Liên tiếp những động thái căng thẳng diễn ra sau vụ việc các tàu chở dầu bị tấn công liên tiếp ở vịnh Oman khiến bầu không khí ở khu vực này ngày càng trở nên ngột ngạt. Các nỗ lực hòa giải nhằm hạ nhiệt căng thẳng chưa phát huy tác dụng và cho đến thời điểm này, những căng thẳng chưa tìm được lối ra.
Một vụ nổ dường như là do mìn nhằm vào tàu chở dầu M/V Kokuka Courageous ở ngoài khơi vùng Vịnh Oman ngày 13/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong một diễn biến mới nhất, Tehran ngày 17/6 tuyên bố xem xét khả năng chặn eo biển Hormuz, cửa ngõ vận chuyển dầu mỏ tại khu vực vùng Vịnh.
Trong khi đó, Hải quân Mỹ ngày 17/6 xác nhận thông tin gửi thêm một khu trục hạm khác cùng 1.000 quân tới khu vực Trung Đông, trong khi tàu khu trục tên lửa USS Mason (DDG 87) đã hiện diện trước đó ở khu vực này. 1 ngày trước, Mỹ và Saudi Arabia cũng đã tiến hành cuộc tập trận không quân quy mô trên Vịnh Arab.
Đây được xem là những động thái nguy hiểm, có thể châm lửa cho “thùng dầu Trung Đông” đang nóng, đặc biệt đặt trong bối cảnh quan hệ Mỹ và Iran đã xấu đi nghiêm trọng kể từ sau khi Thuận hạt nhân đổ vỡ.
Cáo buộc và bằng chứng?
Căng thẳng bùng phát từ ngày 13/6, khi tàu chở dầu Kokuka Courageous trên hành trình từ một cảng của Saudi Arabia đến Singapore và Thái Lan đột ngột bốc cháy và phát nổ. Chỉ vài ngày trước, tàu chở dầu Front Altair của công ty vận tải Na Uy cũng bị bốc cháy khi đang trên đường từ Qatar đi Đài Loan (Trung Quốc). Mỹ và một số đồng minh Arab ngay lập tức cáo buộc Iran đứng đằng sau các vụ tấn công này, song Iran kiên quyết bác bỏ, cho rằng cáo buộc của Mỹ là "vô căn cứ".
Điều đáng nói cho đến thời điểm này, ai hay quốc gia nào đã thực hiện hoặc đứng đằng sau các vụ tấn công tàu chở dầu vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời. Tất cả vẫn chỉ là sự cáo buộc lẫn nhau. Căng thẳng gia tăng không chỉ khiến xung đột dai dẳng giữa Washington với Tehran thêm trầm trọng, mà còn tạo ra nguy cơ lớn đe dọa hòa bình và ổn định toàn khu vực Trung Đông.và khiến cho tình hình khu vực thêm bất ổn.
Thực tế, quan hệ Mỹ-Iran xấu nghiêm trọng thời gian gần đây, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump tháng 5/2018 tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1, hay còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và tái áp đặt trừng phạt quốc gia Trung Đông này. Có thể thấy rõ kể từ khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Washington đã triển khai chính sách “gây sức ép tối đa” đối với Tehran. Thông qua các biện pháp trừng phạt, mục đích mà chính quyền của Tổng thống D.Trump hướng tới là đưa Iran ngồi vào bàn đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới.
Giới chức Mỹ không ít lần công khai tuyên bố mục tiêu loại bỏ chương trình hạt nhân Iran, ngăn chặn chương trình tên lửa đạn đạo và kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại khu vực. Ngoài tái áp đặt và siết chặt trừng phạt, Mỹ đã liệt Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) vào danh sách đen gọi là "tổ chức khủng bố", chấm dứt quy chế miễn trừ cho 8 nước và vùng lãnh thổ được tiếp tục mua dầu thô Iran, tăng cường hiện diện quân sự tại Trung Đông... Theo giới chuyên gia, những động thái của Mỹ nhằm vào Iran, ngoài việc o ép buộc Iran thực hiện những điều kiện của Washington, còn tạo thuận lợi để Mỹ gia tăng ảnh hưởng và thiết lập mới trật tự mới tại khu vực Trung Đông. Trong bối cảnh Tổng thống Trump đang cần một thắng lợi ngoại giao để yểm trợ cho chiến dịch vận động tranh cử nhiệm kỳ hai đã rất gần, vấn đề Iran được đặcbiệt quan tâm. Với hình ảnh một Iran được mô tả như "mối đe dọa" ở khu vực, Mỹ sẽ có lý do hợp lý để triển khai một loạt hành động để khôi phục khả năng răn đe, trong đó bao gồm cả một phản ứng quân sự nhằm vào Tehran, như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng tuyên bố.
Nguy cơ vượt tầm kiểm soát
Cho đến thời điểm này, mọi nỗ lực ngoại giao nhằm làm dịu căng thẳng vẫn đang được triển khai. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres cho rằng sự thật phải được làm rõ và kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về vụ việc. Nga cảnh báo chống lại những đánh giá và kết luận vội vàng. Trong khi đó, các quốc gia đồng minh của Mỹ trong khu vực vẫn luôn khăng khăng Iran là thủ phạm. Mặc dù cả Mỹ và Iran đều tuyên bố không muốn có chiến tranh, nhưng đến nay chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy các bên sẵn sàng nhượng bộ, trong khi các nhân tố hòa giải chưa đạt được kết quả tích cực, vì vậy căng thẳng Mỹ-Iran vẫn đang tiếp tục leo thang.
Tuyên bố của Tehran ngày 17/6 rằng thời hạn để Iran hạn chế về dự trữ urani theo Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Tehran và các quốc gia thuộc nhóm P5+1 đã hết và sau 10 ngày Iran hoàn toàn có khả năng khôi phục lại mức độ làm giàu uranium cho các lò phản ứng hạt nhân, là minh chứng cho việc quốc gia Trung Đông này dưỡng như đã mất kiên nhẫn trước những nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Những diễn biến căng thẳng hiện nay, theo các nhà phân tích, khó có thể đối đầu quân sự, song nó có thể tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế thế giới và sự ổn định nguồn cung năng lượng toàn cầu. Đồng thời đây là những động thái nguy hiểm, có thể châm lửa cho “thùng dầu Trung Đông” vốn vẫn luôn nóng.