“Vào cõi Bác xưa” nhân 110 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước từ Bến cảng Nhà Rồng

T.G - Ảnh: Nguyễn Lê
Chia sẻ
(VOV5) -  Hy vọng sau tuyển tập này, những hợp tuyển thơ, văn trong tương lai sẽ bổ sung thêm nhiều tác phẩm có giá trị của những tác giả mới, làm phong phú thêm cho mảng văn học viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã từ cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), rời Tổ quốc ra đi trên con tàu Đô đốc Latouche Tréville, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

“Vào cõi Bác xưa” nhân 110 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước từ Bến cảng Nhà Rồng - ảnh 1

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông cho ra mắt tuyển tập thơ “Vào cõi Bác xưa”, tập hợp những tác phẩm của các nhà thơ đương đại Việt Nam và nước ngoài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt hơn 75 năm qua, kể từ Cách mạng mùa thu tháng Tám năm 1945 cho đến nay.

Theo nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, người biên soạn bộ sách: "Nếu như trong văn học Xô Viết và văn học Việt Nam thế kỷ XX, có bộ phận được gọi là Văn học chiến tranh, bao gồm những tác phẩm viết về cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại; thì riêng trong văn học Việt Nam, có một mảng rất lớn những tác phẩm văn học viết về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Vào cõi Bác xưa” là một nỗ lực tập hợp những bài thơ hay về đề tài này. Tuyển thơ chia làm hai phần: thơ các tác giả trong nước và thơ các tác giả nước ngoài."

Ông Trần Chí Đạt, Tổng biên tập, Giám đốc NXB Thông tin và Truyền thông cho biết: "Thời gian qua NXB đã thực hiện hai cuốn sách. Và NXB đã phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam - LB Nga biên soạn tác phẩm Vào cõi Bác xưa với 141 tác phẩm của 115 nhà thơ đương đại trong và ngoài nước".

“Vào cõi Bác xưa” nhân 110 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước từ Bến cảng Nhà Rồng - ảnh 2Các đại biểu trước mô hình Bến Nhà Rồng bằng sách tại Lễ khai mạc Triển lãm sách trực tuyến kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/06/1911 - 05/06/2021)

Trong lời giới thiệu sách, những người biên soạn đã nhắc lại: “Trong bài “Thơ của Bác”, nhà thơ Vũ Cao viết: “Người là quê hương, là tình yêu đất nước- Người lại là thơ mang biết mấy tâm hồn”, có nghĩa là Hồ Chủ tịch đã hóa thân thành hình ảnh của non sông và trở thành đề tài của văn học nghệ thuật.

Bài thơ đầu tiên viết về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài “Hồ Chí Minh” của Tố Hữu, được viết vào ngày 26/8/1945, trước ngày Người đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” một tuần lễ. Và khi viết bài thơ này, Tố Hữu chưa một lần được gặp Bác, chỉ hình dung ra vị lãnh tụ Việt Nam là một chiến sĩ can trường của một đoàn quân anh dũng theo trí tưởng tượng của một nhà thơ trẻ đầy nhiệt huyết:

Hồ Chí Minh Người đã quyết Mặc phong ba, giá tuyết Mặc gươm súng, xiềng gông Làm tên quân cảm tử đi tiên phong/ Đánh trǎm trận, thề trǎm phen quyết thắng! Bao thất bại dẫu xát lòng cay đắng Hồn vẫn tươi vui, thơm ngát tình đời Bước trường chinh dầu mỏi gối khan hơi Tim gang thép vẫn bừng bừng lửa chiến Cờ đã phất, phải gương cao quyết tiến!

Phải sáu năm sau, khi được gặp gỡ, tiếp xúc nhiều với Bác trong rừng sâu của chiến khu Việt Bắc, có lẽ lúc đó, Tố Hữu mới “ngộ” ra được, mới cảm nhận được sự vĩ đại thực sự nằm trong sự bình dị, mộc mạc đời thường của Bác, như trong bài thơ Sáng tháng Năm viết năm 1951:

Giọng của Người không phải sấm trên cao /Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước

…Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị/ Màu quê hương bền bỉ đậm đà…

Các nhà thơ khác như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Minh Huệ, Văn Thảo Nguyên, Xuân Miễn… ngay từ trong kháng chiến chống Pháp đã có nhiều bài thơ viết về Hồ Chủ tịch rất xúc động. Thơ của họ không thần thánh hóa mà ngược lại, hình ảnh của Hồ Chủ tịch được phản ánh và cảm nhận qua cuộc sống thường nhật, trong sinh hoạt hàng ngày. Tầm vóc tư tưởng và sự thanh cao của Người được toát ra từ phong thái ung dung, bình dị; một trí tuệ sắc sảo và một tình cảm ấm áp, nhân tình. Nhưng số lượng những bài thơ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều nhất là sau khi Người qua đời. Mặc dù không có một chủ trương hay một chỉ thị nào, nhưng Tòa soạn các báo đều ưu tiên in thơ của những tác giả miền Nam, từ nơi tuyến đầu Tổ quốc gửi ra, như Thu Bồn, Viễn Phương, Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm…Những bài thơ đó dường như đã nói hộ tình cảm chung hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về miền Bắc thân yêu của hàng triệu đồng bào miền Nam ruột thịt,.  Đồng thời, cũng các bài thơ của các nhà thơ nước ngoài như Amrita Pritam (Ấn Độ), Félix Pita Rodríguez (Cuba), Pavel Antokolsky (Liên Xô), Tiêu Tam (Trung Quốc), Hollo Andras (Hungary), Víctor Jara (Chile)….

Những năm qua, nhiều nhà xuất bản đã ấn hành một số tập thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ khi internet xuất hiện, nhiều trang web, blog, facebook của tập thể và cá nhân đã lựa chọn, cho đăng theo sở thích của mình những bài thơ hay về Người của các tác giả yêu mến và những nhà thơ tên tuổi.

Về việc chọn những tác phẩm vào tuyển tập “Vào cõi Bác xưa”, ông Trần Chí Đạt, Tổng biên tập, Giám đốc NXB Thông tin và Truyền thông chia sẻ: “Đại đa số những tuyển thơ về Bác đều in vào thời chưa có internet, nên những người tuyển chọn thường phải dành nhiều thời gian sưu tập trong các thư viện lớn, sao chép và đánh máy lại. Có những bài có các dị bản khác nhau, những đoạn, những khổ và những từ đã qua mấy lần chỉnh sửa, lại phải tìm về đúng bản đáng tin cậy nhất. Thậm chí một số bài thơ, sau này được những người yêu thơ đưa lên mạng mang tên và bút danh khác, lại phải tra cứu nguồn sơ khởi."

“Vào cõi Bác xưa” nhân 110 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước từ Bến cảng Nhà Rồng - ảnh 3Nhiều đầu sách tiêu biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành.

Tuyển tập thơ “Vào cõi Bác xưa” đã được Nhà xuất bản “Truyền thông và Thông tin” kịp thời cho ra mắt bạn đọc nhân sự kiện trọng đại kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Đây cũng là một dịp độc giả qua những trang thơ, hành hương về CÕI BÁC XƯA, bày tỏ lòng thành kính đối với một nhà yêu nước kiệt xuất, đã dâng trọn cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Những người biên soạn sách cũng bày tỏ hy vọng sau tuyển tập này, những hợp tuyển thơ, văn trong tương lai sẽ bổ sung thêm nhiều tác phẩm có giá trị của những tác giả mới, làm phong phú thêm cho mảng văn học viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tuyển thơ "Vào cõi Bác xưa" do nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng - Trần Đình Hậu biên soạn; cùng cuốn sách "Nguyễn Ái Quốc -Hồ Chí Minh: Hành trình cứu nước" của nhóm tác giả Đỗ Hoàng Linh, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Thị Bình là hai tác phẩm của bộ sách do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành  nhân dịp này. 

Feedback