Xuân về vui hội Hát Đúm ở Hải Phòng

Thanh Nga
Chia sẻ
(VOV5) - Lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa vùng cửa sông, ven biển.

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Mùng 2 Tết, Tổng Phục bắt đầu mở hội làng, với nhiều trò chơi sôi động, náo nhiệt, như: thi kéo co, đánh đu, bơi thuyền…, và trong số đó, phần cuốn hút và được chờ đợi nhất là thi Hát Đúm. Những câu hát chân chất, mộc mạc, tự nhiên như hơi thở nhưng lại có sức hấp dẫn lạ kỳ!

Hát đúm gắn với lễ mở mặt trong Hội Xuân đầu năm. Theo phong tục từ xa xưa, phụ nữ vùng cửa sông ven biển thuộc Tổng Phục quanh năm bịt khăn che mặt, chỉ hở đôi mắt đen láy sau chiếc khăn mỏ quạ; mỗi năm, họ chỉ bỏ chiếc khăn che mặt một lần trong hội Hát Đúm. Vì thế mà những hội Hát Đúm ngày Xuân càng thêm đông vui với sự có mặt và những ánh mắt tò mò của các chàng trai trong vùng. Bà Đinh Thị Hoạt ở thôn Đường Ngang, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, cho biết dù bây giờ phụ nữ ở vùng Tổng Phục không còn bịt khăn che mặt hàng ngày nhưng hội hát đúm vẫn thu hút rất đông người dân trong vùng.

Xuân về vui hội Hát Đúm ở Hải Phòng - ảnh 1Những câu hát đúm chân chất, mộc mạc, tự nhiên như hơi thở nhưng lại có sức hấp dẫn lạ kỳ! - Ảnh: VOV.VN 

“Bây giờ không còn khăn mỏ quạ như trước nữa. Chị tôi cách tôi 5 tuổi thôi nhưng vẫn bít khăn. Chính vì những câu hát này, người ta đến với nhau. Rất nhiều người nên duyên vợ chồng từ hát đúm. Những làn điệu này chúng tôi cũng đưa vào ru cháu, ru con, ra đường chúng tôi cũng “rằng duyên kết bạn mình ơi”. Đó là câu đầu tiên chúng tôi gặp nhau, chào nhau. Khi chúng tôi ra về, lại hát là "Mặt trời đã ngả về tây, Chàng ơi ta phải chia tay ra về”.

Cái hay của hát đúm là không cầu kỳ về hình thức, trang phục, không có nhạc đệm, hòa âm phối khí. Những câu hát cất lên như lời thì thầm, tâm sự của các chàng trai, cô gái. Thế nhưng, ẩn chứa trong đó là cả một kho tri thức, kinh nghiệm của người dân lao động. Ông Đinh Như Hăng, Chủ nhiệm CLB Hát đúm xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, người thuộc đến 150 bài hát đúm, chia sẻ để tham gia dự thi hát đúm đầu Xuân thì các thành viên không chỉ rèn luyện giọng hát mà phải tích lũy kinh nghiệm, mở mang tri thức, đối đáp thông minh, dí dỏm mới có thể giành chiến thắng.

“Ngày xưa chúng tôi hát ở “dòng sông, nước chảy, dừa soi bóng” hoặc những bãi đất trống để tụ tập hát hội với nhau. Bây giờ cải tiến hơn, chúng tôi hát trên sân khấu. Thi hát chứ không phải cứ lên hát giao lưu. Thi hát là tôi hát bài này xem bên kia có đối được không. Không đối được là thua luôn. Cho nên, một nghệ nhân hát đúm phải biết được rất nhiều bài, rất nhiều lối. Hát đúm có 12 lối, từ hát chào đến hát ra về. Cho nên, lúc nào tầm nhìn hoặc suy nghĩ cũng phải học, học để thông mình lên, đi ứng tác với người bên kia.”

Dẫu đơn giản, mộc mạc, nhưng hát đúm phải tuân thủ những lề lối nghiêm ngặt: bắt đầu bằng những câu hát mừng, rồi đến hát hỏi, hát đố, hát mời, hát huê tình, hát lao động sản xuất… và kết thúc bằng màn hát tiễn. Lời hát thường là những câu thơ lục bát hoặc song thất lục bát; có thể là những bài hát có sẵn được cha ông truyền lại, cũng có thể là câu hát vừa được “ứng khẩu” để đối đáp lại lời hát của đội kia. 

Hát đúm phổ biến ở nhiều địa phương vùng châu thổ Bắc Bộ, như: Đồ Sơn, Kiến Thụy, Cát Hải, Thủy Nguyên (Hải Phòng), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thái Bình… nhưng mỗi vùng, hát đúm lại mang những đặc trưng riêng. Dù vậy, Tổng Phục xưa, nay là các xã Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) được coi là cái nôi của hát đúm vùng ven biển Bắc Bộ. Bà con kể rằng, ngày nay, nhiều người con vùng Tổng Phục đi làm ăn xa, định cư ở nước ngoài, không có dịp về quê đón Tết, nhờ người nhà ghi lại những hội hát, những câu hát đúm vào băng đĩa để gửi sang, giúp với đi nỗi nhớ quê hương. Ông Phùng Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Thủy Nguyên, khẳng định hát đúm đã gắn bó và ăn vào máu thịt, tâm hồn của người dân nơi đây.

“Đối với quê hương Phục - Phả - Lập, hát đúm có một sức hút ăn sâu vào nếp sống, như máu thịt của người dân trong khu vực. Và cũng chỉ có hát đúm thì người dân mới đến đông đến thế. Một canh hát có thể dài ngày, có thể từ sáng đến tối hát nhiều làn điệu nhưng có thể hôm nay hát cả một ngày mà chào chưa xong.”

Vượt qua những thăng trầm của thời gian, những câu hát đúm vẫn vang lên trên các làng quê của huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Sức sống bền bỉ, mãnh liệt của Hát Đúm, vốn tiềm ẩn và bắt rễ sâu trong tâm hồn, tình cảm của những người con vùng đất Tổng Phục, lại bừng lên trong những hội Xuân, thể hiện khát vọng về một năm mới tràn đầy niềm vui và hạnh phúc của những người dân bên dòng Bạch Đằng Giang huyền thoại.

Feedback