Song Tử Tây nở hoa - tiếp tục mạch đập Trường Sa

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - 37 năm trước, trong chiến dịch HCM, tổng tiến công mùa xuân năm 1975, đảo Song Tử Tây là đảo đầu tiên thuộc quần đảo Trường Sa được giải phóng. Từ đó đến nay, thành tích của quân và dân đảo Song Tử Tây cứ ngày một nhiều lên, diện mạo của đảo ngày một khang trang, to đẹp hơn. 

(VOV5) - 37 năm trước, trong chiến dịch HCM, tổng tiến công mùa xuân năm 1975, đảo Song Tử Tây là đảo đầu tiên thuộc quần đảo Trường Sa được giải phóng. Từ đó đến nay, thành tích của quân và dân đảo Song Tử Tây cứ ngày một nhiều lên, diện mạo của đảo ngày một khang trang, to đẹp hơn. 


Song Tử Tây nở hoa - tiếp tục mạch đập Trường Sa - ảnh 1
Toàn cảnh Song Tử Tây


Nhấn vào thanh âm thanh để nghe nội dung phóng sự:



Đảo Song Tử Tây là một đảo lớn và đẹp trên quần đảo Trường Sa. Từ một hòn đảo hoang sơ, đến nay đảo Song Tử Tây đã có những đổi thay tích cực trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh. Đảo hôm nay đã có nhiều công trình như âu tàu, trạm hải đăng, đài khí tượng thủy văn, các công trình văn hoá...


Song Tử Tây nở hoa - tiếp tục mạch đập Trường Sa - ảnh 2
Các cột điện gió cao sừng sững ở Song Tử Tây


Âu tàu Song Tử Tây được xây dựng đẹp là nơi tránh trú bão cho hàng trăm lượt tàu cá trong năm vừa qua. Đây còn là nơi giúp bà con ngư dân sửa chữa tàu cá, cung cấp nước ngọt. Giá bán dầu đi-ê-zen và nhớt được bán theo giá trong đất liền. Trong năm 2011, đội dịch vụ hậu cần nghề cá của đảo còn cứu nạn và giúp đỡ cho 5 tàu cá của tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định để lại tình cảm tốt đẹp cho ngư dân ra khai thác hải sản ở quần đảo Trường Sa. Thượng tá Vũ Văn Cường, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho biết: "Ngoài ý nghĩa đối với quốc phòng an ninh, đảo Song Tử Tây có ý nghiã đặc biệt quan trọng cho việc phát triển kinh tế biển trong tương lai. Là ngư trường sôi động của ngư dân đến khai thác đánh bắt".

Bệnh xá đảo Song Tử Tây nhiều năm nay đã trở thành chỗ dựa tin cậy và là cái tên quen thuộc đối với ngư dân đánh bắt xa bờ ở cực bắc quần đảo Trường Sa. Năm 2011 và những tháng đầu 2012, bệnh xá đảo đã khám và cấp thuốc cho 1.190 lượt người, trong đó có 380 ngư dân. Đặc biệt, bệnh xá đã phẫu thuật, điều trị thành công cho nhiều ca bệnh hiểm nghèo mà đối với các bệnh viện lớn trong đất liền cũng là vấn đề nan giải.

Song Tử Tây là một trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà. Tuy ở đảo xa, nhưng xã đảo Song Tử không khác là mấy so với những ngôi làng trong đất liền, cũng đường bê tông chạy dài rợp bóng cây xanh, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, đàn bò đang tha thẩn nhẩn nha gặm cỏ, đây đó vang lên tiếng cười nói ríu rít của trẻ thơ.



Song Tử Tây nở hoa - tiếp tục mạch đập Trường Sa - ảnh 3
Những luống rau xanh mơn mởn do cán bộ, chiến sĩ Song Tử Tây tự tăng gia sản xuất


Cán bộ, chiến sĩ và bà con trong xã cùng đồng lòng quyết tâm xây dựng đảo giàu mạnh, vững chắc và kiên cố như lời anh Nguyễn Đình Việt, Phó chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây: "Bà con nhân dân ở Song Tử Tây luôn yên tâm về mặt tư tưởng. Nhân dân và cán bộ chiến sĩ đảo đoàn kết một lòng, cùng phát triển và xây dựng đảo. Nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm, nhờ kiều bào quan tâm, đời sống của bà con nhân dân và các mặt cơ sở vật chất đã đầy đủ. Tình hình sức khỏe của nhân dân tốt, các cháu thiếu nhi chăm ngoan, nghe lời thầy cô. Các cán bộ xã kiêm luôn dạy cho các cháu".

Chị Nguyễn Thị Chí, Chủ tịch Hội phụ nữ xã đảo Song Tử Tây bộc bạch: "Các hộ dân ra đây mặc dù vừa khó khăn, vừa thiếu thốn nhưng chúng tôi  khắc phục khó khăn để cùng anh em chiến sĩ trên đảo cùng chung tay góp sức chung tay giữ đảo".

Hỏi chuyện đại úy Nguyễn Bá Sơn về cuộc sống trên đảo sau 1 năm công tác 1 năm tại đây, anh cho biết: "Khi bắt đầu đi đảo, tôi cũng có lúc thấy mình có suy nghĩ ra đảo là vất vả, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng khi ra đảo tôi thấy rất bằng lòng với đảo. Vì điều kiện của đảo bây giờ cũng như trong đất liền, đầy đủ về vô tuyến truyền hình, thông tin, cuộc sống cơ bản rất đầy đủ trong khi được Đảng, Nhà nước chăm lo đến đời sống, hướng ra biển trong thời gian vừa qua là rất lớn. Từ khi ra đây, chúng tôi cảm nhận, chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ ở đảo, cái cao cả đối với chúng tôi là bảo vệ cho mảnh đất ở ngoài Trường Sa này bình yên, bảo vệ chủ quyền cho Tổ quốc được mãi mãi tồn vinh".

Trong đoàn kiều bào và tôn giáo ra thăm quân và dân quần đảo Trường Sa tháng tư năm nay, linh mục Trần Hữu Hạnh không dấu được niềm xúc động, tự hào khi đặt chân lên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nhìn thấy ý chí bám biển, bám đảo hiện rõ trên khuôn mặt của từng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa: "Đặt chân lên vùng đất này, được gặp gỡ bắt tay đồng bào chiến sĩ đang sống ở đây, chúng tôi có dịp tốt để nói lên lòng biết ơn, biết ơn vì họ đi làm sứ mệnh hết sức cao cả mà Tổ quốc trao cho họ. Chúng tôi hết sức hãnh diện được gặp họ, có dịp để chúng tôi động viên tinh thần, nói với họ rằng, đồng bào trong nước, đồng bào ở nước ngoài luôn nâng đỡ họ để họ tiếp tục phục vụ đất nước ở đây".


Từ trên ngọn đèn biển đầu tiên của Việt Nam dựng trên quần đảo Trường Sa nhìn xuống, cả một màu xanh hiện hữu trên Song Tử Tây. Sức sống nơi đảo xa vẫn không ngừng nở hoa, tiếp tục mạch đập hào khí ông cha của một Trường Sa hiên ngang, bất khuất trong việc xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc thiêng liêng./.

Feedback