Nghe âm thanh bài viết tại đây:
“Đức Phật trong tù” là cuốn sách nhỏ nhưng đầy tính nhân văn của tác giả Cường Lữ, người Việt tại Hà Lan về những hành trình hướng thiện của con người, đã ra mắt bản tiếng Việt. Cuốn sách đã được chuyển ngữ và phát hành tại nhiều quốc gia. Phiên bản tiếng Việt do chính tác giả hiệu đính, do Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam ấn hành.
Tác giả Cường Lữ trong buổi chia sẻ với bạn đọc về cuốn "Đức Phật trong tù". |
Tác giả Cường Lữ sinh năm 1968 tại Nha Trang, theo gia đình di cư sang Hà Lan từ thuở nhỏ. Sau nhiều năm ông trở thành một chuyên gia, một nhà giáo, một tuyên úy. Ông từng có 6 năm làm việc trong Ban tuyên úy Phật giáo trực thuộc Bộ tư pháp và An ninh Hà Lan. Hiện tại, Cường Lữ là người sáng lập Học viện Quốc tế Mind Only chuyên về tâm lý học Phật giáo ứng dụng tại Hà Lan, người sáng lập trường No Word Zen, một dòng thiền dấn thân tại miền Nam nước Pháp.
“Đức Phật trong tù” là một cuốn sách hiếm hoi bởi các nhân vật chính của nhiều câu chuyện đều là những người tù, những trọng phạm đang trong thời gian thụ án. Tác giả đã ghi chép lại những câu chuyện trên trong những năm tháng ông làm cố vấn tâm linh cho trọng phạm tại các nhà tù Hà Lan. Cuốn sách gồm 52 câu chuyện có thật về sự chuyển hóa kỳ diệu của người tù khi được thấu hiểu, được chia sẻ, được thực hành việc nhìn vào chính mình, vào cái tâm thiện của mỗi con người.
Tác giả Cường Lữ cho biết về nguồn cơn cái tên của cuốn sách, xuất phát từ việc kể lại những ngày tháng “chữa lành vết thương” cho những phạm nhân trong tù ấy: "Buổi cuối cùng tôi gặp họ - vì tôi quyết định dành nhiều thời gian cho nhà trường hơn - tôi đã tặng mỗi người một bức tượng Phật. Tôi hỏi: các bạn biết đây là ai không? Họ nói: biết chớ, làm như chúng tôi là người Tây Phương không biết đây là tượng Phật. Tôi nói: Không, đây là selfie của các bạn, hình tự chụp của các bạn. Đây là các bạn đó! Họ rất xúc động. Tại vì họ đã cảm nhận được nguồn năng lượng tự do giải thoát chính bản thân họ. Và khi tôi bắt đầu kể câu chuyện này thì tôi nhớ tới nguồn năng lượng đó, cái câu chuyện đó. Và tôi quyết định đặt tên cho cuốn sách là Đức Phật ở trong tù."
Với tác phẩm này, tác giả Cường Lữ thông tin quá trình tác giả tiếp cận, đưa người tù vượt qua khổ đau, trở về với nẻo thiện. Tác giả viết: “Điều bất hạnh lớn nhất của người tù là bị giam hãm trong căn phòng mà chìa khóa nằm trong tay kẻ khác. Nhưng đó không phải nỗi bất hạnh của riêng người tù. Ta thường mặc định rằng, ta phải khác họ, nhưng nếu như ta không tìm được chìa khóa cho cánh cửa bên trong mình, khi ta giao chìa khóa tự do của mình cho một khách thể khác, ta cũng sẽ biến thành một người tù”.
Dịch giả, nhà khuyến học Nguyễn Quốc Vương kể lại:“Khi đọc cuốn sách đó tôi đồng cảm rất lớn. Bởi vì nó có liên hệ với trải nghiệm của tôi ở nước Nhật, sống lại những trải nghiệm khi đi làm phiên dịch cho luật sư Nhật Bản trong các trại tạm giam, nhà tù ở Nhật và những lần vào nói chuyện khuyến đọc với tù nhân tại các trại giam ở Việt Nam." Anh nhận thấy điều đáng quý ở cuốn sách này, là đã giúp người đọc nhận thức được sâu sắc: phạm nhân trước hết cũng là con người, và khi tìm về với nẻo thiện tự tâm, người ta có thể sống tiếp cuộc đời hướng tới những điều thiện lương.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập NXB phụ nữ chia sẻ: Cách đây 5 năm, NXB Phụ nữ đã thực hiện các chương trình khuyến đọc, Làm khuyến đọc với ba chân kiềng: trong gia đình, trong nhà trường, trong cộng đồng và xã hội. Nhưng đặc biệt có những cuộc khuyến đọc đặc biệt, lần nào tổ chức cũng mang đến những tình cảm sâu nặng: đó là khuyến đọc trong nhà tù, với hơn chục cuộc tổ chức tại các trại giam lớn ở Việt Nam, với mong muốn giúp thêm một cầu nối từ văn hóa đọc để những người từng lầm lỗi tự tìm lại được cuộc sống lương thiện.
“Đọc cuốn này tôi giật mình rất nhiều. Nó dành cho tất cả chúng ta, đặc biệt là những phụ huynh. Những câu chuyện ở trong này, khi mà tôi đếm thì gốc gác những vấn đề tâm lý mà tù nhân gặp phải, có rất nhiều vấn đề gốc gác từ gia đình. Đó là điều mà xã hội Việt Nam hôm nay cũng tương tự như vậy, chứ không chỉ là xã hội Hà Lan - nơi mà anh Cường Lữ vào để giáo dưỡng các phạm nhân ở trong tù dạy họ thiền tập với mình. Đó là một vấn đề cần được quan tâm ở Việt Nam hiện nay. Chúng tôi cũng mong mỏi những cuốn sách như thế này sẽ được đến với nhiều người Việt Nam hơn nữa, để chúng ta cùng nhau sống chậm lại, cùng nhau bình tâm, trở về với chính mình. Thực sự cuốn sách có giá trị đánh thức trong tâm thức của mỗi người, cái giá trị của cá nhân, của hạnh phúc, giá trị của bình an, giá trị của sự kết nối, sự chia sẻ.” - Bà Khúc Thị Hoa Phượng khẳng định.
Như lời tác giả đã viết trong Lời nói đầu dành riêng cho phiên bản tiếng Việt: “Đây là những câu chuyện có thật về những người từ bế tắc đã tìm ra lối thoát. Bạn có thể nhìn thấy chính mình trong những bế tắc của họ. Tất cả chúng ta đều mang một cái tâm trong mình. Từ tù nhân cho đến nhà tu hành đều bình đẳng. Nếu ta không dừng được tâm ta, thì ta đang sống trong cảnh tù đày. Dừng được tâm, ta là người giải thoát và tự do”.
Và nói như dịch giả Nguyễn Quốc Vương: “Biết đâu, một cuốn sách mỏng lại chẳng mở ra nhiều ô cửa lớn hay chỉ ra một con đường sáng.”