Mảnh đất Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của chiến tranh Việt Nam, từng chứng kiến sự khốc liệt của của bom cày đạn xới, chịu đựng nhiều hy sinh mất mát. Vậy nên, hòa bình lúc nào cũng là khát vọng cháy bỏng của người dân tỉnh Quảng Trị cũng như của toàn thể nhân dân Việt Nam. Khát vọng hòa bình cũng chính là tâm nguyện của hàng chục vạn anh linh liệt sĩ, các nạn nhân chiến tranh đang nằm trong lòng đất mẹ Quảng Trị. Do đó, cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực xây dựng mảnh đất này trở thành biểu tượng hòa bình và tôn vinh giá trị của hòa bình.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những địa danh ở Quảng Trị như: Hiền Lương- Bến Hải, Vịnh Mốc, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đường 9, Khe Sanh, Tà Cơn, Cửa Việt, Thành Cổ… đã đi vào lịch sử dân tộc. Nhắc đến Quảng Trị nhiều người đều nhớ đến Thành Cổ Quảng Trị với trận chiến ác liệt kéo dài trong suốt 81 ngày đêm. Tổng số bom đạn mà Mỹ ném xuống mảnh đất Thành cổ rộng 3 ki lô mét vuông này trong 81 ngày đêm bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản.
Cái bắt tay lịch sử của ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink trên cầu Hiền Lương. |
Ông Nguyễn Kham, 93 tuổi, ở khu phố 4, phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, kể rằng, sức hủy diệt của bom đạn trên mảnh đất Thành Cổ Quảng Trị này lên đến 200%, đi đâu cũng thấy hoang tàn đổ nát.
Ông Nguyễn Kham cảm nhận, thị xã Quảng Trị hôm nay phố xá sầm uất dưới màu xanh tươi của cây cối đã minh chứng cho giá trị to lớn của nền hòa bình: “Khi lập lại hòa bình đó là niềm hạnh phúc lớn của dân tộc mà thế giới hòa bình người ta thông cảm, ca ngợi, động viên cổ vũ và ủng hộ. Thị xã Quảng Trị đây tuy dân số ít nhưng có ý chí mình có thể xây dựng được thành phố hòa bình và tôi thấy rất có khả năng. Biến mảnh đất thị xã Quảng Trị là mảnh đất thiêng, cả nước yêu thương, thể giới biết đến và ngưỡng mộ mảnh đất hòa bình.”
Lễ thượng cờ Thống nhất non sông. Ảnh VOV |
Quảng Trị là mảnh đất sâu nặng nghĩa tình đối với đồng chí, đồng bào, đồng đội khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế.Trong những năm chiến tranh, tỉnh Quảng Trị là nơi duy nhất của Cách mạng Miền Nam có trụ sở Chính phủ Lâm thời Cách mạng Miền Nam Việt Nam đã tiếp đón Chủ tịch Cu Ba Phidel Castro và 43 đại sứ từ 5 Châu lục đến trình Quốc thư, mở sứ quán. Đó chính là dấu ấn của hòa bình và hữu nghị.
Ông Hoàng Phước Lãm, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho biết, trụ sở của Chính phủ Lâm thời Cách mạng miền Nam Việt Nam đã thành di tích quan trọng, minh chứng cho hòa bình, hữu nghị và hợp tác: “Chính phủ Lâm thời Cách mạng miền Nam Việt Nam với vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình đã kết nối sự đoàn kết dân tộc giữa các mặt trận, các đoàn thể, lực lượng và tranh thủ sự ủng hộ của các nước trên thế giới, những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới phản đối lại cuộc chiến xâm lược, tạo nên sức mạnh tổng thể để tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.”
Thả bóng bay trên cầu Hiền Lương với thông điệp "Nguyện cầu cho hòa bình thế giới". |
Tôn vinh giá trị hòa bình, tưởng niệm, tri ân những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc, tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, tỉnh Quảng Trị đã quyết định tổ chức lễ hội Thống nhất non sông. Lễ hội này tổ chức lần đầu vào năm 2000, được duy trì, tổ chức định kỳ hằng năm vào đúng dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước- 30/4. Lễ hội được tổ chức tại Cụm Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương Bến Hải, chủ yếu là ở khu vực kỳ đài, cầu Hiền Lương cũ, phía Bắc và phía Nam cầu Hiền Lương.
Lễ hội Thống nhất non sông, ngoài nghi thức thượng cờ còn có nhiều hoạt động mang dấu ấn riêng, xúc động, thiêng liêng và đi vào lòng người. Đến năm 2010, Lễ hội Thống nhất non sông được công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Lúc đó, lễ hội thực hiện nghi thức đón hai bầu nước thiêng từ đầu nguồn Pắc Bó, suối Lênin- nơi chiến khu Việt Bắc và từ cuối dòng sông Hậu là nơi hợp lưu của 9 dòng sông phương Nam gửi về đây hoà cùng dòng Bến Hải. Đến năm 2011, lễ hội cử hành nghi thức đón nhận 21 hòn đá từ các đảo, điểm đảo trong quần đảo Trường Sa và những cây bàng vuông biểu tượng cho chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam trên Biển Đông. Gần đây nhất là năm 2019, sau lễ Thượng cờ, các đại biểu đã đến giữa cầu Hiền Lương lịch sử để thả bóng bay lên bầu trời với thông điệp “Nguyện cầu cho hòa bình thế giới”.
Tôn vinh các giá trị hòa bình, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng Đề án lễ hội “Vì hòa bình”, hướng đến việc tổ chức 1 lễ hội mang thông điệp vì hòa bình trên vùng đất lửa Quảng Trị vào năm 2022. Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị, cho biết, lễ hội “Vì hòa bình” nhằm tôn vinh các giá trị của hòa bình, chuyển tải thông điệp về hòa bình của nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Theo ông Nguyễn Đăng Quang, lễ hội “Vì hòa bình” nói lên tâm tư nguyện vọng, ước muốn xây dựng đất nước hòa bình thống nhất, kêu gọi bạn bè quốc tế đến đây cùng có những hoạt động xoa dịu nỗi đau chiến tranh và có kế hoạch hành động gìn giữ hòa bình: “Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Quảng Trị tổ chức Lễ hội mang tên “Vì hòa bình”, bởi lẽ một mảnh đất chịu nhiều đau thương mất mát nên lẽ Quảng Trị đề xuất câu chuyện này để bày tỏ khát vọng vì hòa bình. Chúng tôi nghĩ đây không chỉ là hoạt động tri ân mà còn truyền tải thông điêp rằng những người yêu chuộng hòa bình thì hãy về với lễ hội của Quảng Trị để rồi nhân lên sự yêu chuộng hòa bình, khát vọng luôn giữ một môi trường hòa bình.”
Tôn vinh giá trị của hòa bình không chỉ ngợi ca giá trị hòa bình mà còn tưởng niệm, tôn vinh, tri ân những người đã ngã xuống vì sự nghiệp hòa bình. Cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung xây dựng một biểu tượng hòa bình trên mảnh đất từng bị chiến tranh hủy diệt.
Đến với Quảng Trị, mỗi người sẽ hiểu được rõ sự khốc liệt của chiến tranh, càng thấm thía với giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Quảng Trị không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành một biểu tượng chung của cả nước, niềm tự hào chung về một thời hào hùng và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam anh hùng.