Chương trình Biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực khu vực Đông Nam Á

Chia sẻ
(VOV5) - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh khẳng định thông qua chương trình đã có nhiều hỗ trợ về chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam.

Chiều 26/10 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổng kết Chương trình Biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực khu vực Đông Nam Á. 

Chương trình Biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực khu vực Đông Nam Á - ảnh 1Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị tổng kết Chương trình CCAFS Đông Nam Á. Ảnh: Phạm Hiếu.

Khởi động tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2013, Chương trình Biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực khu vực Đông Nam Á phối hợp với các đối tác tại Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines và Thái Lan thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển mô hình nhằm chuyển đổi ngành nông nghiệp trong khu vực.

Kết quả nổi bật của Chương trình là việc xây dựng và ứng dụng thành công Bộ bản đồ rủi ro và lập kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu cho 43 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh khẳng định thông qua chương trình đã có nhiều hỗ trợ về chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam: “Sau gần 10 năm hoạt động tại Việt Nam, Chương trình Nghiên cứu của Nhóm tư vấn về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) về Biến đổi Khí hậu, Nông nghiệp và An ninh Lương thực (CCAFS) Đông Nam Á đạt được những kết quả khả quan, mang lại ảnh hưởng và tác động tích cực ở diện rộng tới sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu. Chương trình đã đạt nhiều thành tựu và đóng góp trong những năm vừa qua, và mong muốn sự hợp tác giữa CGIAR và Chính phủ Việt Nam trong những năm tới sẽ ngày càng tốt đẹp, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người nông dân Việt Nam, đóng góp vào mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững toàn cầu và đảm bảo an ninh lương thực”.

Feedback