Mộc Châu - Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới

Trấn Long
Chia sẻ
(VOV5) -Khu du lịch quốc gia Mộc Châu được quy hoạch trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, có tổng diện tích tự nhiên hơn 206.000 ha.

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu ở tỉnh Sơn La có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu 4 mùa rõ rệt, các mùa đều có các loài hoa đẹp làm đắm say lòng người. Năm 2022, Mộc Châu được tổ chức World Travel Awards (Giải thưởng Du lịch Thế giới) vinh danh là “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu châu Á” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới”. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/1/2019. Theo đó, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu được quy hoạch trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, có tổng diện tích tự nhiên hơn 206.000 ha. Đây là một trong những khu du lịch quan trọng nhất trên hành lang du lịch “qua miền Tây Bắc”.

Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu bao gồm ba trung tâm du lịch trọng điểm, là: Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu, Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu và Trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu.

Mộc Châu - Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới - ảnh 1Rừng thông Bản Áng là điểm du lịch nức tiếng của cao nguyên Mộc Châu.
Ảnh: Việt Khánh.

Ông Lê Trọng Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mộc Châu, cho biết: "Để giữ được danh hiệu là “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới”, hiện nay huyện Mộc Châu đã quy hoạch, bảo tồn đối với diện tích chè, đồng cỏ. Diện tích rừng đã được khoanh vùng, bảo vệ, nhằm duy trì tốt cảnh quan thiên nhiên trên địa bàn huyện Mộc Châu. Trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch gắn với nông trại, gắn với thiên nhiên, chúng tôi định hướng tập trung sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc, làm sao để nổi bật lên những nét riêng có của huyện Mộc Châu."

Với địa hình cao nguyên đá vôi, Mộc Châu được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, độc đáo, bao gồm: Đỉnh Pha Luông hùng vĩ, thác Dải Yếm đậm chất thơ, hang Dơi với hệ thống thạch nhũ tự nhiên tuyệt đẹp, vườn đào, vườn mận, đồng cỏ chăn nuôi bò sữa… Mộc Châu còn hấp dẫn du khách vì bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. 

Bà Maya Lou, du khách Mỹ, hào hứng chia sẻ: "Tôi đã nhiều lần đến Mộc Châu. Du lịch ở đây càng ngày càng phát triển, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, nhà hàng khách sạn cũng tốt và ẩm thực Mộc Châu có rất nhiều món ngon. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi đến đây."

Mộc Châu - Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới - ảnh 2Khu du lịch Mộc Châu Island với cầu kính Bạch Long đạt nhiều kỷ lục thế giới...
Ảnh: VOV

Mộc Châu mùa này hấp dẫn du khách bởi những rừng hoa mơ, hoa mận trắng tinh. Chị Nguyễn Bích Hòa, du khách Hà Nội, cảm nhận: "Ở Mộc Châu rất đẹp, không khí trong lành, tôi rất thích bởi vì ở thành phố nhiều bụi bặm, không khí không được trong lành; chúng tôi họp lớp thế là tổ chức đi dã ngoại ở Mộc Châu, Sơn La, cảnh quan rất đẹp, có suối, có núi, chúng tôi rất thích cảnh quan ở nơi này."

Mộc Châu, với nhiều sản phẩm du lịch như: Mộc Châu Island - Tổ hợp khu vui chơi nghỉ dưỡng phức hợp - với cầu kính Bạch Long đạt nhiều kỷ lục thế giới; các hạng mục vui chơi giải trí trong khu du lịch rừng thông bản Áng; các bản du lịch cộng đồng nguyên sơ và mến khách, đã đón trên 1,5 triệu lượt du khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 1.720 tỷ đồng (gần 73 triệu USD) trong năm 2022.

Anh Hoàng Mạnh Duy, Trưởng phòng kinh doanh của Mộc Châu Island, cho biết: "Để có thể gìn giữ danh hiệu “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới” cùng với Mộc Châu, Mộc Châu Island xác định việc giữ gìn cảnh quan là một trong những yếu tố tiên quyết để Khu du lịch quốc gia Mộc Châu ngày một đẹp hơn và nhiều du khách không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế sẽ tìm đến Mộc Châu, trong đó có Mộc Châu Island."

Hiện, huyện Mộc Châu đang tăng cường xúc tiến, thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nhất là các dự án cao cấp, đảm bảo cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch đồng bộ, hài hòa với cảnh quan, góp phần thu hút hơn nữa du khách trong nước và quốc tế.  

Feedback