Khe cửa hẹp cho đàm phán hạt nhân

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Quan hệ giữa quốc gia Hồi giáo Iran với Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục leo thang căng thẳng khi Tehran bắt đầu tăng cường làm giàu urani trên mức giới hạn cho phép.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai, nguyên đại sứ Việt Nam tại Iraq  trả lời phỏng vấn phóng viên VOV5.VN trước những diễn biến căng thẳng này.
Khe cửa hẹp cho đàm phán hạt nhân - ảnh 1Đại sứ Nguyễn Quang Khai 

Phóng viên: Thưa Đại sứ Nguyễn Quang Khai, dường như thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) mà Iran đã ký với 6 cường quốc năm 2015 đang đứng bên bờ vực đổ vỡ và đâu là mục đích chính mà các bên hướng đến sau những tuyên bố căng thẳng gần đây?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Đúng là thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) đang đứng bên bờ vực đổ vỡ. Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ D.Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này và đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với Iran.

Mục đích chính của Mỹ là gây sức ép đối với Iran để Iran phải đàm phán lại thỏa thuận và đưa các vấn đề không thuộc phạm vi của thỏa thuận như là tên lửa đạn đạo, Iran phải thay đổi chính sách của mình đối với khu vực Trung Đông, rút quân khỏi Syria… để phục vụ lợi ích của các đồng minh của Mỹ ở khu vực. Trong khi đó, ngoài Nga và Trung Quốc, các nước Châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức, EU là những nước ký kết còn lại muốn giữ thỏa thuận nhưng lại không có những bước đi cụ thể trong quan hệ với Tehran vì không muốn làm tổn hại quan hệ của họ với Mỹ. Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt của Mỹ là hết sức nghiêm ngặt, đặc biệt là tài chính ngân hàng nên các nước Châu Âu không thể vượt qua được. Mỹ và Châu Âu đòi Iran thực hiện cam kết nhưng họ lại không thực hiện cam kết của mình. Trong tình hình như vậy, Iran buộc phải tuyên bố ngừng một số cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc quay trở lại làm giàu và dự trữ uranium trên mức thỏa thuận cho phép và đưa lò phản ứng hạt nhân Arak trở lại hoạt động để sản xuất plutonium. Và đây là tuyên bố mạnh mẽ nhất và căng thẳng nhất từ trước tới nay. Mục đích của Iran là gây sức ép với Châu Âu phải thực hiện cam kết của mình, để Iran phải thấy được lợi ích trong việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân.

Khe cửa hẹp cho đàm phán hạt nhân - ảnh 2Siêu tàu chở dầu của Iran bị chặn lại trên đường tới Syria. Ảnh: AP 

Phóng viên: Thưa đại sứ, vậy ông nhận định như thế nào về khả năng cứu vãn thỏa thuận này vào phút chót khi mà những nỗ lực ngoại giao thời điểm này dường như đều đã thất bại?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Đến thời điểm này, không ai có thể trả lời chắc chắn rằng có thể cứu được thỏa thuận này hay không. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến số phận của JCPOA. Đó là liệu Tổng thống  Mỹ D.Trump có tiếp tục thực thi các lệnh trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có đối với Iran cũng như các lệnh trừng phạt thứ cấp của các nước Châu Âu hay không? Các nước Châu Âu có đủ ý chí chống lại áp lực của Mỹ hay không? Liệu Iran có đối đầu với Washington và Tel Aviv được hay không? Hay liệu Nga và Trung Quốc có thay thế được Châu Âu trong quan hệ với Iran một khi Iran không chịu được áp lực của Mỹ? Iran đã từng tuyên bố nếu EU thực hiện cam kết của mình thì Iran sẽ hủy bỏ quyết định tăng tỷ lệ làm giàu uranium.

Hiện, vẫn đang có các hoạt động ngoại giao để tháo ngòi nổ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 8/7 đã điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani để sẵn sàng giải quyết một số vấn đề trước ngày 15/7 và Tổng thống Pháp đã cử cố vấn ngoại giao của mình đến Tehran để hội đàm với các quan chức ngoại giao Iran nhằm làm dịu căng thẳng. Đồng thời các nước ký JCPOA nhất trí tới đây nhóm họp để nhằm cứu vãn thỏa thuận này. Hội đồng thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng họp vào 10/7 để tìm cách tháo gỡ ngòi nổ. Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ John Bolton tuyên bố Mỹ sẽ tăng cường các biện pháp cấm vận Iran để buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân. Theo tôi, cánh cửa ngoại giao vẫn mở để giải quyết bất đồng nhưng rất hẹp.

Phóng viên: Với việc gia tăng sức ép tối đa lên Iran, đồng thời Iran dường như tỏ ra ngày càng mất kiên nhẫn, ông nhận định như thế nào về nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện có thể xảy ra?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Hiện tại không loại trừ khả năng nào trong đó có nguy cơ đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran. Các nước Châu Âu muốn giữ thỏa thuận, không muốn căng thẳng nhưng rất khó để đáp ứng được đầy đủ các điều kiện của Iran để giảm bớt hậu quả các lệnh trừng phạt của Mỹ. Còn phía Iran thái độ vẫn hết sức kiên quyết và cứng rắn, mặc dù chịu sức ép từ nhiều phía, đặc biệt là biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, chiến tranh khó xảy ra. Bởi Mỹ sẽ không thể giành được thắng lợi trong cuộc chiến này. Mặt khác, chiến tranh xảy ra không chỉ là thảm họa đối với khu vực và thế giới mà còn là thảm họa với chính nước Mỹ. Tổng thống D.Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016 đã hứa sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Trung Đông. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang đến gần. Nếu Mỹ mà tiến hành một cuộc chiến tranh chống Iran thì tôi cho rằng ông D.Trump khó có thể thực hiện được tham vọng thắng cử nhiệm kỳ 2 trong năm tới. Và trên thực tế, sau khi Iran tuyên bố trở lại làm giàu uranium, Tổng thống D.Trump, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, ngoại trưởng Mỹ Pompeo cũng chỉ đề cập đến khả năng tăng cường các biện pháp trừng phạt chống Iran thôi chứ không thấy có từ nào đe dọa chiến tranh quân sự. Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng con đường duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran là thương lượng hòa bình và nếu JCPOA đổ vỡ thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Mỹ bởi Mỹ chính là nước đầu tiên rút khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Iran.

Trân trọng cảm ơn đại sứ!

Feedback