Chùa Chrôi Tansa hay còn gọi là chùa Bãi Xào Giữa, tọa lạc ở ấp Bãi Xào Giữa, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Đây là một trong những ngôi chùa cổ kính, tiêu biểu của dân tộc Khmer, gắn liền với lịch sử cách mạng của địa phương.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cũng như những ngôi chùa Khmer khác, chùa Chrôi Tansa có các hạng mục công trình, gồm: cổng chùa, chính điện, tăng xá, sala, lớp học, tháp đựng tro cốt… Mỗi hạng mục công trình kiến trúc đều mang tính nghệ thuật cao và bố cục hài hòa trong tổng thể ngôi chùa. Từ những họa tiết hoa văn cho đến cách tạo các pho tượng khá tinh xảo. Ngôi chùa có không gian rộng lớn, hơn 22.200 m2, trong khuôn viên có trồng nhiều cây cổ thụ như: sao, dầu, thốt nốt, bình linh…, tạo nên một khung cảnh thoáng mát và yên tĩnh.
Chính điện chùa Chrôi Tansa. Ảnh: Ngọc Anh/ VOV5 |
Đại đức Giang Sô Thanh, trụ trì chùa Chrôi Tansa, cho biết: "Chùa được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cách mạng. Hiện tại chùa đang lưu trữ những hiện vật quý giá trong đó có phật hoàng, rất nhiều đồ cổ… Các vị sư, Ban quản trị chùa quan tâm bảo tồn văn hóa dân tộc Khmer. Chùa bảo tồn các điệu múa người Khmer như: múa rôbăm, múa chằn khỉ, múa trống Sadăm… Chùa cũng tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc Khmer vào học hành. Cứ vào dịp nghỉ hè các em học sinh đến chùa để học, bảo tồn chữ viết dân tộc mình. Năm nay, chùa mở 12 lớp học với hơn 200 học sinh trong 3 tháng hè."
Chùa Chrôi Tansa được xây dựng năm 1847 do các phật tử trong ấp Bãi Xào Giữa hiến đất và góp công xây dựng. Trụ trì đầu tiên của chùa là Hòa thượng Thạch Khmao. Chùa được mở rộng, trùng tu, sửa chữa nhiều lần nên mới được khang trang như ngày nay. Chùa không chỉ là không gian thiêng liêng, giàu tính văn hóa tâm linh mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer ở xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Biểu diễn nghệ thuật tại chùa Chrôi Tansa. Ảnh: Ngọc Anh/ VOV5 |
Các lễ hội của người Khmer được chính quyền và người dân địa phương tổ chức ở chùa. Ông Thạch Hon, thành viên Ban quản trị chùa Chrôi Tansa, cho biết: "Nhà chính là chính điện, ở đây hằng năm làm lễ tắm phật, lễ Chol Thnam Thmay. Ngày lễ chính điện được mở cho bà con thắp hương khấn cúng. Hằng tháng bà con đi chùa 4 ngày 8,15,23, 30 âm lịch. Nhà chùa tuyên truyền cho người dân ở đời phải sống có đức, chăm chỉ làm ăn, hướng thiện, tu tâm tích đức, thấy ai khổ cực thì giúp đỡ."
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chùa Chrôi Tansa là nơi che chở cán bộ cách mạng. Trong khuôn viên chùa có nhiều hầm bí mật được đào trong các lùm cây, bụi tre để cán bộ, bộ đội bí mật hoạt động, ẩn tránh quân địch. Tăng xá, sala, lớp học và ngay ở chính điện cũng là những địa điểm sinh hoạt, hội họp thường xuyên của các cán bộ cách mạng để bàn bạc, trao đổi, phổ biến các nhiệm vụ, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Kiên Sa Rinh, Phó Ban quản trị chùa Chrôi Tansa, cho biết: "Trước đây có cán bộ cách mạng là ông Acha Lovis Sarath (người Khmer gốc Campuchia nhập quốc tịch Việt Nam), chúng tôi đã mời ông đến đây dạy học trong chùa Chrôi Tansa này và ông đã nghĩ đến việc đấu tranh giải phóng dân tộc cùng với cách mạng Việt Nam.
Ông đã vận động Ban quản trị và bà con phật tử ở đây theo cách mạng. Ở phum sóc này có ông Tám Xuân là cán bộ cách mạng tiêu biểu đã tiếp bước ông Acha Lovis Sarath. Từ đó về sau có nhiều thanh niên và cán bộ theo cách mạng. Chùa có nuôi chứa nhiều cán bộ cách mạng, như: ông Tám Xuân, ông Dương Sâm Bô, ông Maha Sơn Thông… Phum sóc này có hơn 300 hộ dân, phật tử cũng lên chùa ẩn náu. Nhà chùa luôn che chở và bảo vệ cán bộ cách mạng và phật tử."
Chùa Chrôi Tansa có kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa Khmer. Ngôi chùa này cũng là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, anh hùng cách mạng cho các thế hệ. Ngày 29/8/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành quyết định công nhận chùa Chrôi Tansa là di tích cấp tỉnh thuộc loại hình di tích lịch sử.