Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Đồng bào các tôn giáo được tự do thực hành những nghi lễ, tín ngưỡng của tôn giáo mình trong môi trường ổn định, hòa hợp, bình đẳng, phù hợp với pháp luật.
Những ngày gần đây, bức tranh tín ngưỡng, tôn giáo trở nên sinh động hơn với không khí vui tươi, đón mừng Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer ở Nam Bộ. Thực tiễn đời sống tín ngưỡng tôn giáo ngày càng sôi động là minh chứng rõ nét trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng ở Việt Nam.
Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer. Ảnh: baochinhphu.vn |
Nếu cách đây 21 năm, năm 2003, Việt Nam mới có 15 tổ chức thuộc 6 tôn giáo với 17 triệu tín đồ, thì cuối tháng 11 năm ngoái, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho hơn 40 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với 27 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số Việt Nam.
Các tôn giáo được phát triển bình đẳng
Trong số 27 triệu tín đồ các tôn giáo, cộng đồng Công giáo phát triển mạnh mẽ với hơn 7,2 triệu giáo dân, chiếm khoảng 7% dân số cả nước. Các giáo dân sinh hoạt tại khoảng 9.000 cơ sở tôn giáo. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã cấp đất để xây dựng cơ sở thờ tự cho các tôn giáo, trong đó tỉnh Đắk Lắk giao hơn 11.000m2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; thành phố Đà Nẵng giao hơn 9.000m2 đất cho Tòa Giám mục Đà Nẵng; tỉnh Quảng trị giao thêm 15ha cho Giáo xứ La Vang…
Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican (phía sau) và Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Thường trú Tòa thánh Vatican tại Việt Nam (phía trước) tại buổi thánh lễ cầu nguyện ở nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, ngày 10/4/2024. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Trong chuyến thăm Việt Nam từ 9 – 14/4, Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican, Paul Richard Gallagher, bày tỏ vui mừng chứng kiến Giáo hội Công giáo Việt Nam phát triển, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và tin tưởng cộng đồng Công giáo Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa trong công cuộc phát triển đất nước Việt Nam.
Phát biểu tại Thánh lễ cầu nguyện diễn ra tối qua (10/4), tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican, Paul Richard Gallagher, cho biết: "Gần 2 ngày qua, kể từ khi tôi đặt chân đến Việt Nam, tôi đã nhận được sự chào đón thịnh tình từ các cấp chính quyền. Họ quan tâm không chỉ đến chuyến đi mà đến cả những đề nghị mà tôi trao đổi. Điều làm tôi ấn tượng nhất là khi tôi đến thánh đường nguy nga, Nhà thờ chính tòa ở Hà nội, cũng như được cử hành thánh lễ cùng các giáo dân ở đây".
Trong khi đó, Phật giáo chiếm số lượng tín đồ đông nhất tại Việt Nam với trên 14 triệu tín đồ và hơn 18.500 cơ sở thờ tự. Nhiều chùa chiền đã được tu sửa, tôn tạo. Số người đi lễ Phật, quy y ngày càng tăng và thu hút nhiều tầng lớp xã hội. Nhiều lễ hội của đạo Phật đã thu hút hàng vạn tín đồ nhân dân tham dự, nổi bật như: 03 Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc (năm 2008, 2014, 2019). Đại đức Thích Đồng Hòa, chùa Vĩnh Nghiêm, bày tỏ: "Nếu nói Việt Nam không bảo đảm tự do tôn giáo thì không đúng. Chính chúng tôi là 1 ví dụ. Chúng tôi là nhà sư nước ngoài đã thọ giới ở Việt Nam và đang đi học ở Việt Nam, tu ở Việt Nam. Từ năm đầu đến bây giờ (hơn 10 năm), tôi chưa bao giờ gặp vấn đề gì liên quan đến tôn giáo. Chúng tôi hoạt động tôn giáo rất tự do, có quyền đi học, có quyền đi hành lễ, có quyền giảng đạo pháp".
Tôn trọng, đảm bảo sự đa dạng về tôn giáo của đồng bào các dân tộc thiểu số
Cùng với việc đảm bảo tự do tôn giáo của các tôn giáo lớn, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại khu vực Tây Nguyên, Nhà nước quan tâm khôi phục, phát huy các giá trị và hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống; tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo xây dựng, cải tạo, sửa chữa cơ sở thờ tự theo đúng quy định của pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của các tín đồ. Mục sư Ai Krol, thuộc Chi hội Ea Hiu của Hội thánh Tin lành (Đăk Lăk), bày tỏ: "Trong sinh hoạt của Hội Thánh, các cấp chính quyền đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Chi hội. Mọi thứ tốt đẹp, không có gì trở ngại. Những năm trước, chúng tôi chỉ sinh hoạt trong nhà thờ tạm thôi. Còn bây giờ, các cấp chính quyền tạo mọi điều kiện cho chúng tôi được xây dựng một nhà thờ khang trang đẹp đẽ. Từ khi chúng tôi có nhà thờ như thế này thì ai nấy đều phấn khởi".
Những ngày này, đồng bào Khmer ở các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu... tưng bừng chuẩn bị đón Tết truyền thống Chol Chnam Thmay. Các gia đình Khmer sửa soạn, dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa. Các nghệ nhân tập trung chỉnh sửa dụng cụ nhạc ngũ âm. Nam thanh, nữ tú ôn luyện những điệu múa truyền thống để biểu diễn trong những ngày Tết sắp đến... Anh Thạch Minh Văn (Sóc Trăng), bày tỏ: "Tôi rất vui khi đón Tết cổ truyền. Bà con trong phun, sóc rất phấn khởi. Tết là dịp để bà con giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tạo không khí vui tươi và thúc đẩy địa phương ngày càng phát triển".
Bức tranh sinh hoạt tôn giáo đa dạng, phong phú tại Việt Nam cho thấy thành tựu trong thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam là không thể phủ nhận. Đó là kết quả quá trình nhất quán từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị và đồng thời là sự đồng thuận, đồng lòng của đồng bào tôn giáo.