(VOV5) - Đối với các tỉnh Tây Nguyên, xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Với phương châm: “người dân là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới”, các tỉnh Tây nguyên đã tích cực huy động sức dân, kết hợp với khai thác hợp lý thế mạnh của địa phương để tạo ra những đổi thay to lớn trong vùng.
|
Bức tranh đẹp nông thôn mới Tây Nguyên |
Nghe âm thanh tại đây:
Buôn Tâng Dú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, bây giờ đã mang diện mạo khác, với những tường rào xây gọn gàng, lối ngõ phong quang, sạch sẽ. Ông Y Thăm Kbua, người dân trong buôn cho biết: đây là kết quả của đợt ra quân triển khai xây dựng nông thôn mới, được tổ chức hồi đầu năm 2012. Từ đó đến nay, chính quyền địa phương còn tổng động viên bà con tham gia xây dựng xã văn hóa nông thôn mới. Phong trào đem lại nhiều đổi thay, từ trong tâm niệm của mỗi người đến hiệu quả cụ thể trên ruộng vườn, nương rẫy. Ông Y Thăm chia sẻ: "Chúng tôi tham gia rất nhiệt tình vào phong trào xây dựng nông thôn mới. Gia đình tôi hiện có 5 người, tất cả đều cố gắng làm ăn kinh tế. Nhà nước cũng luôn luôn hỗ trợ bà con trong buôn, nên chúng tôi rất hăng say làm việc so với những năm trước. Chúng tôi làm việc theo lịch trình thứ tự, ví dụ làm ruộng thì dành riêng thời gian cho ruộng đồng, làm vườn cà phê thì dành riêng thời gian cho cà phê".
|
Những con đường mới như thế này đã chạy khắp các buôn làng Tây Nguyên |
Cùng chung khí thế quyết tâm xây dựng nông thôn mới, nhiều buôn làng ở Tây Nguyên chung sức làm đường giao thông nông thôn, hiến đất để mở đường, đào kênh, đắp đập. Như gia đình ông Bưm và một số hộ ở làng Chrơng II, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, đã hiến hàng nghìn mét vuông đất, tự nguyện chặt hạ vườn cây để mở đường cho nông thôn mới. Ông Bưm cho biết: “Làng quyết định chỗ nào để phát triển nông thôn thì mình làm theo. Đã cho đã làm thì mình thoải mái. Cũng mừng là trong làng đã khác nhiều, phát triển đường bê tông, hay trong công việc làm ăn nhiều nhà bây giờ cũng phát triển, nhà nào cũng có có xe hết rồi mà đường bê tông cũng mở nhiều hơn trong làng rồi".
Hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống kinh tế cho nông dân một cách bền vững, các tỉnh Tây Nguyên đã tổng kết được một số cách làm hay để nhân rộng trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ở xã Ea Yông, huyện Krong Pách, tỉnh Đắc Lắc, bà con đã tìm được 3 loại cây chủ lực là cà phê, sầu riêng và bơ. Ba loại cây này cùng được trồng trên một diện tích, đem lại hiệu quả rất cao. Ông Tạ Văn Châm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết: “Triển khai thực hiện 6 nội dung và 19 tiêu chí của chương trình nông thôn mới, xã đã xác định những cây trồng chính là cà phê và cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng. Thực tế sầu riêng trồng xen mỗi ha 100 cây đã thu bình quân 8 tấn, thu khoảng 130 triệu, lời đến 110 triệu. Đất đai thì có hạn thôi, vậy thì trọng tâm là mình phải luân canh, xen canh, thêm mùa vụ, tăng hiệu quả".
|
Cây cà phê mang no ấm cho buôn làng |
Nhìn lại các kết quả đã đạt được thì việc nâng cao nhận thức để bà con chung sức đồng lòng tham gia phát triển sản xuất, xây dựng thôn buôn…là kết quả quan trọng hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên. Theo ông Nguyễn Huy Bài, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột - xã điểm nông thôn mới của tỉnh Đắc Lắc, nhờ có sự đồng lòng của người dân nên chương trình nông thôn mới của xã đã và sẽ có những tiến triển nhanh chóng: “Bây giờ người dân hiểu rất sâu chỗ này: Khi đã là xã nông thôn mới rồi thì phải là xã văn hóa. Thật ra trước kia bà con làm theo tự phát. Nhưng bây giờ là bà con rủ nhau làm, làm theo tập thể, theo cộng đồng. Ví dụ làm một tuyến đường chẳng hạn, là họ rủ nhau làm, làm một cánh đồng cũng rủ nhau làm. Như chúng tôi đây, đã có một cánh đồng mẫu, trồng lúa ở Tân Hưng, làm rất hiệu quả”.
|
Bức tranh nông thôn mới Ea Kao |
Nhờ huy động được sức dân, khai thác được thế mạnh của vùng đất, nên chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên đạt kết quả rất đáng khích lệ. Ngoài những thành công bước đầu ở nhiều buôn làng, ở Bắc Tây Nguyên có xã Hà Mòn, tỉnh Kon Tum, trở thành xã đầu tiên được công nhận xây dựng thành công nông thôn mới, thu nhập bình quân đạt tới 38 triệu đồng/1 người. Ở Nam Tây Nguyên, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, cũng đã hoàn thành 18/19 tiêu chí của chương trình. Những điển hình ấy là bằng chứng cho thấy, chương trình nông thôn mới ở Tây Nguyên đang được triển khai tích cực, và sẽ đạt nhiều kết quả to lớn hơn trong năm 2013 này./.