Về thăm Nghĩa trang Trường Sơn những ngày tháng bảy

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ mà còn là biểu tượng của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. 

(VOV5) - Tháng 7, những con đường đến với Nghĩa trang Trường Sơn (ở xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), nơi an nghỉ của các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh, luôn tấp nập xe cộ cùng dòng người thăm viếng.


Trong dòng người ấy, có những cựu chiến binh mái tóc bạc phơ đi thăm phần mộ đồng đội, có người vợ đi viếng mộ chồng, những người con đến bên mộ cha và cả khách thập phương đến nghĩa trang chỉ mong thắp một nén tâm hương thành kính tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Về thăm Nghĩa trang Trường Sơn những ngày tháng bảy - ảnh 1
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh; cách Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, khoảng hơn 30 km về phía Tây Bắc. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa có quý mô lớn, thể hiện sự tri ân, tôn vinh của Nhà nước, của Quân đội và người dân Việt Nam đối với những người con yêu quý của dân tộc đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước.


Về thăm Nghĩa trang Trường Sơn những ngày tháng bảy - ảnh 2
Tượng đài chính trong nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn


Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 12 - Binh đoàn Trường Sơn (tiền thân của Đoàn 559), người tham gia vào việc thiết kế, xây dựng nghĩa trang Trường Sơn, chia sẻ: Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tháng Giêng 1973, lúc đó, Đoàn 559, đứng đầu là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, quyết định xây dựng một nghĩa trang và tổ chức các đoàn tìm kiếm cất bốc và quy tập thi hài các liệt sỹ hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn. Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977. Chỉ huy xây dựng là Bộ tư lệnh sư đoàn 559 với sự tham gia của nhiều đơn vị bộ đội và người dân trên địa bàn các tỉnh lân cận.


Theo Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung: “Khi thiết kế ban đầu và tính toán lực lượng Bộ đội Trường Sơn hy sinh là 33 nghìn liệt sỹ. Ngay từ khi quy hoạch đã định hướng rất rõ là đưa số liệt sỹ Trường Sơn hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước về an nghỉ và phân ra từng tỉnh, quyết định luôn vị trí tượng đài, hai bên tượng đài. Bên tay trái là khu mộ Anh hùng liệt sỹ và khu mộ của các liệt sỹ chưa xác định được tên. Bên tay phải là cho khu mộ của các liệt sỹ ở các tỉnh ở như Quảng Trị, Quảng Bình… Địa thế của Nghĩa trang theo phong thủy rất đẹp, bởi đều là những quả đồi thoai thoải và nhìn xa như một con đại bàng đang bay. Phía trước là một cái hồ rất rộng. Tuy thực tế có hơn 33 nghìn cán bộ chiến sỹ hy sinh, nhưng khi đi tìm, chỉ tìm được gần 13 nghìn hài cốt, còn lại đã thất lạc và bị bom đạn xóa dấu vết, mưa lũ cuốn đi".


Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn hiện nay là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sỹ là những cô gái, chàng trai vừa đôi mươi, mười tám đã anh dũng hy sinh trong 6.000 ngày đêm khai mở, giữ vững và phát triển con đường Trường Sơn. Với diện tích 140.000m2 và các phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính. Trong đó, Khu tưởng niệm nằm ở trung tâm trên một ngọn đồi cao hơn 32m từ dưới cổng đi lên. Ở đây có 6 bức phù điêu được chạm khắc trên đá nguyên khối, khắc họa những hình ảnh tiêu biểu của các binh chủng hợp thành của bộ đội Trường Sơn, với khẩu hiệu: “Mở đường mà tiến – Đánh địch mà đi”. Ở giữa khu trung tâm của nghĩa trang là Đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút uy nghi. Phía sau tượng đài là cây bồ đề cao lớn ôm lấy tượng đài và che mát quanh năm. Đường đi trong nghĩa trang được lát đá, gạch xem kẽ là những vườn hoa hay bóng cây râm mát. Mỗi khu mộ của các tỉnh, thành… đều có nhà tưởng niệm với kiến trúc mang hình ảnh các vùng quê. Trong Nghĩa trang còn có Đại Hồng chung đặt tại tháp chuông do các tổ chức và cá nhân phát nguyện đúc và hiến cúng. Trên thân chuông có khắc lời đề từ của Giáo sư Anh hùng Lao động Vũ Khiêu: “Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ/ Dạt dào Đông Hải khí anh linh/ Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí/ Muôn dặm non song nặng nghĩa tình".


Về thăm Nghĩa trang Trường Sơn những ngày tháng bảy - ảnh 3
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn về đêm


Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung cho biết: “Nghĩa trang Trường Sơn có nét đặc thù rất riêng. Thiết kế, quy hoạch và trực tiếp xây dựng, quản lý là do Bộ đội Trường Sơn. Các phần mộ liệt sỹ được chính đồng đội của mình đã chiến đấu ở Trường Sơn về chôn cất và chăm sóc phần mộ. Đến nay, chúng tôi vẫn đi tìm các hài cốt liệt sỹ ở trên rừng Trường Sơn và Lào để đưa về an nghỉ tại Nghĩa trang”.


Hằng năm Nghĩa trang Trường Sơn đón hơn 4 triệu lượt người đến thăm viếng. Theo Ban quản lý nghĩa trang, có những gia đình ở nơi địa đầu Tổ quốc như Lạng Sơn, Hà Giang; Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến đất mũi Cà Mau… năm nào cũng đến thắp hương; nhiều cơ quan đoàn thể hằng năm đều tổ chức chuyến đi, vượt cả ngàn km đến nghĩa trang để dâng hương hoa lên anh linh của các anh hùng liệt sĩ.


Đại tá Nguyễn Gia Cam, Cựu chiến binh Đoàn 559, chia sẻ: hơn 20 năm qua, năm nào ông cũng vào thăm và thắp hương cho các đồng đội. Ở nghĩa trang này, ngoài mộ của các đồng đội cùng đơn vị còn có phần mộ của người bạn thân, gắn bó với ông từ nhỏ rồi cùng nhập ngũ vào Trường Sơn một ngày. Ông bồi hồi: “Tuổi trẻ của chúng tôi lớn lên cùng nhau và cùng cả nước hành quân ra trận… nên mỗi lần trở lại đây, mỗi lần tôi lại xúc động, bồi hồi. Khi đến Quảng Trị, việc đầu tiên chúng tôi làm là đến thăm và thắp hương cho những đồng đội đang yên nghỉ tại đây. Mỗi lần vào Trường Sơn, chúng tôi đều tâm niệm và mong các đồng đội đã hy sinh còn nằm lại Trường Sơn hay ở các nghĩa trang khác hay yên lòng. Hãy tin tưởng vào những người đang sống, để kế tiếp sự hy sinh của đồng đội trước đây và chúng tôi hứa sẽ giữ được truyền thống của người Bộ đội Trường Sơn, của anh Bộ đội Cụ hồ, cũng như giáo dục con cháu mãi mãi giữ vững độc lập, tự do của đất nước".


Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ mà còn là biểu tượng của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Đồng thời để là nơi để các gia đình liệt sỹ, các đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước, các địa phương, người dân VN và bạn bè quốc tế đến thăm viếng nghĩa trang theo truyền thống của dân tộc Việt Nam: Uống nước nhớ nguồn – Ăn quả nhớ kẻ trồng cây./.

Feedback