Metropolis - Lịch sử phát triển đô thị, phát minh lớn nhất của loài người

Hà Thu
Chia sẻ
(VOV5) -  Ben Wilson đã khẳng định những thành thị không tưởng này chính là phát minh vĩ đại nhất của loài người.

Tác phẩm “Metropolis - Lịch sử phát triển đô thị, phát minh lớn nhất của loài người” của nhà sử học Ben Wilson mang đến một hành trình xuyên suốt hơn 6.000 năm, khám phá qua 26 thành phố, đô thị với những cái tên nổi bật như Babylon, Athens, London, Paris, New York, Los Angeles, Lagos v.v Câu chuyện huy hoàng, đầy sắc màu về lịch sử phát triển của đô thị cũng giúp bạn đọc hiểu rõ cách các thành phố không ngừng vận hành để trở thành động lực ươm mầm cho những phát kiến vĩ đại nhất của nhân loại.

Metropolis - Lịch sử phát triển đô thị, phát minh lớn nhất của loài người - ảnh 1

Trong “Metropolis”, đô thị hiện lên vừa mê hoặc vừa không kém phần thâm sâu khó dò. Wilson đã trình bày ngắn gọn mục đích và quan điểm của mình ngay từ đầu: ông không xem đô thị là là một tập hợp các công trình kiến trúc hay trung tâm quyền lực, lợi nhuận mà với ông, đô thị là mọi ngóc ngách cư trú của con người, từ những con phố xa hoa đến những khu ổ chuột tồi tàn nhất. Mỗi mét vuông của đô thị, ta thấy được sự tương tác giữa môi trường, kiến trúc với cư dân sinh sống bên trong. Ông chỉ ra rằng đô thị là một thực thể biến đổi sống động, có khả năng vừa định hình lối sống, tư tưởng của các cư dân bên trong nó, lại vừa có thể thách thức các giá trị và hiểu biết của con người.

Tinh thần đô thị cổ đại

Đô thị hiện lên sống động như một thực thể với những mô liên kết, đóng vai trò ràng buộc toàn bộ các phần của sinh thể với nhau. Những thực thể đó đã luôn tìm cách thích nghi với biến đổi khí hậu, thay đổi các tuyến đường giao thương, thay đổi công nghệ, tác động của chiến tranh, bệnh tật và biến động chính trị.

Để bàn về tinh thần đô thị cổ đại, Uruk là đại diện đầu tiên được Ben Wilson lựa chọn. Thành phố này xuất hiện như tâm điểm của thế giới, là biểu trưng cho chiến thắng của nhân loại trước thiên nhiên với cảnh quan áp chế gồm đền, tháp cao, tường thành kiên cố, kênh đào rộng lớn với nền nông nghiệp phát triển. Tiếp đó, ta lại đi đến Harappa để sững sờ trước một đô thị sở hữu xã hội hoàn mỹ trong mơ và lối kiến trúc quy hoạch đi trước thời đại đến không tưởng và người dân sống sung túc với hoạt động thu mua và kinh doanh kim khí tinh xảo. Đi tiếp đến Babylon khoảng 2000 năm TCN, thành phố này được xem là thủ phủ của trí tuệ và nghệ thuật, lại vừa là một tội đồ phóng túng, thành phố tội lỗi của thế giới. Trái với Harappa, Babylon biểu tượng tối hậu cho sự xấc xược của loài người. Babylon nổi loạn và lộn xộn, nhưng chính nhờ mô thức đường phố khổng lồ và diện tích hoành tráng của thành phố mà nó được xem là biểu tượng văn minh của Lưỡng Hà.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, những đô thị cổ đại không chỉ có sự biến đổi về diện tích hay cách thức xây dựng mà ta còn thấy được đi lên rõ rệt của văn hoá. Athens hay Alexandria, không thiếu những dữ kiện để minh chứng cho một metropolis đạt được những thành tựu văn hóa rực rỡ với nền cộng hoà vận hành trơn tru, các hoạt động cộng đồng được diễn ra thường xuyên. Có thể thấy các metropolis càng lớn, dân số càng nhiều thì sự gắn kết với thành phố lại càng sâu sắc và chúng định hình cho bản sắc cá nhân của cư dân bên trong.

Đi ngay sau văn hoá chính là sự phát triển của tín ngưỡng và thần linh. Uruk là nhà của một vị thần, Harappa còn chẳng có thầy tế, nhưng đến Babylon, thành phố này đã trở thành nhà của cả một mạng lưới các vị thần. Babylon hiện lên phức tạp hơn, được thiết kế như hiện thân của quyền năng tối thượng, cả quyền năng thần thánh lẫn quyền năng thế tục.

Nhưng dù là những siêu đô thị ở đỉnh cao chói lọi đi chăng nữa thì chúng cũng không thể thắng nổi tự nhiên. Với những phát hiện của giới nghiên cứu và khảo cổ, những siêu đô thị đời đầu đã phải khuất phục trước thời gian. Lượng mưa giảm sút, sự thay đổi dòng chảy và chuyển hướng của gió mùa đã giết chết cư dân, hoặc đơn giản là họ rời đi khi nhận thấy không còn lại gì cho mình nữa. Kết quả là mặt trời, gió, mưa và cát đã kết hợp để nghiền nát những thành tựu buổi ban đầu của loài người.

Metropolis bền bỉ trước tham vọng của loài người

Cơn bùng nổ đô thị hoá bắt đầu tại châu Âu tính từ thế kỷ 12. Bước vào giai đoạn mới với nhiều biến động chính trị, quân sự và văn hoá bắt đầu bởi cuộc Thập tự chinh. Việc cướp bóc, mở rộng lãnh thổ, truyền bá văn hoá đã mở ra thời đại của tiền, tín dụng và giao thương, châu Âu trẻ hoá từ đó và các metropolis tại Đức, Ý, Pháp và Bồ Đào Nha cũng được hồi sinh.

Bất chấp những thành công và sự vươn mình rực rỡ về thương nghiệp, các đô thị vẫn là những môi trường khắc nghiệt và tàn nhẫn. Metropolis tại Đức, Ý, Pháp và sau này là Bồ Đào Nha là một mớ hỗn độn, là tâm bão của các tranh cãi, chiến tranh, âm mưu chính trị và tôn giáo. Trong cái vạc sôi sục đó, sự mong manh của đời sống thành thị sớm bị lộ ra. Không cần phải đến khi Cái chết đen ập đến vào thế kỷ 14 thì người ta mới nhận ra tuổi thọ của người dân sống ở nông thôn cao hơn 50% so với cư dân thành thị. Đặc thù chinh chiến và mật độ dân số gia tăng trong quy mô có hạn của thành phố tạo điều kiện có lợi cho vi khuẩn. Kiến trúc Gothic nhìn từ xa thì trang nhã nhưng nếu phóng to vào các khu dân cư, ta sẽ thấy các metropolis này là những cái bẫy bẩn thỉu chết người. Tiêu chuẩn vệ kém, sống gần động vật, thị dân châu Âu sống cùng với chất thải của họ.

Nhưng xét ở khía cạnh đời sống tinh thần, văn hoá ở châu Âu có thể bị chậm lại do hậu quả nặng nề của dịch bệnh nhưng nó chưa bao giờ ngừng đi lên. Không chỉ sôi nổi với những lễ hội rực rỡ sắc màu, những màn trình diễn cộng đồng, những vở kịch, truyện ngụ ngôn bài thơ và hội hoạ thì đã thuộc hàng kiệt tác, các nước châu Âu thời kỳ này còn nổi tiếng bởi quyền tự do công dân và tư tưởng chính trị cấp tiến. Hàng loạt tên tuổi từ hội họa, thơ văn như Dante, Boccaccio hay Bernt Notke đến những nhà tư tưởng như Thomas Hobbes, Descartes sẽ luôn luôn gắn liền với thời đại của mình.

Sức sống Metropolis hiện đại

Con người luôn dành rất nhiều thời gian trong lịch sử để lo lắng về hiệu ứng bào mòn của đô thị lên các giá trị luân lý và sức khỏe tinh thần, bởi sự đối lập của nó với bản ngã tự nhiên và bản năng con người. Đô thị nuôi sống cư dân nhưng nó cũng nuôi dưỡng sự xấu xa và làm nảy sinh những bệnh lý xã hội.

Những đại dịch lớn của thế kỷ 19 đã định hình các đô thị hiện đại bởi chúng buộc người ta phải phát triển kiến trúc, vệ sinh và quy hoạch mới. Ben Wilson lần lượt đi qua các siêu metropolis London, Paris, Amsterdam, New York,... để thấy rằng metropolis này kế thừa những tòa nhà ngoạn mục, ngôi nhà lộng lẫy, quảng trường thời thượng, cửa hàng xa xỉ. Chưa dừng ở đó, thế kỷ 21 này, người ta có thể nhìn thấy tầm vóc của sự đô thị hóa từ ngoài không gian, qua những đốm sáng lấp lánh trên bề mặt Trái Đất vào ban đêm. Việc xây dựng nhà chọc trời trên toàn cầu đã tăng 402% kể từ thời điểm bước sang thiên niên kỷ mới. Sự phát triển đột ngột theo chiều đứng của đường cảnh quan đô thị hiện ra rõ ràng trên cả hành tinh. Loài người đã thành công thể hiện khao khát của mình – khao khát được quảng bá về sự hùng cường của metropolis trên chân trời cảnh quan.  

Bên cạnh kỹ thuật xây dựng phát triển với nhiều phong cách khác nhau, đời sống phong phú và đặc sắc sâu bên trong những ngõ ngách của các metropolis vừa phong phú hấp dẫn, vừa cho ta hình dung về những điều sai lạc trong những thành phố lớn. Phía bên trong các metropolis hào nhoáng kia vẫn còn những con phố nhỏ bẩn thỉu và nguy hiểm, đầy rẫy người ăn xin và gái điếm, còn đời sống cư dân thì hỗn loạn và chật cứng theo mọi nghĩa. Ở đó đời sống thành thị là cái bồn chứa của mọi loại nhục dục, phóng túng và thách thức đối với các chuẩn mực đạo đức tôn giáo.

Chưa dừng tại ở việc thay đổi lối sống của con người, metropolis đã thay đổi cấu trúc kết nối của bộ não chúng ta. Trải qua các cuộc thế chiến, những vụ khủng bố, biểu tình khiến thị dân ở metropolis có xác suất chịu các vấn đề rối loạn tâm trạng và rối loạn bồn chồn cao hơn nhiều so với những người ở nông thôn. Thành phố bóp méo tâm hồn, tạo áp lực lên thần kinh, mài xơ tâm trí và lá phổi của chúng ta bởi đống hỗn độn của tiếng ồn, sự ô nhiễm và mật độ đông đúc quá mức.

Sự lây lan nhanh đến mức khiến người ta phải sửng sốt của Covid-19 vào năm 2019/20 trên khắp hành tinh này cho thấy virus lây lan thông qua các mạng lưới mối quan hệ xã hội phức tạp – cả bên trong lẫn giữa các đô thị – những mạng lưới khiến nó ngay lập tức trở nên quá mạnh mẽ và quá nguy hiểm đối với chúng ta. Khi những cư dân đô thị đi tìm sự an toàn ở vùng đồng quê, họ thường phải đối mặt với sự thù địch không chỉ vì họ đến và mang theo bệnh tật, mà còn vì đã bỏ rơi những người sống cùng đô thị với họ.

Với tất cả các hoạt động xây dựng và và lý thuyết trong suốt thiên kỷ qua, vẫn không ai biết được các metropolis vận hành như thế nào. Chúng quá phức tạp, thâm sâu và dễ tổn thương. Chúng vươn mình rực rỡ nhưng rồi cũng sụp đổ theo thời gian. Các metropolis đầy quyền lực, cơ hội và thúc đẩy nhiều nguồn cảm hứng nhưng cũng bóp méo tâm hồn, mài xơ tâm trí và lá phổi của chúng ta bởi sự chật chội, ô nhiễm và nguy hiểm của những ngõ hẻm, độ phức tạp của tầng lớp cư dân và cách mà họ tương tác với xã hội.

Metropolis là một môi trường cộng sinh và sinh tồn không ngừng nghỉ. Ben Wilson bước đi trong vẻ đẹp và sự xấu xí, niềm vui và nỗi khổ, và trong hàng loạt những điểm phức tạp và đối nghịch bất thường của các metropolis đã khẳng định những thành thị không tưởng này chính là phát minh vĩ đại nhất của loài người.

Với Wilson, các đô thị về sau sẽ không được định đoạt bởi các nhà kỹ trị hoặc các nhà quy hoạch tổng thể mà sẽ được tạo ra và trải nghiệm một cách sâu sắc nhất, bởi hàng tỷ đang sinh sống bên trong. Nhân loại vẫn sẽ khéo léo và ứng biến với các thay đổi trong tương lai và chúng ta sẽ vẫn thành công với các metropolis, bởi quá khứ và hiện tại vẫn đang chứng minh điều đó.

Feedback