(VOV5) - Ở làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội), không ai không biết đến nghệ nhân Nguyễn Văn Trung. Bằng tài năng và đôi bàn tay khéo léo của mình, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đã đưa sản phẩm mây tre Phú Vinh đến với thị trường trong và ngoài nước.
|
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung (Ảnh: laodong.com.vn) |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sinh năm 1953 tại vùng đất Phú Vinh vốn là cái nôi của nghề truyền thống mây tre đan, ngay từ nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đã được thừa hưởng sự khéo léo, niềm đam mê với nghề đan lát truyền thống từ gia đình. Từ năm 15 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đã chế tác ra những sản phẩm tinh tế và khéo léo. Năm 2005, ông thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn mỹ nghệ Hoa Sơn, đầu tư nghiên cứu cải tiến mẫu mã sản phẩm, tập trung sản xuất những mặt hàng thiết yếu, những sản phẩm mỹ nghệ trang trí đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Ông tìm cách đưa máy móc vào sản xuất để giảm ngày công lao động, giúp làng nghề đứng vững trước sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường. Hiện nay, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, các sản phẩm mây tre đan của Công ty còn được xuất khẩu sang những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha, CHLB Đức… Đơn hàng ngày một nhiều, mỗi năm đem về cho Công ty trên 3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động và việc làm thời vụ cho khoảng 300 lao động. Định hướng phát triển của Công ty Trách nhiệm hữu hạn mỹ nghệ Hoa Sơn là hướng tới những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, chất lượng cao. Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Công ty mỹ nghệ Hoa Sơn, cho biết: “Do tình hình chung và nhu cầu sử dụng của thị trường thế giới nên chúng tôi rất trăn trở làm sao có thể giữ được thương hiệu của làng thì mới có thể phát triển được. Bằng cách sáng tác những mẫu mới phù hợp cách sử dụng của thời hiện đại đồng thời mang đặc thù của vùng miền, của mây tre Phú Vinh thì mới có thể giữ được sự bền vững. Vì vậy, chúng tôi cũng tìm mọi cách để sáng tạo ra những sản phẩm phù hợp trong giai đoạn hiện nay”.
Từ ngày gắn bó với nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung luôn theo đuổi phong cách riêng, sáng tạo ra các tác phẩm chân dung lãnh tụ. Với hơn 40 năm trong nghề, ông đã làm ra khoảng 300 bức chân dung các vị lãnh tụ nổi tiếng trong và ngoài nước, trong đó có hơn 200 bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là người duy nhất thể hiện sống động hình ảnh lãnh tụ trên chất liệu mây tre đan. Ông Nguyễn Văn Trung cho biết thêm: "Làm được bức ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh là một điều hạnh phúc đối với tôi. Tôi nghĩ là một người thợ thì mình có thể đem tâm huyết để tôn vinh vị lãnh tụ của đất nước mình”.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung luôn trăn trở phải làm sao để nghề mây tre đan của quê hương không bị mai một. Năm 2007, ông thành lập Trung tâm Dạy nghề tư thục Mây tre đan Phú Vinh. Ông lặn lội tìm và tập hợp những người có tay nghề, cùng đi khắp đất nước để giảng dạy. Ở đâu cần học nghề, không quản đường sá xa xôi, ông tìm đến tận nơi để truyền đạt những kinh nghiệm vốn có. Còn những ai ở gần mà chưa có tay nghề, được tiếp nhận đến trung tâm để giảng dạy, sau đó nếu có nhu cầu ông nhận ngay vào công ty làm việc. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã đào tạo miễn phí cho gần 5000 lao động ở Hà Nội và các tỉnh khác, trong đó có hơn 1000 người là người khuyết tật thành nghề, tạo công ăn việc làm cho thu nhập ổn định. Em Nguyễn Long Nhật, học viên Trung tâm dạy nghề tư thục mây giăng đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, cho biết: “Khi mới bắt tay vào làm nghề thì tôi chưa biết gì, nhưng nhờ sự giúp đỡ của thầy giáo Trung, tôi đã có thêm nhiều kiến thức và làm ra nhiều sản phẩm. Sau này khi học xong tôi có thể gắn bó với nghề, phát triển làng nghề truyền thống của mình. Nghề này do ông cha để lại nên tôi cũng muốn gắn bó để gìn giữ và phát huy”.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Trung chưa bao giờ muốn nghỉ ngơi. Ông luôn tâm niệm khi nào còn sức khỏe, ông còn cống hiến hết sức mình cho quê hương, đất nước