Để làm nên những chiếc ghế mây mang nét tinh hoa dân tộc cần khối óc sáng tạo và bàn tay lành nghề, khéo léo. Nghệ nhân Vì Văn Chữ ở Bản Dọi, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là một trong số ít người còn lưu giữ được nét nghề truyền thống đặc trưng của chiếc ghế mây. Những sản phẩm của ông góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch ở vùng đất này.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Lần đầu tiên đến du lịch tại Bản Dọi, xã Tân Lập, Huyện Mộc Châu, Sơn La tận mắt chứng kiến ông Vì Văn Chữ cặm cụi uốn từng vòng song, tỉ mẩn chuốt từng sợi dây mây, đan thành những chiếc ghế đẹp mắt, chắc chắn, đủ mọi kích cỡ, Khánh An không khỏi thích thú và tò mò.
Lần đầu tôi đến đây du lịch, tôi rất ấn tượng với cách đan ghế mây của bác, công phu và đặc sắc. Nó thật sự đẹp, tôi nghĩ nó bền và chắc chắn. Tôi ấn tượng với ý nghĩa của chiếc ghế mây, đây không phải chiếc ghế thông thường mà còn có rất nhiều điều bí ẩn xung quanh.
Ông Vì Văn Chữ cặm cụi uốn từng vòng song. Ảnh: Tuyết Trinh |
Theo nghệ nhân Vì Văn Chữ, để làm một chiếc ghế mây, ông phải cẩn thận, kỹ càng ngay từ khâu chọn nguyên liệu, thường là những cây mây có tuổi thọ ít nhất 2 năm mới được chọn. Đặc biệt, mây phải là loại thân cây dài, rắn chắc nhất.
Nghệ nhân Vì Văn Chữ chia sẻ: "Để làm chiếc ghế mây, mình đi vào rừng, lấy cây mây về làm lạt, lấy 1 nửa dây mây, dây ngọn, làm lạt để đan, một nửa dưới chia đôi làm vòng tròn của ghế. Một vòng to và 1 vòng nhỏ, lạt thì cần phải phơi khô rồi đun, nó dẻo thì mình mới đan được. Vòng khi nào khô thì mình đo, song mình cắt. Sau đó cho trống vào giữa, trống phải là tre già để đảm bảo chắc chắn. Sau đó mình đan là hoàn chỉnh luôn."
Tất cả chi tiết từ nhỏ nhất của chiếc ghế may đều được làm tỉ mỉ và tinh tế. Sau khi hoàn tất công đoạn đan, những chiếc ghế sẽ được gác lên bếp lửa than củi tầm 1 tuần. Rửa qua bằng nước sẽ cho ra những chiếc ghế mây chắc chắn với màu đen bóng mịn. Màu đen bóng này không phải là từ hóa chất hay bôi dầu làm màu, mà là màu sắc tự nhiên được tạo ra từ khói bếp.
Mỗi khi ngắm nhìn những chiếc ghế mây của nghệ nhân Vì Văn Chữ, bác Hà Văn Khởi, người dân tại Bản Dọi - Xã Tân Lập - Huyện Mộc Châu - Tỉnh Sơn La lại có những cảm nhận đặc biệt: "Nghệ nhân Vì Văn Chữ là người đan ghế mây trực tiếp phục vụ bà con và giữ nét văn hóa truyền thống của người Thái. Lịch sử ghế mây ngày xưa ông cha bà để lại, ghế mây dân tộc thiếu trong 1 góc nhà, mỗi một nhà phải có 1 chiếc ghế mây."
Ông Vì Văn Chữ bên những chiếc ghế mây chắc chắn với màu đen bóng mịn. Ảnh: Tuyết Trinh |
Với người dân tộc Thái, chiếc ghế mây không chỉ có giá trị sử dụng trong đời sống hàng ngày, mà còn gắn với nhiều yếu tố văn hóa tâm linh. Ghế mây là vật chứng giám không thể thiếu khi gia đình có đám cưới hỏi – có ghế mây, thầy Cúng mới chịu làm lễ; Chiếc ghế mây như một vị thần bảo vệ người con gái Thái khi về làm dâu… Đến khi mất đi, chiếc ghế mây là vật dụng đồng hành với con người, khi sống sử dụng chiếc ghế mây nào khi mất đi sẽ để mang theo, đồng bào không đốt, người thân sẽ để ngày trong ngôi mồ của người đã mất.
Với những người có kinh nghiệm lâu năm, một tháng có thể đan được 25 - 35 chiếc ghế. Giá bán 1 chiếc hơn 350.000 đồng. Vào thời gian nông nhàn, nhiều người tranh thủ làm ghế mây bán tạo thêm thu nhập. Hiện nay việc tìm đầu ra cho ghế mây có nhiều thuận lợi bởi giao thông thuận lợi và nhu cầu của thị trường đối với loại sản phẩm này càng cao hơn trước. Vì thế mà nghệ nhân Vì Văn Chữ luôn sẵn sàng truyền kinh nghiệm cho lớp trẻ muốn học nghề dù công việc này đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó và kỳ công của cả 2 bên.
Bản Dọi, nơi nghệ nhân Vì Văn Chữ sinh sống, đang dần “thay da, đổi thịt” với định hướng tới phát triển du lịch cộng đồng bền vững. Chiếc ghế mây không chỉ gắn bó với đời sống sinh hoạt của bà con dân tộc Thái mà hiện nay còn là món quà được du khách rất ưa thích mỗi khi đến với vùng đất này. Những chiếc ghế mây mang nét đẹp văn hóa, thể hiện bàn tay tài hoa của nghệ nhân Vì Văn Chữ nói riêng và các nghệ nhân ở Sơn La nói chung vừa góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc vừa tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.