Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân ở tỉnh Hòa Bình

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Tỉnh Hòa Bình thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo cho người dân.

Nghe âm thanh bài tại đây:

 Tỉnh Hòa Bình luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của người dân. Các cơ quan chức năng cũng đã hướng dẫn, tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích, hành giáo đúng pháp luật.
Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân ở tỉnh Hòa Bình - ảnh 1Nhà thờ Giáo họ Trung Minh ở thành phố Hòa Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Anh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 3 tôn giáo hoạt động, gồm; Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, trong đó 2 tôn giáo lớn là Công giáo và Phật giáo. Ðể làm tốt công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại các xã, bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ sinh sống.

Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, cho biết: Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình thực hiện đúng theo chủ trương, chính sách và hướng dẫn phật tử thực hiện Luật tín ngưỡng tôn giáo theo quy định chung của Nhà nước cũng như của Giáo hội. Tín đồ phật tử gắn kết và thực hành theo giáo lý nhà Phật đã dậy hướng cho con người tới chân, thiện, mỹ. Bà con giáo dân sống tốt đời, đẹp đạo, cùng chung tay với chính quyền các cấp, các tổ chức thực hiện tốt công tác an sinh xã hội hằng năm. Vào dịp Tết cổ truyền dân tộc, dịp ngày lễ, ngày thương binh liệt sĩ 27/7 hằng năm thì Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình thực hiện tri ân, cũng như tặng quà, thăm hỏi người nghèo”.

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân ở tỉnh Hòa Bình - ảnh 2Một buổi lễ ở Nhà thờ Giáo họ Trung Minh, thành phố Hòa Bình. Ảnh: Ngọc Anh

Chức sắc, tín đồ các tôn giáo chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng tín đồ, không để xảy ra điểm nóng về tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Linh mục Nguyễn Trung Thoại, Chánh xứ Giáo xứ Hòa Bình thuộc giáo phận Hướng Hóa, cho biết: “Giáo xứ Hòa Bình có từ năm 1925, do những người thuộc giáo phận Hà Nội gây dựng và truyền đạo ở đây. Giáo dân thành lập được một số giáo họ xung quanh đây, như: giáo họ Phương Lâm, giáo họ Thịnh Lang, giáo họ Trung Minh. Linh mục khi thành lập các giáo họ thì đều được các huyện, hoặc tỉnh Hòa Bình tạo điều kiện hoạt động. Các linh mục phục vụ bà con giáo dân. Ở đây không có thế lực phản động nào, tà đạo không có, an ninh trật tự tốt”.

Các cấp chính quyền trong tỉnh Hòa Bình cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; đề cao cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Ðịa phương chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo và quản lý nhà nước về tôn giáo. Đồng thời, tăng cường đối thoại với phật tử, giáo dân. Vì thế, người dân phấn khởi, tin tưởng vào Nhà nước, an tâm hành lễ. Ông Lê Văn Quang, giáo dân ở phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình, cho biết: “Ở đây, hằng tuần giáo dân đi lễ 2 lần, thứ Bảy và Chủ nhật, ngày chính là ngày Chủ nhật. Ngày lễ Noel đại diện các ban, ngành đều có mặt ở nhà thờ tổ chức lễ Giáng sinh. Cha dạy giáo dân sống sao cho tốt đời đẹp đạo”.

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân ở tỉnh Hòa Bình - ảnh 3Nhà thờ giáo xứ Hòa Bình. Ảnh: Ngọc Anh

Hoạt động hành giáo của các điểm nhóm tín đồ tuân thủ theo quy định của pháp luật. Hằng năm, các điểm nhóm đều đăng ký chương trình hoạt động với chính quyền địa phương, theo đúng tôn chỉ, mục đích, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của các tín đồ. Các điểm, nhóm đạo sau khi đăng ký hoạt động đều hướng dẫn người dân, tín đồ có đạo sống “Tốt đời, đẹp đạo, kính chúa, yêu nước, chuộng hòa bình, thực hiện bác ái, tự do bình đẳng theo quy định của pháp luật”.

Ông Bùi Sĩ Động, Phó Ban văn hóa phật giáo tỉnh Hòa Bình, cho biết: “Những năm qua, hoạt động tôn giáo đi vào kỷ cương, nề nếp, không có hiện tượng lợi dụng tôn giáo xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt là chính sách đại đoàn kết dân tộc. Bà con phật tử tích cực tham gia ủng hộ các quỹ, như: quỹ vì người nghèo; hoạt động từ thiện tặng xe đạp cho các cháu học sinh. Dịp ngày lễ ngày tết, phật giáo tỉnh tham gia tích cực bằng mọi hình thức, ủng hộ vật chất cũng như tinh thần, bình thường hằng năm ủng hộ từ 500 triệu đồng trở lên (gần 20.000 USD) ủng hộ bà con nhân dân khó khăn. Ngoài ra, phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tham gia bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu và thả cá ở hồ sông Đà hằng năm. Chính quyền đều có đại diện công giáo, phật giáo tham gia ví dụ Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Hòa Bình”.

Tỉnh Hòa Bình thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo cho người dân. Các tổ chức tôn giáo hoạt động theo phương châm “Đồng hành cùng dân tộc”. Đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình dù theo tôn giáo nào cũng bình đẳng, đoàn kết, hăng hái thi đua yêu nước. Nhờ vậy, hoạt động tôn giáo tín ngưỡng ở đây tự do trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Feedback