Khu di tích Giàn Gừa thuộc ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, Thành phố Cần Thơ, được UBND TP Cần Thơ xếp hạng là Di tích lịch sử cấp thành phố vào 7/4/2013. Nơi đây từng là cơ sở cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của quân dân Việt Nam. Trong chuyên mục Khám phá Việt Nam tuần này, phóng viên Thu Hằng giới thiệu bài viết: Di tích lịch sử giàn Gừa Phong Điền, Cần Thơ.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cây Gừa cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam |
Từ Trung Tâm thành phố Cần Thơ là đi theo hướng lộ Vòng Cung trên địa bàn xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, qua phà đến xã Nhơn Nghĩa rồi hỏi thăm đường đi vào di tích lịch sử giàn Gừa. Dù con đường làng đã được tráng nhựa, lại do hẹp nên phương tiện di chuyển đến di tích chủ yếu là xe gắn máy.
Trước đây giàn Gừa có diện tích khá lớn, nhưng do bom đạn chiến tranh tàn phá và tác động của môi trường hiện nay giàn Gừa chỉ còn khoảng 2.700 m2. Đến di tích Giàn Gừa, khách tham quan cảm thấy choáng ngợp trước một khu giàn Gừa nguyên sinh vững chắc, với nhiều cây, nhiều nhánh đan xen, quyện chặt vào nhau như một tấm lưới khổng lồ. Có những cành gừa còn in hằn vết tích chiến tranh với những vết đứt, vết loang lổ do bom đạn. Tuy nhiên, những cành gừa ấy vẫn đâm chồi, vươn mình tỏa rợp bóng mát.
Khoang trong ben duoi nhung nhanh Gua du khach ngoi nghi chan va ngan gian Gua khong lo |
Ông Út Hiển, sinh và lớn lên tại xã Nhơn Nghĩa, cho biết: "Trước kia nơi đây là vùng ẩm thấp, có thể nhánh Gừa bò ven qua nhiều năm lá Gừa ăn rộng ra bao phủ phát tán ngày càng lớn. Thời chiến tranh đạn pháo bắn vào gốc Gừa nên mất tích từ đó không thấy rõ ràng gốc ở đây. Cây Gừa hoàn toàn chỉ có một gốc".
Do địa hình hiểm yếu và hẻo lánh nên trong chiến tranh Việt Nam , khu di tích lịch sử Giàn Gừa từng là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng của Khu ủy Khu Tây Nam Bộ, Tỉnh ủy Cần Thơ; là nơi cất giấu vũ khí, tài liệu; là nơi huấn luyện, tập kết và chuyển quân. Năm 1961 -1965, đây là nơi đào tạo huấn luyện đội biệt động nội thành. Để chuẩn bị cho Cuộc Tổng tấn công Mậu Thân (1968), lực lượng Thành đội Cần Thơ đã chọn Giàn Gừa là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược. Đến năm 1975, đây là nơi tập kết của bộ đội từ rạch Bà Hiệp đến Xà No- Bà Hương để vượt sông qua lộ Vòng Cung, tiến về giải phóng Cần Thơ vào tháng 4 năm ấy. Ông Phùng văn Chiến, nguyên Đại đội trưởng Đặc công Quân khu 9, nhân chứng lịch sử, người từng hoạt động kháng chiến ngay chính trong khu di tích giàn Gừa, chia sẻ:
"Tôi từng được Đảng và Quân khu phân công hoạt động trên địa bàn này. Trong thời kỳ kháng chiến, nhân dân ở giàn Gừa này đã từng nuôi dưỡng bộ đội cán bộ bằng hầm bí mật, bằng đóng góp xương máu người và của, rồi từng đoàn bánh tét từng nắm cơm khô được tiếp cho bộ đội để bộ đội được ăn no có sức mạnh để tổng tiến công vào các trận đánh góp phần vào việc giải phóng đất nước".
Trên chính mảnh đất này còn có những người dân địa phương từng nuôi dưỡng cách mạng. Ông Nguyễn Văn Liên, du kích xã Nghĩa Nhơn, chia sẻ: "Đại diện cho bà con khu di tích giàn Gừa, thì từ xưa khi thành lập mặt trận, bà con nơi đây hoàn toàn một lòng yêu nước, các đơn vị công binh đặc công, đơn vị của thành ủy rồi giao liên huyện và các đơn vị của quân khu về đây. Thậm chí bà con nhiệt tình xây 3 hầm bí mật ở 3 nơi để cho quân đội chú ẩn khi cần thiết".
Di tích Giàn Gừa còn là nơi có nhiều huyền thoại, gắn liền với lịch sử khai hoang mở cõi của nhà Nguyễn và lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân địa phương. Theo truyền thuyết mà một số người lớn tuổi của tộc họ Nguyễn ở xã Nhơn Nghĩa kể lại: vào giữa thế kỷ XIX (năm Đinh Tỵ, 1857), nhiều nhóm người từ sông Tiền di cư đến làng Nhơn Nghĩa khai hoang, trong đó có ông Cả và một số người họ Nguyễn. Do đất đai nơi đây màu mỡ, phì nhiêu nên việc khai hoang thuận lợi, đất đai của kiến họ Nguyễn ngày càng được mở rộng. Từ đó, nhiều người gọi ông Cả là ông Cả Nguyễn. Một hôm, vùng này xảy ra hỏa hoạn khiến giàn gừa bị cháy. Ở làng xuất hiện nhiều dịch bệnh, nhiều con cháu ông Cả Nguyễn bị bệnh chết.
Ông Nguyễn Văn Hiển, cháu đời thứ 6 cụ cả Nguyễn, Trưởng ban Quản lý khu di tích lịch sử giàn Gừa, cho biết: "Khi tổ tiên chuyển về đây, giàn Gừa có sẵn lớn tương đương 1 mẫu Tây. Sau có sự cố hỏa hoạn nên cây Gừa bị chết. Khi đó con cái họ Nguyễn cũng đua nhau bị bệnh. Có ông thày đến nói rằng muốn hóa giải nạn kiếp con cháu họ Nguyễn đua nhau ốm, vùa trị bệnh vừa lập miếu và trồng chăm lại cây Gừa này. Và chính là giàn Gừa hiện nay".
Hàng năm lại khu di tích giàn Gừa tổ chức có 2 dịp lễ, diễn ra vào ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 và ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, để tưởng nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh linh liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước.
Sau giải phóng, cùng với sự phát triển của thành phố, khu giàn Gừa được họ Nguyễn và nhân dân trong vùng tiếp tục gìn giữ, tôn tạo và khang trang hơn. Năm 2011, UBND thành phố Cần Thơ có quyết định việc quy hoạch đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái sông nước lịch sử giàn Gừa tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền với quy mô rộng hơn 332 ngàn m2, trong đó khu di tích giàn Gừa là trrung tâm. Năm 2013, Khu di tích lịch sử Giàn Gừa được Chính quyền thành phố Cần Thơ công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Năm 2013 , cây Gừa cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Việc công nhận này, vừa mang ý nghĩa bảo tồn gen cổ cho loại thực vật đặc trưng ở Đồng Bằng sông Cửu Long, và vừa mang ý nghĩa lịch sử.