Một cuộc thi nhỏ - ý nghĩa lớn

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5)-Một cuộc thi nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, bởi đã thể hiện được tính nhân văn của người Việt, luôn đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau; cũng như sự cởi mở với bạn bè, việc hòa nhập với đời sống nước sở tại.
(VOV5)-  Ngày 19/10 vừa qua tại Hà Nội, đã diễn ra lễ trao giải cho các tác giả ở miền Bắc đoạt giải Cuộc thi sáng tác Thơ, Văn, Tranh, Ảnh, Ca khúc về Volgagrad (mở rộng về nước Nga) nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Stalingrad (1943-2013) do Hội người Việt Nam tại Volgagrad phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga tổ chức.

Cuộc thi sáng tác này được phát động từ tháng 11/2012, kết thúc vào trung tuần tháng 8/2013, công bố kết quả dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9.

Trung tuần tháng 9. tại thành phố Kharkov (Ucraina), ông Dương Hải An, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Volgagrad và nhạc sĩ Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga đã tổ chức Trao Giải thưởng cho các tác giả đang sinh sống tại Ucraina. Cũng trung tuần tháng này tại Volgagrad, nhân dịp Tết trung thu của cộng đồng, Hội người Việt Nam tại Volgagrad kết hợp tổ chức trao giải cho các tác giả đang sinh sống tại đây.

Một cuộc thi nhỏ - ý nghĩa lớn - ảnh 1
Ông Dương Hải An, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Volgagrad trao Giải thưởng cho tác giả Vũ Văn Định, giải khuyến khích thơ - Ảnh: Nguyễn Ngọc Hạnh, Trần Đức Thiết / nguoibanduong.net


Trong lần trao giải thưởng cho các tác giả trong nước ở miền Bắc dịp tháng 10 này, nhà thơ Châu Hồng Thủy, Chủ tịch Hội VHNT Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết: Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Stalingrad, Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga và Hội người Việt Nam tại thành phố Volgagrad đã cùng phối hợp để tổ chức cuộc thi sáng tác viết về Volgagrad và mở rộng ra là viết về nước Nga. Cuộc thi này đã thu hút được đông đảo các sinh viên, một số bà con cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Volgagrad, và cả ở nước Nga. Nhiều tác giả trong nước cũng tham gia, và đa số đều đã từng hoặc ở Volgagrad hoặc ở nước Nga, như nhà thơ Nguyễn Đình Chiến, nhà thơ Bùi Quang Thanh, nhà thơ Trần Hậu, hoặc văn xuôi như anh Thiều Kim Tước từng học ở Volgagrad, hay anh Phạm Thuận Thành đã từng lao động và học tập tại thành phố Kazan... Các tác giả miền Nam như Đặng Hữu Trung, Nguyễn Thảo Nguyên, Hàn Phong Vũ... Có những tác giả đang sống ở Ucraina như Vũ Tấn Hoàng ở Kharcov, Đỗ Thị Hoa Lý ở Kiev. Như vậy đối tượng tham dự cuộc thi rất rộng rãi. 

Một cuộc thi nhỏ - ý nghĩa lớn - ảnh 2
Nhà thơ Châu Hồng Thủy - Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Việt Nam giới thiệu về những người được giải thưởng cuộc thi. - Ảnh: Tạp chí Bạch Dương

Có thể thấy, thành công của cuộc thi thể hiện ở những sáng tác về đất nước, con người Nga đã có một thời kỳ dài gắn bó với Việt Nam. Cuộc thi đáp ứng một nhu cầu có thực khởi nguồn từ mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai đất nước, với một thế hệ mà như thơ Trần Hậu viết Một mai đây dù cách vời ngàn dặm/Thì mảnh lòng neo lại dải rừng Nga” (Volga  mong một ngày trở lại). Cuộc thi đã có được sự tham gia rộng khắp, với sự tham gia của những có cây bút đã có tên tuổi với bạn đọc trong nước cũng như tìm tòi được những gương mặt mới.


Nhà thơ Châu Hồng Thủy cho biết: Khi chúng tôi xuống thăm Volgagrad, đến gặp Chủ tịch Hội người Việt tại Volgagrad - anh Dương Hải An, cũng là Tổng giám đốc Tổng công ty Volga- Việt. Hai bên trao đổi với nhau, có nhắc đến chiến thắng Stalingrad, và mới nảy sinh ra việc nhân 70 năm chiến thắng này phát động cuộc sáng tác về Volgagrad và mở rộng về nước Nga. Đây là một cuộc thi rất có ý nghĩa, có tính chất thời sự, vì mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga. Đặc biệt Hội Văn học nghệ thuật tại LB Nga nhiều năm nay cũng chưa tổ chức những cuộc thi sáng tác như những năm trước đây, nên nhân dịp này hai bên cùng kết hợp.

Một cuộc thi nhỏ - ý nghĩa lớn - ảnh 3
Nhà thơ Trần Hậu, người được giải nhì về thơ với tác phẩm "Volga mong một ngày trở lại" - Ảnh: Tạp chí Bạch Dương


Nhà thơ – dịch giả Trần Hậu, người được giải nhì với bài thơ “Volga mong một ngày trở lại” tâm sự:Tôi biết tin cuộc thi này qua trang web nguoibanduong.net của Hội VNNT VN tại LB Nga. Tôi cũng từng học ở Volgagrad 1 năm, năm 1991, đúng năm Liên bang Xô viết sụp đổ, đời sống người Nga rất khó khăn và thực tập sinh chúng tôi cũng vậy. Thường thì những khó khăn làm mình nhớ rất nhiều và có rất nhiều kỷ niệm. Chính vì thế mà chúng tôi tham gia cuộc thi này, để nói "Volga mong một ngày trở lại"

Có thể nói, trong mấy năm qua, mặc dù tình hình kinh tế nước Nga nói chung, tình hình làm ăn của cộng đồng Việt nói riêng có rất nhiều khó khăn, nhưng những người làm văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga vẫn đau đáu một nỗi niềm với văn hóa xứ sở, và bên cạnh họ, là những doanh nghiệp Việt vẫn hết lòng vì văn hóa Việt, vì mối quan hệ bang giao truyền thống giữa hai đất nước Việt - Nga. Đơn cử như cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga ra đời năm trước, nhờ sự tài trợ hết mình của CLB dệt may Thăng Long chẳng hạn.

Nhà thơ Châu Hồng Thủy, Chủ tịch Hội VHNT Việt Nam tại Liên bang Nga tâm tình: Hoạt động của Hội văn học nghệ thuật tại LB Nga luôn luôn gắn bó với cộng đồng Việt Nam, với các nhà hoạt động doanh nghiệp người Việt. Nhiều đơn vị kinh tế đã tổ chức trợ giúp cho Hội văn học nghệ thuật làm công tác văn hóa văn nghệ cộng đồng. Ví dụ như chúng tôi tổ chức các đêm thơ tại các trung tâm thương mại, tổ chức những cuộc thi sáng tác, những buổi biểu diễn văn nghệ…vv… hầu hết những cuộc đó đều có các nhà doanh nghiệp đứng sau tài trợ. Công ty Volga Việt và Hội người ViệtNam tại Volgagrad do anh Dương Hải An lãnh đạo có truyền thống tài trợ rất thường xuyên những hoạt động của sinh viên tại thành phố, hoạt động văn hóa văn nghệ, hay tài trợ những anh em văn nghệ ra sách. Đây là dịp kỷ niệm có ý nghĩa lớn, anh Dương Hải An cũng rất nhiệt tình ủng hộ. Riêng việc chi cho giải thưởng lần này ước tính 10 ngàn USD. Mặc dù hoàn cảnh kinh tế người Việt trong mấy năm nay làm ăn có khó khăn hơn những năm trước, nhưng việc tài trợ thì các anh vẫn giữ được thường xuyên.

Một cuộc thi nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, bởi đã thể hiện được tính nhân văn của người Việt, luôn đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau; cũng như sự cởi mở với bạn bè, việc hòa nhập với đời sống nước sở tại. Truyền thống ấy được tiếp nối không đứt gãy từ quá khứ đến hiện tại, và gìn giữ cho mai sau./.

Feedback