Phan Quang- Xin đừng quên nhau

Vũ Hải/ Nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN
Chia sẻ
(VOV5) - Nói đến Phan Quang, nhiều người gọi ông lúc là nhà văn, nhà báo, lúc là chính khách, nhà ngoại giao, nhà văn hóa. Tất cả những đánh giá đó đều đúng cả.

Tôi biết ông khi còn làm ở Phòng tiếng Pháp. Hồi đó, loại phóng viên tép riu như tôi đâu có được vinh hạnh gặp mặt Tổng Giám đốc, có chăng chỉ nghe nói ông là một nhà báo có tiếng của báo Nhân Dân chuyển về Bộ Thông tin trước khi về Đài Tiếng nói Việt Nam.

Phan Quang- Xin đừng quên nhau - ảnh 1Nhà báo Phan Quang (trái) và nhà báo Vũ Hải.

Nói đến Phan Quang, nhiều người gọi ông lúc là nhà văn, nhà báo, lúc là chính khách, nhà ngoại giao, nhà văn hóa. Tất cả những đánh giá đó đều đúng cả. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhiều nhiệm kỳ, từng trải qua các chức vụ như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin trước khi sang đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Đài TNVN. Nhưng nói đến Phan Quang, trước tiên người ta nói đến một nhà báo, một nhà văn với bút lực dồi dào. Ông để lại cho đời những tác phẩm đồ sộ như: “Tuyển tập Phan Quang”, “Tuyển tập mười năm”, “Xuân bao nhiêu tuổi”, “Tầm nhìn”, “Lấp lánh trời sao”, “Cánh gió chưa rời”, “Qua tên gọi bốn con đường”, “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm”, “Bác Hồ nguời có nhiều duyên nợ với báo chí”...

Ông cũng là một dịch giả nổi tiếng với các tác phẩm “Trở lại với đời” của Jacques Danois, “Tìm ra đâu chim én trắng”, Tuyển truyện ngắn nước ngoài, “Nghìn lẻ một ngày”... và đặc biệt là bộ truyện cổ “Nghìn lẻ một đêm” - tác phẩm mà tính đến cuối năm 2020 đã tái bản 48 lần. Mỗi lần ra sách mới ông lại nói, có khi chắc là cuốn cuối cùng anh ạ. Ấy thế mà hầu như năm nào ông cũng ra sách, cuốn nào cũng thú vị, cũng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Với Phan Quang, Đọc và Viết là hơi thở cuộc sống, là niềm vui, là tồn tại. Ông gọi sách là người bạn muôn đời. Ông tâm sự: Đọc sách bạn tặng là học được những những điều mình chưa biết; sách hay đọc nhiều lần; sách chưa hay đọc qua. Bởi mỗi cuốn sách viết ra là tâm huyết của cả đời người.
Phan Quang- Xin đừng quên nhau - ảnh 2Nhà báo Phan Quang tại cuộc tọa đàm "Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam". - Ảnh: TTXVN 
Phan Quang trọng các chi tiết, đặc biệt là các chi tiết khi đọc ta cảm thấy chút dí dỏm, hài hước chen lẫn những chua xót của cuộc đời. Phải chăng ông bị ảnh hưởng của các nhà văn hiện thực Pháp như Gustave Flaubert hay Guy de Maupassant? Giọng văn của ông nhẹ nhàng, ngắn gọn, khúc chiết nhưng đấy ắp thông tin.Tôi thích tập ký nhỏ xinh của ông “Xin đừng quên nhau: Lời hoa muốn nói”. Ngay việc dịch tên loài hoa Myosotis (tên khoa học) - Chi lưu ly (tiếng Việt) - Ne m’oublies pas (tiếng Pháp), Forget me not (tiếng Anh), là “Xin đừng quên nhau” đã thể hiện tính cách của ông. Thường người ta dịch: Đừng quên anh/em nhé. Nhưng Phan Quang dịch “Xin đừng quên nhau” thì khéo lắm. Khiêm tốn, giản dị nhưng đầy ẩn ý. “Xin đừng quên anh/em”, phải chăng chỉ là mong ước của một phía, trong khi “Xin đừng quên nhau” là nỗi mong ước, nỗi khát khao của cả hai bên.

Trong ký “Hoa trên mộ chí”, ông nhận xét đầy tinh tế những vòng hoa tang ở Nghĩa trang Montparnasse, Paris: “Vẫn nghĩ con người khi đã xuôi tay nằm xuống thì ai cũng như ai, cát bụi cùng trở về cát bụi. Hóa ra không hẳn vậy. Có nhiều mộ chí hiu hắt, tuyệt không hề thấy bóng một bông hoa tàn úa hoặc đến lúc rã rời các cành hoa khô đen, như không cần biết đã có từng khoảnh khắc lộng lẫy sắc màu, hoặc trắng tinh khôi như trinh trắng người an nghỉ dưới đây”. Rồi ông nhận xét: “Có bó hoa tươi rói, có cụm hoa héo, có bông hoa đã lụi tàn, có cánh hoa khô xác từ bao giờ...nói lên nhịp độ người thân đến viếng. Có những mộ phần quanh năm lộng lẫy chậu cây nở hoa tồn tại suốt bốn mùa xuân hạ thu đông, bất chấp nắng mưa, mà đây không phải là hoa trời hoa nào cũng phận bạc mà là hoa giấy, hoa lụa, hoa nylon nở nhờ ban tay khéo léo của nghệ nhân...

Những chậu hoa rực rỡ ấy nói lên tấm lòng tưởng nhớ người thân quá cố của những vị còn sống trên đời nhưng... cần tiết kiệm thời gian vàng ngọc. Để khỏi mất công mang hoa tươi đến viếng mộ người thân ngày cuối tuần hoặc nghỉ lễ, dành thời gian làm người khách lữ hành vi vu đâu đó, hoặc giản đơn hơn, dồn hết tâm sức cho những việc làm trần tục mà mang lại lợi nhuận cao. Những người thân ấy đã không ngại tốn tiền đặt các nghệ nhân khéo tay làm hoa giả, giả mà như thật, thiên hạ từ xa nhìn vào lúc nào cũng thấy ngôi mộ này luôn có hoa tươi”. Đọc những chi tiết này thấy vừa chua xót vừa cay đắng cho thực tiễn tàn nhẫn.

Phan Quang- Xin đừng quên nhau - ảnh 3Nhà báo Phan Quang và các nhà báo Đài TNVN chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm.

Với tập bút ký chân dung “Thương nhớ vẫn còn - Cánh gió chưa rời”, ông dành cuốn sách này như lời ông nói là thắp một nén tâm hương dâng những người khuất bóng, một đóa hoa tặng những người quý mến ông được gặp trên đời. Tôi thích đoạn cuối trong chân dung nữ điêu khắc người Huế Điềm Phùng Thị: “Ai nghĩ đôi vợ chồng này đã từng sống phần lớn cuộc đời ở trời Tây”, nhà tôi ghé tai tôi nói nhỏ, khi chúng tôi rời ngôi nhà nghệ thuật. Quay lại, thấy chủ nhân còn đứng trên bậc cấp, hơi nghiêng mình lịch thiệp tạ từ. Chỉ chi tiết này thôi đã thể hiện phong thái của người Huế, lịch thiệp, cẩn trọng trong xã giao.  

Nói đến Phan Quang, người ta nói đến một nhà báo có tầm nhìn xa. Luật báo chí được Quốc hội thông qua lần đầu cuối năm 1989 có một phần đóng góp không nhỏ của ông với tư cách là lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam khi đó. Đây là văn bản pháp lý quan trọng đối với những người làm báo và nhà quản lý báo chí. Khi đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Đài TNVN, ông là người chủ trương đưa máy tính vào phục vụ công tác biên tập. Hồi đó, chúng tôi đùa nhau là nhờ có máy tính mà mình được hít thở bầu không khí mát lạnh từ các máy điều hòa được lắp cho các phòng trang bị máy tính.

Ông cũng là người chủ trương xây dựng kênh phát thanh FM trên tần số 100 MHZ - Âm nhạc Thông tin Giải trí mà dọc đường từ Hà Nội lên sân bay Nội Bài những năm 90 thế kỷ trước ta có thể thấy những tấm pa-nô quảng cáo kênh FM này. Để có được máy phát sóng FM 10 KW của hãng Thomson (Pháp) trong lúc Việt Nam còn bị Mỹ cấm vận là điều không hề đơn giản. Ấy vậy mà nhờ sự quan hệ, ngoại giao khéo léo của ông mà Đài TNVN đã có được. Ngoài các bản tin tiếng Việt, kênh này còn có các bản tin 5 phút đầu giờ bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga. Ngày 3 tháng 4 năm 1995, cũng nhờ sự quan hệ của ông, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã giúp đỡ Đài TNVN lên chương trình FM tiếng Pháp 10 phút thay cho chương trình 5 phút trước kia. Phía Pháp cử nhiều nhà báo có kinh nghiệm sang đào tạo, hiệu đính, trực tiếp tham gia các chương trình. Họ còn trang bị máy vi tính, ghi âm, máy fax nhận tin của AFP giúp cập nhập tin quốc tế. Chương trình này đã để lại nhiều dấu ấn ở thời kỳ đó, nhiều biên tập viên phòng tiếng Pháp, Ban Biên tập đối ngoại, đã trưởng thành từ lò đào tạo này. Ông cũng là người tranh thủ sự giúp đỡ chính phủ Pháp, cử hàng loạt các phóng viên, biên tập viên của Đài TNVN sang thực tập, du học tại các đài phát thanh, truyền hình, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí CNRS Paris và Trường báo chí Lille của Pháp.

Những năm ở tuổi thượng thọ, nhà báo Phan Quang thỉnh thoảng ghé qua cơ quan Đài TNVN khi có việc trọng. Đôi giầy tây gắn liền với ông giờ thay bằng đôi giày vải nhẹ hơn, mềm hơn, đỡ đôi chân có phần mệt mỏi do sức nặng của tuổi tác. Ấy thế mà trông ông vẫn khoan thai, đường bệ, nói chuyện vẫn pha chút dí dỏm, hài hước. Có tuổi, đôi tai có phần nặng, ông hoạt động chủ yếu trên máy tính. Cần gì cứ email cho ông, ông trả lời đầy đủ. Nhiều lần tôi hỏi ông có cần chú thích gì dưới bài viết ông gửi cho đài TNVN như “Nguyên Tổng giám đốc” có được không, ông bảo thôi cứ đề “Phan Quang”. Tôi gặng lại thì ông nói nếu cần thì anh thêm vào “Nhà báo Phan Quang”. Với ông, thế là đủ. Ờ mà đúng, chỉ cần nói “Phan Quang” là người ta hiểu ông là ai, là người như thế nào rồi, đâu cần thêm các chức vụ từng đè nặng lên đôi vai ông nhiều thập kỷ qua.                                                                  

Feedback