“Viết cũng là cất tiếng gọi đò“

Đào Dục Tú
Chia sẻ
(VOV5) - Như một nét phác thảo về nhà thơ, họa sĩ Võ Đình - tác giả đã hóa mây bay cuối trời xứ người.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

"Viết cũng là cất tiếng gọi đò ...", câu nói ấy là của một người Việt song trùng hai trong một, nhà văn - họa sĩ Võ Đình, người học hành với …hành xử nghệ thuật hội họa cùng ngôn từ tiếng Việt ở xứ người Âu Mỹ trên dưới nửa thế kỷ.  

Lật giở chồng sách báo tư liệu văn học hải ngoại , tôi bắt gặp Võ Đình - nhà văn đồng thời cũng “song trùng hai trong một là Võ Đình - họa sĩ nổi tiếng trong giới văn nghệ Việt kiều, tác giả của các tập truyện ngắn "Xứ sấm sét", "Rừng mắm văn nghệ", "Huyệt tuyết", "Đóa sen và nụ cười" cùng nhiều triển lãm tranh cá nhân ở Pháp và Mỹ. Một trong những đặc điểm dễ nhận ra nhất là mặc dù xa xứ đã lâu, hơn nửa thế kỷ, nhưng ngôn ngữ văn xuôi Võ Đình rất lạ, như ông chưa hề ra khỏi nước, chưa hề thoát ly môi trường tiếng mẹ đẻ một ngày nào.

“Viết cũng là cất tiếng gọi đò“ - ảnh 1Nhà thơ, họa sĩ Võ Đình (sinh 1933 – mất 2009) - Ảnh: internet.

Xin viện dẫn phiến đoạn trong tạp bút "Rau má xứ người": "Cũng bởi vì cảm thương cho nó, thân rau má hèn mọn, có gì mà qua cái xứ văn minh tiên tiến này, chen chúc giữa cỏ xanh. Nó mọc lan tràn trên mặt đất như rau má. Nếu nó không phải là rau má thứ thiệt thì chắc cũng anh em, chị em ruột thịt chi đó...Canh tập tàng, nghe chỉ thế thôi đã thấy ngon hơn. Một cái tên nôm na cho một món canh dân dã..." Ai nghĩ văn phong ấy, lời văn ấy là của một người học và hành nghệ thuật tạo hình ở Pháp từ cuối thập kỷ năm mươi thế kỷ trước, tiếp đó ở Mỹ ba, bốn thập niên nữa, viết tiếng Anh tiếng Pháp như hai sinh ngữ chính của đời cầm cây cọ và cây bút.

Ông nói về việc viết văn bằng tiếng mẹ đẻ như sau: "Tôi khám phá ra rằng khi tôi viết tiếng Việt, sự sống tuôn chảy từ cân não, từ kinh mạch tôi về bàn tay tôi, thấm qua cây bút xuống mặt giấy. Viết tiếng Anh tiếng Pháp, tôi chưa hề có được cái cảm giác ấy. Viết tiếng Việt, tôi có cảm tưởng tôi soi một mũi nhọn thật mảnh, thật dài, vào tận trong cùng tâm não tôi, dò la, mò mẫm, lục lạo, tìm tòi, cho đến khi diễn đạt được vừa ý là lúc mũi nhọn đã chạm được sự hiện hữu của chính con người tôi. Thì ra mấu chốt nó nằm ở đây. Tôi viết để mài dũa cái tính nhanh nhạy của xúc cảm. Để nắn tỉa cái xum xuê bất trị của thói quen tưởng tượng. Nói chung tôi viết để giữ cái tròn cái đầy của tâm thần. Và tôi chỉ làm như thế khi tôi viết tiếng Việt. Viết tức là nói với chữ trên giấy. Viết là thể hiện cả con người...Viết là sống. Chấm. Viết cũng là cất tiếng gọi đò! ..."

Do hoàn cảnh lịch sử có phần dị biệt hình thành cộng đồng trên năm triệu người Việt ngoài nước; sau sự kiện ba mươi tháng tư năm 1975, hàng triệu người và tiếp sau đó thời hậu chiến khốn khó, hàng triệu người nữa vì những lý do và hoàn cảnh khác nhau, lìa xứ ra đi những mong kiếm tìm miền đất hứa. Trong dòng người ly hương mang theo biết bao nỗi niềm, có đội ngũ những người cầm bút giờ đây kẻ còn người mất vì hầu hết gần bốn mươi năm sau chiến tranh, họ đã bước vào khúc cuối đường đời tuổi đã cao sức đã cạn bảy tám mươi xuân.

Không hiếm người trong số họ nuôi dưỡng tình yêu tiếng mẹ đẻ, một thứ tiếng gần như lạc lõng giữa thế giới Âu Mỹ, tiếp tục cái nghiệp cầm bút viết văn, tương tự như tác giả Võ Đình. Những Nguyễn Mộng Giác, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyên Sa, Nguyễn Xuân Hoàng, Thanh Nam, Thế Uyên vv... và cả Võ Đình, đã ra người thiên cổ.

Người ta đoan chắc một điều, dù nói ra bằng thơ như Du Tử Lê hay không nói ra, thì trước khi buông rơi ngọn bút hay sau này buông rơi bàn phím thời xa lộ thông tin toàn cầu, thì họ đều có chung một khát vọng "khi tôi chết hãy đem tôi ra biển", trông đợi một cơ may sóng Thái Bình Dương sẽ đưa người viễn xứ về với quê hương tôi "rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì". Bởi một lẽ giản đơn như họ linh cảm "Chôn đất lạ thịt xương e khó rã/Hồn không đi sao trở lại quê nhà" (bài Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển - thơ Du Tử Lê).

Và một ước vọng cao hơn thế, là những thi phẩm văn phẩm có ý nghĩa nhân bản và nghệ thuật ngôn từ của họ, sẽ được độc giả - đồng bào ruột thịt của họ ở trong nước đón nhận. Chỉ có vậy cuộc đời cá nhân hữu hạn, ngắn ngủi của người lấy việc cầm cây bút bày tỏ quan điểm nhân sinh và mỹ cảm nghệ thuật ngôn từ làm sứ mệnh, mới mong được nối dài, còn lại với đời sống nhân quần. Trong ý nghĩa đó, quả là viết cũng là một tiếng gọi đò.

Ước nguyện văn chương, tiếng gọi đò được người đời nghe thấy ư? Đã đành ước nguyện ấy cũng có khi chỉ là ước nguyện, dứt tình không một tiếng vang, vẳng xa như vô thanh ảo vọng mịt mùng. Thi sĩ Bùi Giáng linh cảm "Em về mấy thế kỷ sau/ Nhìn trăng có thấy nguyên mầu ấy không / Ta đi còn gửi đôi dòng /Lá rơi có dội ở trong sương mù". Nhà văn Phạm Thị Hoài diễn dịch một cách khác :"Viết văn là một trò chơi vô tăm tích". Quả là cần cẩn trọng, rất cần cẩn trọng khi viết, dù là viết bằng tiếng mẹ đẻ cho đồng bào ruột thịt...

Viết cũng là cất tiếng gọi đò! Tự nhiên nhớ câu nói tưởng cay sống mũi của cô Xúy Vân giả dại đứng ở bến sông bạc bẽo nhân tình trên sân khấu chèo cổ "Tôi gọi đò mà đò chả có thưa…Tôi càng chờ càng đợi càng trưa chuyến đò". Thân cô độc và tiếng gọi đò sông Cái, bạn đời tri âm chữ của tôi ơi! 

Feedback