Văn học Nga – sự trở lại của những tác phẩm xuất sắc

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5)- Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga thuộc Hội nhà văn Việt Nam ra đời vào tháng 5/2012 từ sau hai chuyến thăm Việt Nam của các vị lãnh đạo cao nhất của Nga: Tổng thống Putin và thủ tướng Medvedev. Đây là địa chỉ tập hợp được những dịch giả hàng đầu về văn học, văn hóa Nga, với những hoạt động bước đầu đầy hiệu quả trong việc giới thiệu văn học hai nước.             

(VOV5)- Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga thuộc Hội nhà văn Việt Nam ra đời vào tháng 5/2012 từ sau hai chuyến thăm Việt Nam của các vị lãnh đạo cao nhất của Nga: Tổng thống V.Putin và thủ tướng D.Medvedev. Đây là địa chỉ tập hợp được những dịch giả hàng đầu về văn học, văn hóa Nga, với những hoạt động bước đầu đầy hiệu quả trong việc giới thiệu văn học hai nước.                                

Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, văn học Nga được phổ biến ở Việt Nam với việc dịch rất nhiều tác phẩm của các tên tuổi lớn như Puskin, Tsekhov, Dostoievski… Và ngược lại văn học Việt Nam cũng được dịch rất nhiều ra tiếng Nga. Dịch giả Thúy Toàn nhớ lại: Đã có những con số rất cụ thể, chẳng hạn như hàng trăm tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch ra tiếng Nga, trong đó có cả bộ tác phẩm dài tới 15 tập văn học hiện đại Việt Nam, được 5-6 NXB lớn của Liên Xô in ra từ 1979 đến 1985 (Một bộ tác phẩm chưa có nước nào dịch như thế, và giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của nhiều giai đoạn văn học Việt Nam, từ những tác phẩm cổ điển như Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Dữ, các truyện cổ tích dân gian Việt Nam, dân gian miền núi, những tác phẩm nổi tiếng của văn học tiền cách mạng  cũng như văn học cách mạng…) Phía Nga như thế, còn phía Việt Nam, lúc tôi còn làm ở NXB đã có trên 500 đầu sách văn học Nga được dịch, cả các tác phẩm cổ điển lẫn những tác phẩm tiêu biểu của văn học Nga xô viết. Văn học Nga có những ảnh hưởng lớn đối với văn học Việt Nam

 Văn học Nga – sự trở lại của những tác phẩm xuất sắc - ảnh 1
Dịch giả Thúy Toàn - Ảnh: thethaovanhoa.vn

 

Sau khi Liên Xô tan rã, việc giới thiệu văn học Nga với Việt Nam và ngược lại bị ảnh hưởng nặng nề. Không có tác phẩm văn học đương đại nào của Nga được giới thiệu ở Việt Nam, cũng như tác phẩm văn học Việt Nam không còn được chuyển ngữ sang tiếng Nga nữa. Cho tới gần đây, văn học Nga mới dần dần trở lại Việt Nam với nỗ lực của một số cá nhân dịch giả đơn lẻ, như Thụy Anh, Thúy Toàn, Đào Minh Hiệp, Phạm Vĩnh Cư vv…, nhưng tình hình xuất bản tác phẩm không phải dễ dàng gì.

Quỹ Hỗ trợ Quảng bá văn học Việt Nam - Nga ra đời tháng 5/2012 sau hai năm lên ý tưởng và xây dựng kế hoạch, đội ngũ. Chủ tịch Quỹ là dịch giả Thúy Toàn, cùng hai Phó Chủ tịch là các dịch giả Lê Đức Mẫn và Thụy Anh. Ngoài ra, Quỹ còn có một nhóm cố vấn gồm các dịch giả Phạm Vĩnh Cư, Bằng Việt, Đoàn Tử Huyến, Vũ Thế Khôi, Từ Thị Loan. Nhóm cố vấn này có vai trò thẩm định cả đầu vào và đầu ra của bản dịch.

Dịch giả Thúy Toàn cho biết: Dự án đó do Bộ văn hóa Nga, Cục xuất bản, và Viện Đông phương học thuộc trường Đại học Lomonoxop thực hiện. Chúng tôi đã chọn một danh sách các sách cần phải giới thiệu sang tiếng Nga cũng như từ Nga sang tiếng Việt. Để ra sách, phía Việt Nam chuẩn bị bản thảo, còn phía Nga, do chỉ thị của tổng thống, họ đầu tư tất cả từ in ấn cho đến chuyên chở sang Việt Nam để làm sách biếu.

Quỹ trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng hoạt động cũng còn rất nhiều khó khăn, nhất là kinh phí, vì phương thức hoạt động còn nhiều điều bỡ ngỡ với cả hai phía Nga và Việt Nam, nhưng chỉ qua một thời gian ngắn, từ sự tập hợp của Quỹ, đã có nhiều cuốn sách có chất lượng rất cao ra đời. Tiểu thuyết “Hồn bướm mơ tiên” của nhà văn Khái Hưng cũng đã được dịch ra tiếng Nga trong bộ 5 cuốn sách được dịch đầu năm 2013 này.

Dịch giả Thúy Toàn cho biết: Từ tháng 5/1912 chúng tôi tập trung lực lượng để nhờ cộng tác với NXB Thế giới, chuẩn bị khâu bản thảo rồi đánh máy, dò sửa chữa, biên tập, rồi gửi sang phía Nga. Họ đã ra được bốn cuốn trong bộ tiểu thuyết Dostoievski. Sau đó bắt tay vào kế hoạch 2013,chúng tôi cung cấp cho họ một số cuốn sách nữa, và đến nay chúng tôi đã ra hai cuốn Dostoievski trong bộ 12 tập (tức là bộ này đã ra 6 cuốn), và một cuốn về dịch giả Nga Marian Tkachev tập hợp những bài về ông cũng như tác phẩm của ông viết về Việt Nam -đây là dịch giả nổi tiếng  của Nga, mất năm 2006. Cuốn thứ 4 là bản dịch mới của dịch giả nhà văn Đào Minh Hiệp, dịch cuốn sách của nhà văn Chechnya viết về cuộc chiến tranh ở Chechnya, là một tiểu thuyết lịch sử hết sức xúc động.

Hơn nửa thế kỷ qua, văn học Nga đã có nhiều đóng góp cho sự hình thành và phát triển văn học tại Việt Nam. Với niềm tin vững chắc của một dịch giả uy tín, có nhiều năm theo đuổi việc dịch văn học Nga, dịch giả Thúy Toàn cho rằng: “Văn học Nga là nền văn học vĩ đại với rất nhiều giá trị nhân văn, mà chúng ta mới chỉ biết đến một phần nhỏ. Khi thành lập Quỹ, chúng tôi xác định không chỉ giới thiệu văn học Việt – Nga thời “đỉnh cao” của quá khứ, mà còn cả hiện tại và tương lai.”

Nói như dịch giả Đào Minh Hiệp, người vừa chuyển ngữ cuốn “Cuộc chiến đi qua” của nhà văn Chechnya Kanta Ibragimov thì: Việc hình thành Quỹ là một điều rất đáng mừng. Ngay khi vừa thành lập, Quỹ đã chọn các đầu sách Việt Nam để dịch sang tiếng Nga. Họ đã chọn được một số đầu sách rất có giá trị của Nga để dịch và giới thiệu cho bạn đọc Việt Nam dưới sự tài trợ của chính phủ Nga (như tôi biết là Ngân hàng ngoại thương LB Nga). Từ sự khởi đầu tốt đẹp này hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm văn học Nga, nhất là văn học Nga đương đại được dịch ra tiếng Việt (bởi vì văn học Nga cổ điển, văn học Nga xô viết đã được dịch khá phong phú). Quỹ quảng bá văn học Việt Nga sẽ là chiếc cầu nối vô cùng chắc chắn để giới thiệu văn học hai nước với bạn đọc của cả hai nước, nhất là văn học đương đại là điều mà bạn đọc cả hai nước quan tâm.

Theo dịch giả Thúy Toàn, những cuốn sách đã Quỹ được dịch ra tiếng Việt đều là những cuốn sách hay, nhưng đáng tiếc là công tác quảng bá còn làm chưa tốt. Giới thiệu văn học Nga tại Việt Nam đã khó và có lẽ sẽ càng vất vả hơn trong chiều ngược lại. Nhưng mặc dù còn nhiều khó khăn về chuyên môn và tiền bạc, những người thực hiện Quỹ quyết tâm hướng đến mục tiêu hoạt động lâu dài của Quỹ, là nơi kết nối những người yêu mến văn học Nga nói riêng và những tác phẩm văn học nói chung./.

Feedback