia đình. Mong muốn của chị Khánh Ly là: “Theo tôi nghĩ ngôn ngữ rất quan trọng. Gia đình hạnh phúc hay không, ngôn ngữ bất đồng thì là mấu chốt. Gia đình hạnh phúc thì con cái được hưởng. Nên mình rất may mắn. Mỗi năm, về thăm gia đình 1 lần. Những kiến thức thu được tôi sẽ chia sẻ với các bạn trẻ là những người đang học hoặc tương lai sau này sẽ học tiếng Việt”.
Với mong muốn giúp cho con em mình hiểu về nguồn cội: từ những phong tục tập quán, đến ẩm thực, tiếng nói, không ít kiều bào đã đưa con trở về quê hương hàng năm. Những chuyến trở về đã giúp cho các bạn trẻ khám phá được nhiều điều thú vị về quê hương mình. Không chỉ có các bạn trẻ mà bản thân nhiều kiều bào cũng có dịp tìm về nguồn cội, sống lại cùng quá khứ và kỷ niệm. Ông Bảo Hòa, việt kiều tại Mỹ đã quyết định đưa con trở về sống và học tập tại Việt Nam. Ông suy nghĩ, lứa tuổi 12, 13 của các con cần thiết phải sống và học tập tại quê nhà, vừa để thu nhận kiến thức cho tương lai và tìm hiểu văn hóa dân tộc. Nghe có vẻ hơi ngược nhưng đây lại là sự lựa chọn của khá nhiều kiều bào. Hãy nghe tâm sự của ông Bảo Hòa, quý vị và các bạn sẽ hiểu phần nào quyết định của ông:“Con của mình là người Việt dù đẻ ở nước Mỹ. Tôi muốn đưa con về để hiểu phong tục tâp quán. Ra chợ hiểu được, mua ổ bánh mỳ ở đâu, biết nói chuyện với cô, chú, bác chứ ở bên Mỹ chỉ có you and me, thì về đây có khác. Phong tục tâp quán rất hay. Ba tôi nói về đây đi thăm người mất rồi mới đến người sống. Đó cũng là phong tục rất hay. Sau 4 năm chắc chắn con sẽ hiểu được hết”
Biểu diễn áo dài tại ngày Việt Nam. Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand
|
Giá trị văn hóa, giá trị nguồn cội để gìn giữ ở nước ngoài tưởng như rất khó khăn, song thực tế sẽ là đơn giản nếu mỗi người con đất Việt nhận thức và mong muốn làm được điều này. Đó cũng chính là giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc của người Việt, để tự hào khi nói với bạn bè nước ngoài: tôi là người Việt.