Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong 5 năm qua, tỉnh Hưng Yên đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo bước phát triển đột phá, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều loại nông sản; sản xuất nông nghiệp từng bước tiếp cận mô hình sản xuất hiện đại và an toàn; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân. Trong nhiệm kỳ 2021-2025, tỉnh tiếp tục phát huy chủ trương này nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, mang lại giàu có, ấm no cho người dân.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ (Hưng Yên).- Ảnh: tuyengiaohungyen.vn |
Thời gian qua, việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hưng Yên đạt nhiều kết quả quan trọng. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng bình quân đạt gần 2,9%. Đến năm 2020, giá trị bình quân thu được trên 1ha canh tác đạt hơn 210 triệu đồng, tăng 60 triệu đồng/ha so với 5 năm trước (2015). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 40% so với năm 2015. Nhiều cơ chế chính sách được triển khai thực hiện, nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới và các quy trình, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật được đưa vào sản xuất, góp phần tăng nhanh năng suất, sản lượng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu lao động và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn.
Tính đến nay, tỉnh Hưng Yên đã chuyển đổi được hơn 9.700 ha đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao, hình thành được 500 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, gần 2.200 ha sản xuất VietGap cho rau mầu, cây ăn quả, gần 1.000 tổ hợp tác và mô hình kinh tế trang trại, hàng trăm mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại, sản xuất an toàn và tiếp tục nâng cao chất lượng giống gia súc, gia cầm. Tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, góp phần nâng cao chất lượng, kiểm soát tốt dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, Hưng Yên cũng chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, coi đây là hướng đi chính để đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao vị thế nông sản địa phương trên thị trường trong nước và quốc tế.
Anh Nguyễn Hữu Hưng Giám đốc HTX rau an toàn Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên thu hoạch cà chua. Ảnh: nongnghiep.vn |
Hiện, toàn tỉnh có 26 sản phẩm được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; trong đó có ba sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu cộng đồng. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hướng dẫn hỗ trợ các cơ sở sản xuất và kinh doanh theo hướng mở rộng quy mô, đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) nâng cao giá trị gia tăng.
Chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng và đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật, về đích sớm hơn nhiều năm so với kế hoạch đề ra. Đến hết năm 2020, có 145/145 xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới, là tỉnh thứ 3 trong toàn quốc được Thủ tướng chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 38 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kinh tế nông thôn phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân khởi sắc.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chương trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 xác định rõ mục tiêu cụ thể. Đó là thực hiện cơ cấu lại, xây dựng nền nông nghiệp Hưng Yên “Hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững”; tập trung khai thác và phát huy tốt lợi thế của tỉnh. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng bình quân từ 2-2.5%. Đến năm 2025, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt từ 80 triệu đồng/người/năm trở lên, 55-60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25-30 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi, giá trị gia tăng cao và hiệu quả; Tiếp tục khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa tập trung, theo chuỗi giá trị, thí điểm xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; Phát triển nông thôn và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Với những kết quả tích cực trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian qua, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, an toàn và bền vững, nông dân khá giả, nông thôn văn minh là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025.