Vượt lên nỗi đau da cam/dioxin

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5) -  Sinh ra trong thời bình, nhưng cuộc sống của anh Lê Văn Trung lại gắn liền với những bệnh tật do di chứng của chiến tranh để lại. Anh mắc chứng bệnh bại liệt ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Anh là thế hệ thứ 2 trong gia đình bị nhiễm chất độc da cam nhưng bằng nghị lực và ý chí, anh không cam phận để cuộc sống trôi đi một cách vô nghĩa.
(VOV5) -  Sinh ra trong thời bình nhưng cuộc sống của anh Lê Văn Trung lại gắn liền với những bệnh tật do di chứng của chiến tranh để lại. Anh mắc bệnh bại liệt ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Là thế hệ thứ 2 trong gia đình bị nhiễm chất độc da cam nhưng bằng nghị lực và ý chí, anh không cam phận để cuộc sống trôi đi một cách vô nghĩa.


Vượt lên nỗi đau da cam/dioxin - ảnh 1
Anh Lê Văn Trung



Nghe âm thanh bài viết tại đây:





Trong chiến tranh chống Mỹ những năm 1961-1971, vùng đất tỉnh Quảng Trị là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề phải hứng chịu một lượng lớn chất diệt cỏ trong đó chủ yếu là chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ rải xuống. Chất độc da cam/dioxin, gây ra hậu quả lâu dài đối với sức khỏe con người, không những đối với các cựu chiến binh từng tham gia chiến tranh mà còn cả thế thế thứ 2, thứ 3 là con và cháu của họ. Gia đình anh Trung sinh sống trong vùng chiến sự  ác liệt, không may, anh là 1 trong 3 người con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Anh Lê Văn Trung tâm sự: “Sau khi sinh ra năm 1977, tôi không may mắc bệnh bại liệt, do nhiễm chất độc da cam. Tôi cũng đi học hết lớp 6, kinh tế cũng khó khăn nghỉ học ở nhà một thời gian, sau đó sự động viên của bạn bè anh em tạo điều kiện cho học nghề, cố gắng vượt khó xông lên vượt qua chính mình để khỏi làm khổ cho gia đình, đỡ thêm gánh nặng”.

Sinh ra đã bị liệt một bên chân, việc đi lại của anh Trung gặp nhiều khó khăn. Nghỉ học giữa chừng, nhưng anh Trung không nản chí. Bao năm qua, anh mày mò tự làm việc phù hợp với thể trạng sức khỏe của mình. Anh Trung đi học nghề hàn sắt, làm máy xay sát và chăn nuôi lợn. Được mọi người quý mến tạo điều kiện giúp đỡ có viêc làm, anh Trung không nề hà miễn là kiếm them thu nhập cho gia đình. Điều quan trọng hơn mà anh không bao giờ dám nghĩ tới là có một người con gái yêu thương anh thật lòng. Anh biết rằng, với than thể khiếm khuyết, nhiều cô gái sẽ không đủ can đảm tiến tới hôn nhân với anh. Bản thân anh cũng sợ lấy vợ, con cái của anh rồi cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Nghĩ vậy nên anh tập trung làm việc giúp đỡ bố mẹ, nuôi hai em ăn học, trưởng thành. Tuy nhiên, gia đình anh, ai cũng mong anh ổn định, có một người vợ cùng chia ngọt sẻ bùi. Ông trời cũng không lấy đi hết của ai mọi thứ và anh đã gặp được một con gái can đảm, yêu anh thật lòng. Anh Trung kể, chính câu nói này của vợ anh là động lực để anh phấn đấu hết mình: “Mọi người  có dị nghị anh thế nào thì em không biết. Nhưng em thấy anh là một người rất tốt và em yêu anh. Anh phải cố gắng lên và điều này làm tôi nỗ lực đến hôm nay”.

Năm 2006, anh Trung lập gia đình. Cũng như bao người đàn ông khác không muốn vợ con khổ và anh mạnh dạn vay khoảng 1 tỷ đồng để đầu tư mua một máy xúc, một xe tải và nhiều máy móc thiết bị cơ gới để san ủi mặt bằng, thi công đường giao thông: “Chưa bao giờ tôi nghĩ mình có được ngày hôm nay, vì ngày xưa ông bà mình khổ, chỉ cho một cái máy may để may kiếm được một cái quần, cái áo, kiếm được bát cơm. Hôm nay tôi đã nỗ lực vượt lên chính mình và cả gia đình đều không ngờ mình có ngày hôm nay. Bản thân cũng không ngờ có ngày hôm nay, có một gia đình hạnh phúc, kinh tế khá giả”.

Khi kinh tế ổn định, anh Trung luôn đồng hành sát cánh cùng những người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Anh Trung chia sẻ: “Cũng như khi bạn bè khuyết tật làm ăn kinh tế tôi cũng đem máy đi làm lấy giá rẻ để ủng hộ cho người ta. Phụ giúp cho người ta cũng như để cho một phần nào đó người ta phát triển được. Trong những  khi làm ăn kinh tế, mình cũng đã biết nên nói người ta nên làm cái gì và hỗ trợ máy thiết bị để giúp đỡ anh em đồng cảnh ngộ để phát triển. Trong trung ương hội cũng đã thấy việc làm của tôi là tấm gương tốt, đi vận động cho người khác cùng phát triển, nuôi bò, trâu giúp đỡ người cùng cảnh ngộ”.

Làm hết mình, sống có ích là phương châm của anh Trung. Ông Lê Văn Đăng, chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Bây giờ bản thân anh Trung có thể tự làm doanh nghiệp nhỏ. Hàng năm sử dụng thêm mấy lao động ở địa phương góp phần xây dựng cuộc sống của không những mình mà còn giúp được cho nhiều người khác nữa”.

Trong thời buổi khó khăn, người lành lặn làm kinh tế đã khó huống hồ người khuyết tật như anh. Nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân và tình yêu thương của vợ con cùng những người thân yêu, là liều thuốc giúp anh thêm sức mạnh phát triển cơ ngơi hơn nữa. Nhìn dáng người nhỏ, bước đi đầy khó khăn, nhưng không phải ai cũng biết, thẳm sâu trong con người anh là cả một nghị lực phi thường và không cam chịu.  

Feedback