Không chỉ có phong cảnh đẹp, người dân nhiệt tình, mến khách, Lai Châu còn nổi tiếng là nơi có rất nhiều món ăn ngon, cuốn hút du khách gần xa. Ẩm thực của Lai Châu không cầu kỳ mà đơn sơn, mộc mạc bởi đều chế biến từ các sản vật gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc ở đây.
Món ăn từ rêu đá. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đồng bào các dân tộc ở tỉnh Lai Châu gắn bó với nghề nông và chăn nuôi các loài gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, gà, vịt… Việc chăn nuôi đều được chăn thả tự nhiên để phục vụ nhu cầu thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày cũng như mỗi khi gia đình, làng xóm có việc hiếu hỷ. Ở Lai Châu, từ lâu đã nổi tiếng với vị thơm ngon của thịt lợn “cắp nách”. Gọi là lợn “cắp nách” vì mỗi con lợn chỉ nặng chừng 10-15kg, và bà con dân tộc hay kẹp hai con hai bên tay để mang xuống chợ bán hay trao đổi hàng hóa khác. Lợn “cắp nách” chỉ ăn cây, củ rừng nên thịt rất thơm ngon, hầu như không có mỡ. Từ thịt lợn, bà con đồng bào dân tộc ở Lai Châu chế biến ra nhiều món ăn rất ngon như thịt lợn hấp, nướng… đặc biệt là món thịt lợn hun khói. Anh Nguyễn Thành Trung, ở Thành phố Lai Châu, cho biết: “Thịt lợn hun khói là một món ăn truyền thống của đa số dân tộc vùng cao. Thịt lợn hun khói thường được làm vào mùa đông, làm các mùa khác thì thịt không khô nhanh và hay bị hỏng. Sau khi làm xong con lợn, thịt được xẻ ra từng miếng to, sau đó được ướp với các gia vị như muối, ớt, các loại hạt cây rừng, trong vài ngày… Khi thịt ướp xong được gác lên bếp sấy. Sấy đến khi nào thấy miếng thịt thật khô và mỡ bắt đầu chảy xuống là được”.
Mâm cơm của người người Thái đen ở Lai Châu. Ảnh: Lan Anh/VOV5 |
Đến thăm Lai Châu, du khách đừng bỏ qua các phiên chợ như chợ Dào San, chợ Sìn Hồ, hay chợ San Thàng… Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức món xôi tím do bàn tay đồng bào nấu và được gùi xuống chợ bán. Xôi có màu tím đặc trưng và có mùi thơm của gạo nếp nương, hạt xôi dẻo. Màu tím đặc trưng và hấp dẫn của xôi được nhuộm bằng loại cây có tên là Khẩu cắm. Xôi tím được làm với những bí quyết riêng, hạt gạo nếp nương to đều, đem vo sạch rồi ngâm trong nước luộc cây Khẩu cắm trong 2-3 giờ. Xôi tím ngon phải được đồ bằng chõ gỗ và được đun bằng củi và hạt gạo chín nục, xới từng lớp xôi thấy màu tím tươi, bóng, hạt xôi dẻo mà không dính, có mùi thơm ngào ngạt thì mới đạt yêu cầu. Xôi tím thường được ăn cùng thịt, cá nướng hoặc chả quế.
Tuy là tỉnh miền núi nhưng Lai Châu lại có rất nhiều sông, suối và ao hồ, vì vậy các món ăn của đồng bào dân tộc nơi đây có nhiều món ăn từ cá, nổi tiếng nhất là món cá suối nướng “Pa pỉnh tộp”. Để làm được món cá suối nướng thơm ngon, đồng bào hay chọn loại cá suối tươi, béo, ngon nhất là cá chép. Cá được cạo sạch vảy, mổ dọc sống lưng để khi nướng, úp cá lên sẽ mềm, dễ gắp. Sau khi làm sạch, cá được ướp các loại gia vị như hạt mắc khén, rau thơm rừng, hạt sen, lá húng, củ sả, ớt… và dùng thanh tre kẹp chặt, nướng trên than đến lúc chín. Lúc này cá chín vàng đều, thơm lừng. Gắp một miếng cá cho vào miệng, sẽ cảm nhận được vị ngọt, béo của cá suối, vị cay cay của ớt, nồng nàn của các loại gia vị như mắc khẻn, hạt sen.
Nếu có một lần du khách đến với các bản làng người Thái ở Lai Châu sẽ được thưởng thức món ăn măng nộm hoa ban với đầy đủ vị: đắng, chua, cay, mặn, ngọt, bùi… Theo bà con nơi đây, măng dùng làm nộm thì nên dung măng nứa và măng đắng sẽ ngon nhất. Khi làm, măng đắng được sắt nhỏ ngâm nước muối 30 phút sau đó luộc 2 lần rồi vớt ra để ráo, còn nếu là măng nứa đem luộc rồi tước nhỏ. Hoa ban, loài hoa đặc trưng của các tỉnh Tây Bắc, đồng bào sẽ chọn những bông tươi, cánh hoa dày. Để thêm đậm đà, món nộm sẽ có thêm vị ngọt từ thịt của những con cá suối được nướng chín vàng trên than hồng. Cuối cùng đem măng, hoa ban, cá và nước trộn nộm pha từ chanh, tỏi, ớt, rau húng và rau mùi thái nhỏ. Chị Nguyễn Phương Anh, du khách ở Hà Nội, chia sẻ: “Món nộm này có vị rất lạ, bắt mắt, nhất là màu tím và màu trắng của hoa ban. Nộm măng và hoa ban có vị đậm đà, thơm nồng của cá nướng, vị bùi, ngầy ngậy của hoa ban, và vị đăng đắng của măng tươi, vị chua, ngọt của nước trộn… Thực sự rất lôi cuốn và làm tôi nhớ mãi”.
Đến thăm Lai Châu, du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn độc đáo, dân dã nhưng mang đậm hương vị của núi rừng Tây Bắc. Trong đó phải kể đến những món ăn từ rêu đá. Qua những bước sơ chế cơ bản, rêu được chế biến thành nhiều món khác nhau như canh rêu đá, rêu nướng và rêu xào lá tỏi, đặc biệt trong mâm cơm đám cưới, đám hỏi của các đôi trai gái nơi đây phải có món ăn từ rêu đá. Bên mâm cơm của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu, không thể thiếu chén rượu Rượu Mông Kê. Rượu Mông KÊ được làm từ những hạt ngô nếp và lên men bằng lá và hạt kê thuốc và được nấu bằng nguồn nước con suối Sùng Phài. Sau khi trưng cất, rượu được cho vào những chiếc chum nhỏ, chôn dưới đất từ 2 năm trở lên, vì vậy khi uống rượu có vị thơm nồng tự nhiên.
Đến với Lai Châu, ngồi bên bếp lửa hồng trên những ngôi nhà sàn, trong thời tiết se lạnh của miền sơn cước, thưởng thức những món ăn đậm đà hương vị núi rừng, nhâm nhi chén rượu Mông Kê… thực sự là một trải nghiệm thú vị cho du khách khi một lần đặt chân đến mảnh đất Tây Bắc.