Minh chứng về thực tế tự do tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Các hoạt động mừng Đại lễ Phật đản của các tăng ni, phật tử Việt Nam vẫn còn tiếp diễn, dự kiến sẽ được tổ chức với quy mô rộng rãi trên toàn quốc vào những ngày cuối tuần này. 

Tại Việt Nam những ngày này, giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các tăng ni, phật tử cả nước đang tổ chức các hoạt động mừng đại lễ Phật Đản 2023 (Phật lịch 2567). Việc đồng bào có đạo mừng đại lễ Phật đản cho thấy sự phát triển và hội nhập của Phật giáo, đồng thời khẳng định thực tế tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam trước những đánh giá thiếu khách quan về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam.

Phật đản là đại lễ Phật giáo lớn trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Phật đản Phật lịch 2567 kéo dài trong khoảng 1 tuần, từ ngày 08/04 – 15/04 (Âm lịch), nhằm ngày 26/05/2023 – 02/06/2023 (Dương lịch) ở nhiều địa phương.

Nhiều hoạt động mừng Phật đản sinh

Một trong những sự kiện lớn nhân đại lễ Phật đản phải kể đến việc 3.000 chư tăng trong nước và quốc tế đã tham gia lễ khánh thành Học viện Phật giáo Nam tông Khmer và đại lễ đặt bát hội, nghi lễ đặc trưng của Phật giáo Nam tông Khmer, ở thành phố Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ, ngày 26/4 vừa qua. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cấp chính quyền, năm 2017, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer bắt đầu khởi công xây dựng trên diện tích 6,7 ha với tổng thể 19 hạng mục công trình. Học viện Phật giáo Nam tông Khmer khi khánh thành, là nơi đào tạo kiến thức cho Tăng sinh Khmer ở cấp cử nhân Phật học Pali – Khmer, cho sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer các tỉnh/thành Nam bộ. Ngoài chức năng giáo dục, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer còn tổ chức nhiều hoạt động tôn giáo, như: Lễ Dâng y Kathina, Lễ nhập hạ, Lễ Phật đản… Nghi lễ đặt bát hội được tổ chức nhân dịp này có ý nghĩa quan trọng, mang tính đặc trưng của Phật giáo Nam tông Khmer, gắn liền với truyền thống, văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.Tham dự lễ, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bày tỏ: Trong thời gian ngắn đã xây dựng được Học viện và xây dựng được Trai đường như hôm nay, tôi kỳ vọng Học viện này chẳng những đào tạo Chư tăng Nam tông Khmer tại miền Tây Nam bộ, mà còn kết nối với tất cả các nước trên thế giới. Nếu chúng ta nâng cấp lên và đào tạo Chư tăng có trình độ Pali và có trình độ Anh ngữ thì mối quan hệ giữa ta và quốc tế chắc chắn mang lại kết quả tốt đẹp cho Phật giáo cũng như cho đất nước chúng ta.

Tuần lễ Phật đản tại Thừa Thiên Huế, địa phương có nhiều đồng bào theo tín ngưỡng Phật giáo, được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức từ ngày 26/5-02/6. Nhiều hoạt động diễn ra trong dịp này, có thể kể đến là: thiết trí 2 lễ đài chính tại Tổ đình Từ Đàm và Diệu Đế quốc tự, tôn trí 07 hoa sen trên sông Hương, các biểu tượng Phật giáo, thực hiện nghi lễ tắm Phật và Rước Phật cầu nguyện quốc thái dân an, thế giới hòa bình; diễu hành xe hoa, thuyền hoa, phóng sanh đăng, triển lãm về văn hóa Phật giáo, văn nghệ cúng dường, tụng kinh, tọa đàm, diễn giảng chánh pháp, đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ và Đài Thánh Tử đạo, tặng quà thân nhân Thánh Tử đạo, các gia đình có công với đất nước, thương binh, gia đình liệt sỹ.

Minh chứng về thực tế tự do tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam - ảnh 1Không khí Đại lễ Phật đản được tổ chức tại Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Trước đó, trong 2 ngày 20 và 21/5, chùa Ba Vàng, ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cũng tổ chức trọng thể Đại lễ Phật đản 2023, với sự tham gia của hàng ngàn tăng ni, phật tử trong nước và quốc tế. Hoạt động này nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc trong nước và quốc tế, nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của Phật giáo vì hòa bình cho nhân loại, cũng như cầu nguyện cho quốc thái dân an, thế giới thanh bình, chúng sinh an lạc. Ở phía Nam, chùa Diệu Pháp ở quận Bình Thạnh cũng thông báo cho Phật tử, người dân tham dự lễ hoa đăng "Quay về nương tựa Phật" nhân đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 từ 18 giờ đến 20 giờ 30 phút ngày 31/5. Về phía chính quyền các địa phương, nhân dịp lễ Phật đản, nhiều đoàn đại biểu Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt trận Tổ quốc các cấp đã đồng hành cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp và các tăng ni, phật tử tổ chức đại lễ Phật đản và thăm hỏi, tặng quà các tăng ni, phật tử nhân dịp này.

Minh chứng về sự phát triển, hội nhập của Phật giáo và tự do tín ngưỡng ở Việt Nam

Không chỉ có các hoạt động mừng Phật đản trong nước, trong khuôn khổ Lễ hội Phật đản Quốc gia 2023 của Sri Lanka diễn ra tại trung tâm thủ đô Colombo ngày 3- 7/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka và cộng đồng người Việt sinh sống tại địa phương, đã tổ chức gian trưng bày, giới thiệu nghi thức tổ chức Lễ Phật Đản truyền thống của Việt Nam với bạn bè quốc tế và người dân Sri Lanka. Gian trưng bày cũng giới thiệu khái quát về lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam với những bước đồng hành cùng dân tộc, hội nhập với thế giới. Ngoài ra, còn có các hoạt động giao lưu Phật giáo giữa Sri Lanka và Việt Nam, thể hiện nét tương đồng, sự gắn bó và tiềm năng thúc đẩy quan hệ hợp tác về Phật giáo giữa hai nước.

Hoạt động mừng đại lễ Phật đản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp và tăng ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước là những minh chứng mạnh mẽ đáp trả những xuyên tạc của Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Báo cáo thường niên về tình hình tôn giáo quốc tế của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa kỳ về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam nhân dịp này. Cùng với những minh chứng thực tế này, trên phương diện quốc gia, ngày 18/5 vừa qua, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định: "Là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo với đời sống tín ngưỡng tôn giáo phong phú  thì Việt Nam luôn thực hiện chính sách nhất quán  là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người dân dân, đảm bảo bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo tín ngưỡng, bảo hộ các hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp, trong Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016 và các văn bản pháp luật liên quan, được đảm bảo tôn trọng trên thực tế, không ngừng hoàn thiện trong hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng của Việt Nam.”

Các hoạt động mừng Đại lễ Phật đản của các tăng ni, phật tử Việt Nam vẫn còn tiếp diễn, dự kiến sẽ được tổ chức với quy mô rộng rãi trên toàn quốc vào những ngày cuối tuần này. Nếu được trải nghiệm thực tế đó, chắc chắn, Bộ Ngoại giao Hoa kỳ và Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa kỳ sẽ có cách nhìn nhận và đánh giá đúng đắn và khách quan hơn về việc Phật giáo Việt Nam đã và đang đồng hành cùng dân tộc, tự do phát triển và hội nhập cùng thế giới.

Feedback