(VOV5) - Ngày 14/11, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, diễn ra Tọa đàm khoa học về văn hóa Tây Nguyên. Các tham luận tại buổi tọa đàm phân tích sâu sắc, toàn diện về quá trình hình thành, phát triển và thực trạng của vùng văn hóa ở Tây Nguyên.
Các tham luận đã tập trung phân tích thực trạng về văn hóa Tây Nguyên và đưa ra các giải pháp để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Tây Nguyên, góp phần vào việc xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.
|
Văn hóa Tây Nguyên cần được bảo tồn và phát triển (ảnh minh họa) |
Để khôi phục, vun đắp văn hóa truyền thống Tây Nguyên, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng: “Sự phát triển của các dân tộc Tây Nguyên là sự cốt lõi của câu chuyện văn hóa Tây Nguyên. Sau khi xác định mục tiêu phát triển thì phải tìm giải pháp, mà cái chính nhất là cùng nhau tính việc sắp đến, làm việc gì và làm như thế nào. Ngoài nỗ lực của chính đồng bào dân tộc Tây Nguyên, thì việc tiếp theo là việc tạo điều kiện cho đồng bào Tây Nguyên phát triển. Nhà nước, Chính phủ, cộng đồng các dân tộc Việt Nam phải tạo điều kiện tốt nhất cho Tây Nguyên phát triển”.
Các đại biểu khẳng định từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, với sự chỉ đạo sâu sắc, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tham gia của các tầng lớp nhân dân, các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Đồng thời, an ninh chính trị được giữ vững, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc được coi trọng và ngày một nâng cao./.