Ngày 11/5/2022, trong khuôn khổ Những ngày Văn học châu Âu 2022, Nhã Nam và Viện Goethe tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu tập truyện ngắn 9 màu chia ly của Bernhard Schlink, tại Viện Goethe, 56 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Buổi tọa đàm có sự tham gia của dịch giả Lê Quang, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên
Bernhard Schlink nổi danh trên toàn thế giới sau khi cho ra mắt tiểu thuyết “Người đọc”, câu chuyện tình giữa một chàng trai trẻ và một người phụ nữ từng làm việc ở trại tập trung. Cuốn sách được chuyển thể thành phim với sự tham gia của ngôi sao Kate Winslet vào năm 2008.
9 màu chia ly là tập truyện ngắn thứ ba liên tiếp của Bernhard Schlink, sau Những cuộc chạy trốn tình yêuvàMùa hè dối trá, được viết ra ở nửa muộn của tuổi bảy mươi. Mỗi câu chuyện là một sắc màu chia ly: chia ly con người – những người yêu, người thân, chia ly những đoạn đời, chia ly với hy vọng, kỳ vọng, những cuộc chia ly đôi khi làm ta đau đớn nhưng đôi khi như một bước để ta hòa giải với chính mình và dàn xếp lại cuộc đời.
Cái tên của tác phẩm, cùng với việc nó được viết ra khi tác giả đã ở nửa sau của lứa tuổi bảy mươi dễ khiếnngười đọc đoán rằng ông nghĩ nhiều đến sự chia ly mà ai cũng phải làm trong đời, nghĩ đến quá khứ trước khi chia ly. Rất khó hình dung Schlink bên ngoài chủ đề văn chương gốc rễ của ống: sự đối mặt với dĩ vãng, với gánh nặng lịch sử và đạo lý. Quả thật ở tập truyện ngắn này, chủ đề gốc rễ ấy đã trở lại, ở những góc độ khác, dưới những ánh sáng khác.
Một người từng bán bạn mình cho mật vụ (Trí tuệ nhân tạo) – phản bội với lý do đức tin hay nhân danh lòng vị tha thì vẫn là phản bội.
Một người đàn ông đem lòng, có lẽ là, yêu một cô gái trẻ (Picnic với Anna). Câu chuyện gợi nhớ tới Lolita, tuy không đen tối bằng Nabokov nhưng vẫn khiến người đọc rùng mình. Cũng kết thúc bằng cái chết đem lại chia ly, gần như một truyện trinh thám nhưng chỉ là câu hỏi về tội chứ không buộc tội.
Một mối tình đầu cay đắng mà nhân vật chạy trốn chứ không chủ động chia ly (Nhạc chị em), chỉ để nhiều năm sau phải chủ động trở lại để hoàn tất nhát cắt.
Một người phụ nữ cố gắng chia ly với những oán hận với người chồng đã bỏ bà vì một phụ nữ khác (Bùa hộ mệnh).
Một người đàn ông đã ly hôn nhiều năm tổ chức tiệc sinh nhật lần thứ 70 để chứng minh rằng mình không sợ tuổi già, để gặp lại những người của quá khứ và dường như cũng để chia ly với những đoạn đời đã qua, “cứ nghĩ rằng mình có thể gấp quá khứ như một tờ giấy thành chiếc thuyền con và thả nó trôi theo dòng kênh” (Đồi mồi)
Và những câu chuyện khác.
Mỗi câu chuyện là một sắc màu chia ly, nhưng đó không phải là chia ly với cuộc đời, mà là những cuộc chia ly trong đời: chia ly con người – những người yêu, người thân, chia ly những đoạn đời, chia ly với hy vọng, kỳ vọng, những cuộc chia ly đôi khi làm ta đau đớn nhưng cũng giải thoát cho ta. Những cuộc chia ly đôi khi như một bước để ta hòa giải với chính mình và dàn xếp lại cuộc đời.
Những sắc màu chia ly ấy đều ở gam trầm, ngả về tiết thu chứ không phải xuân hè rực rỡ, phủ lên trên những niềm tin và phản bội, hổ thẹn và tội lỗi, những khát khao sâu kín, những nuối tiếc khôn nguôi. Một số truyện u buồn, một số truyện khác lại đầy kịch tính, thậm chí đậm chất trinh thám, nhưng tất cả đều được Bernard Schlink kể bằng một giọng văn điềm tĩnh, giản dị, và cái kết thường được giữ ở tình trạng lửng lơ. Sự điềm đạm ấy để dành rất nhiều chỗ cho người đọc suy tưởng, chiêm nghiệm và tự đi đến những kết luận riêng tư. Bản dịch của Lê Quang đã chuyển tải xuất sắc cả nội dung và phong cách ấy.
Cuốn sách không thích hợp để ai đó đọc nhanh giết thì giờ một cách vô nghĩa, mà phải thấy giờ đọc là giờ quý giá của cuộc đời ta cần nâng niu.
Dịch giả Lê Quang |
Dịch giả Lê Quang là một trong số hiếm hoi dịch giả có uy tín hiện nay ở mảng văn học hiện đại viết bằng tiếng Đức. Anh là một trong những người dịch tiếng Đức hàng đầu, cả biên và phiên dịch, trở thành cây cầu nối văn hóa và xây đắp sự thông hiểu Đức-Việt trong nhiều lĩnh vực, nhưng công chúng biết đến Lê Quang chủ yếu ở mảng dịch văn học.
Anh nổi danh với hơn 40 tác phẩm được đông đảo độc giả Việt Nam biết đến như Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng thế giới (Haruki Murakami), Phút tráng lệ cuối đời (Michael Krumpfmüller), Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Nam tước Munchhausen v.v. Anh cũng là người đã dịch nhiều tác phẩm của Bernhard Schlink sang tiếng Việt như Người đọc, Người đàn bà trên cầu thang, Những cuộc chạy trốn tình yêu, Mùa hè dối trá, 9 màu chia ly.
Ấn bản tiếng Việt đã trang trọng in lời cảm ơn vốn là chữ viết tay của tác giả Bernhard Schlink ngày 6-6-2021: “Thật tuyệt khi tôi cũng được đọc ở Việt Nam. Tôi cảm ơn Lê Quang qua bản dịch hay đã đưa tôi lại gần với độc giả Việt Nam.”