Đã thành thông lệ, cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm, đồng bào dân tộc Mông ở xã Nà Hẩu long trọng tổ chức Lễ hội cúng rừng - nghi lễ truyền thống có ý nghĩa lớn nhất, quan trọng nhất trong năm đối với người dân nơi đây và còn được gọi là “Tết rừng”.
Lễ rước lễ vật lên rừng cấm. Ảnh TTXVN |
Lễ hội cúng rừng mở đầu bằng phần rước lễ vật từ trụ sở xã lên khu rừng cấm. Nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ được diễn ra ở cửa rừng, dưới gốc cây táu mật cổ thụ, thầy cúng bày biện lễ vật lên bàn thờ cúng được làm bằng khung tre. Lễ vật để dâng cúng Thần rừng gồm một cặp gà trống mái, một con lợn đen, rượu, hương, giấy bản. Cùng với phần lễ, người dân trên địa bàn xã Nà Hẩu và các xã lân cận đã hòa mình trong khí vui tươi với các tiết mục văn nghệ và hoạt động thể thao mang đậm bản sắc dân tộc.
Lễ hội Tết rừng gắn với những quy định bảo vệ rừng, đã trở thành ngày hội văn hóa cộng đồng độc đáo của xã Nà Hẩu từ nhiều năm nay. Điều đặc biệt của lễ hội ngoài việc cúng thần linh, thể hiện ý thức tôn trọng, bảo vệ rừng còn được xem như một cuộc họp tổng kết năm của các thôn, bản, có sự tham gia của toàn dân trong xã.
Việc thực hiện các quy ước, hương ước về bảo vệ rừng cấm, rừng thiêng, rừng đầu nguồn góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn rừng nguyên sinh Nà Hẩu.