Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng

Lê Tuyết
Chia sẻ
(VOV5) - Tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, bảo đảm kết nối giữa các đô thị động lực với các khu, cụm công nghiệp và dịch vụ, trung tâm đầu mối.

Trong chuyến công tác tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, sáng nay (9/10), tại tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với lãnh đạo tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tỉnh Sóc Trăng cần khai thác hiệu quả lợi thế vị trí chiến lược ven biển quan trọng và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, để xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, là trung tâm đầu mối của Vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics, các dự án năng lượng với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng  - ảnh 1Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VOV

Chủ tịch Quốc hội cho rằng vấn đề lớn của Sóc Trăng và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là giao thông kết nối, khi có kết nối sẽ tạo xung lực cho địa phương. Vì vậy, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, bảo đảm kết nối giữa các đô thị động lực với các khu, cụm công nghiệp và dịch vụ, trung tâm đầu mối; gắn kết không gian biển với khu vực đất liền; đẩy nhanh việc triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông kết nối với vùng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch chế biến nông sản, kêu gọi đầu tư vào chế biến nông sản-thủy sản.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng  - ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: VOV

Tỉnh Sóc Trăng rà soát xét, lại chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ, phát triển kinh tế xã hội vừa bảo vệ môi trường và các mục tiêu khác đặt trong tổng thể theo tinh thần Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Feedback