Đền Làng Bôn ở xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu, là cơ sở tín ngưỡng linh thiêng trên địa bàn huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Ngôi đền này thờ ông Làng Bôn, người có công khẩn hoang, lập bản, dựng mường theo nếp ăn ở nhà sàn dân tộc Thái, định ước quy tắc xã hội Mường Mùn xưa (tức huyện Mai Châu ngày nay).
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo sử sách ghi lại, Làng Bôn là con trai cả của Mứn Náu Đông, chúa vùng đất Mường Hước Khà (tức vùng Bắc Hà, tỉnh Lào Cai ngày nay). Dù là con cả nhưng do là con của vợ hai, nên Làng Bôn không được cha cho đất, nên phải rời bỏ quê hương tìm vùng đất mới sinh sống. Cuối thế kỷ XIII, ông Làng Bôn thuộc tộc người dân tộc Thái từ Mường Hước Khà dẫn một đoàn người xuôi dòng sông Hồng đến sông Đà và rẽ vào Mường Mùn, thấy nơi đây có thung lũng bằng phẳng, xung quanh núi rừng trùng điệp, cây cối tốt tươi, suối trong lành, nhiều tôm cá nên đoàn người đã dừng chân ở lại, lập nghiệp. Sau khi Làng Bôn qua đời, dân chúng lập đền tôn thờ Ngài tại Chiềng Châu.
Toàn cảnh Đền Làng Bôn nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Anh |
Trải qua thời gian và lịch sử khách quan, ngôi đền cũ không còn nữa. Từ năm 2010, chính quyền địa phương xây dựng đền Làng Bôn mới. Đền Làng Bôn mới được xây dựng trên một khu đất rộng lớn như một sân bóng đá, hình chữ nhật, xung quanh núi rừng bao bọc. Đền có kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái. Ngôi đền là tòa nhà khang trang, kiến trúc cân đối, hài hòa, 2 tầng, mặt sàn khoảng 160 m2.
Ông Lò Văn Luần, dân tộc Thái, người trông coi đền Làng Bôn, cho biết: "Ông Làng Bôn xuống đây khai cẩn đất đai, dựng bản, dựng mường về sau là cụ mất đi nhớ người ta nhớ công lao của ông Làng Bôn thì họ lập nên đền thờ thờ ông Làng Bôn. Trước kia có đền nhỏ bằng gỗ ở trong xóm, vết tích đền cũ không còn nữa vì người dân đã làm nhà rồi. Đền này làm ở nơi đất mới. Đền có diện tích khoảng 5.000 m2. Gốc tổ người Thái huyện Mai Châu ở đây. Trong đền còn giữ lại bản sắc văn hóa dân tộc, sách vở, áng mo, tế lễ, luật lệ bản mường của người Thái, văn học dân gian, truyện, chữ viết dân tộc Thái, sách lịch sử, văn hóa dân tộc Thái."
Đền Làng Bôn. Ảnh: Ngọc Anh |
Đền Làng Bôn là nơi thờ cúng, tri ân tổ tiên của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Mai Châu. Bởi thế, rất đông người dân địa phương đến ngôi đền linh thiêng này.
Chị Lò Thị Kim, người dân tộc Thái, huyện Mai Châu, cho biết: "Đền rất linh thiêng. Bà con nhân dân ở đây thường đi lễ vào ngày lễ, tết, mùng 1, ngày rằm hằng tháng. Đi lễ cầu được mạnh khỏe, mùa màng tốt tươi, gia đình hạnh phúc, ấm no, làm ăn kinh tế tốt, con cháu học giỏi chăm ngoan. Ngoài ra, đền còn tổ chức lễ hội Xên Mường, lễ Khai Hạ. Rất đông bà con đến đây dự lễ hội, không khí vui vẻ."
Đi lễ đền Làng Bôn, bà Hà Thị Bích, người dân tộc Thái, huyện Mai Châu, cho biết: "Đây là đền rất linh thiêng của người Thái huyện Mai Châu nên bà con đi lễ rất đông. Huyện Mai Châu thiếu nước nên cầu mong có nhiều nước tưới cho cây lúa, mùa màng tốt tươi, kinh tế phát triển, con cháu thành đạt, học giỏi."
Quang cảnh làm lễ ở Đền Làng Bôn. Ảnh: Ngọc Anh |
Đền Làng Bôn là nơi tổ chức các lễ hội của đồng bào các dân tộc địa phương, trong đó có lễ hội Xên Mường (Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia), tổ chức ngày 9/1 và 10/1 âm lịch hằng năm. Đền Làng Bôn cũng là địa chỉ hấp dẫn du khách gần xa đi lễ và tham quan, vãn cảnh.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, du khách từ Hà Nội tới đền Làng Bôn, bày tỏ: "Trong ngôi đền tôi thấy có rất nhiều sách cổ, chữ viết cổ quý giá của đồng bào dân tộc và có nhiều dụng cụ lao động, sản xuất của bà con. Điều đặc biệt ấn tượng đó là ngôi đền nằm giữa một không gian rộng lớn. Sân rộng như một sân vận động, thường tổ chức các lễ hội, hội chợ cho bà con để bà con giao lưu văn hóa. Nếu có dịp đến với huyện Mai Châu, nhất định tôi sẽ đến tham quan ngôi đền một lần nữa."
Đền Làng Bôn không chỉ là nơi tâm linh mà còn như một bảo tàng thu nhỏ, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Thái. Với những giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa, ngôi đền này là một trong những biểu tượng của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.