Tự vấn trước thơ, sen và cuộc đời

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) -  “Lặng lẽ” là điều tưởng dễ mà khó trong bối cảnh đời sống thơ ca hôm nay. Nhưng nó thống nhất với tính cách và quan niệm sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Phương Hằng:

 
Tự vấn trước thơ, sen và cuộc đời - ảnh 1

Theo đuổi một lối thơ thiên về gợi mở, ngẫm ngợi, có phần kiệm lời, đến nay nhà thơ Nguyễn Văn Hùng (hiện sống và sáng tác ở thành phố Vinh – tỉnh Nghệ An) đã xuất bản 10 tập thơ cùng nhiều tập tiểu luận, biên soạn. “Hỏi Sen”, tập thơ ông xuất bản năm 2019 là tập thơ gửi gắm nhiều suy tư - chất vấn mang tính thế sự, cho thấy tâm thế của người trí thức luôn trăn trở đau đáu với cuộc đời…

Ta ngồi bên sen

Học bài  trong trắng

Câu chữ bó tay

Trước làn hương mỏng

Đó là những câu cuối bài “Hỏi Sen”. Bài thơ ngắn gồm tám câu thơ thể bốn chữ này cũng được nhà thơ Nguyễn Văn Hùng lấy làm nhan đề cho cả thi tập. Danh từ “Sen” ở đây được viết hoa. Tinh thần, tư thế và tâm sự “hỏi Sen”, “trước Sen” cũng đi suốt tập thơ, với không ít đa mang:

“Một lời bạc ác ai gieo

Trong ta cũng buốt hơn nhiều mũi kim

 Khẽ khàng nhưng chớ nguôi im

 Những đêm trắng tóc là đêm thật mình

Tôi tin đó là con người thật của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, hay nghĩ ngợi, dễ tổn thương và quen giấu nỗi buồn sâu trong lòng. Một tính cách “khẽ khàng”, song không nhu nhược, “chớ nguôi im”. Các cụ nói người như thế là hay khổ trong tâm. Có lẽ ông cũng biết điều này, song “biết” để sống tích cực hơn, nhìn sâu hơn vào chính mình, chứ không phải “biết” để làm cho mình khác đi, dĩ hòa vi quý. Và tập thơ này đã thể hiện điều tri nhận ấy, cho thấy một tiếng nói mềm mỏng mà kiên định, mang tinh thần phản biện của người trí thức trước thực tế ngổn ngang bề bộn.

“Tôi khát nhất điều gì ư

Giữa dòng nhân gian

Vòng vèo và ít lặng lẽ

Một giọt

Chỉ một giọt trong vắt thôi

Rơi

Xuống phận này                       

                        (Khát)

Có thể nói, hơn 70 sáng tác trong tập thơ ôm chứa nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay: môi trường ô nhiễm, tình người cạn kiệt, đạo đức suy vi, thói vô cảm len lỏi từ thượng tầng xuống hạ tầng… Những câu thơ được viết từ trải nghiệm, không màu mè hình ảnh mà chắt lọc, hướng nội, với lập luận chặt chẽ, thái độ điềm tĩnh mềm mỏng mà cương nghị. Tinh thần ấy, thái độ ấy thực đậm nét, vượt trội so với những tập thơ đã xuất bản trước đó của ông. Nếu ở những tập trước, con người thơ mới dừng ở gợi mở, ngẫm ngợi thì ở tập này rõ ràng một tiếng nói phản biện.  Ông trăn trở nhiều về cách sống của người quân từ, sống như thông, ngay thẳng rõ ràng, cả đời chỉ bái lạy hoa mai. Ông ngẫm về hoa bằng lăng để điều tiết mình, cho đi mà không toan tính nhận lại. “Ngẫm” cũng là một thuộc tính trong thơ Nguyễn Văn Hùng: "Tôi là người siêng đọc. Tôi thấm thía một điều rằng nhà thơ nào muốn tồn tại đều phải có một giọng điệu, phong cách và tư tưởng. Tất nhiên nhận thức là một chuyện, còn làm được lại rất khó. Thơ của tôi càng về sau càng có xu hướng kiệm lời, thơ thiên về suy tư suy nghĩ. Đây cũng là một đặc điểm mà như nhà thơ Vũ Quần Phương từng chia sẻ, rằng thơ hiện đại là thơ thiên về trí tuệ. Thơ tôi nghĩ ngợi nhiều, nghĩ chuyện của đất nước mình, chuyện của thế giới, đào sâu những vỉa tầng suy nghĩ để mong muốn nói được điều gì đó" - Ông chia sẻ.

Ở bài “Câu trả lời của Actua Sopenhauo”  (Actua Sopenhauo – nhà triết học lớn người Đức, sinh năm 1788 mất năm 1860), nhà thơ Nguyễn Văn Hùng như vô tình kể lại một câu chuyện:

Nhằm trước lúc mất

Không lâu

Bấy giờ đã kiệt sức

Đồng nghiệp hỏi

Ông sẽ yên nghỉ nơi đâu?

-      Ở đâu thì cũng vậy

Họ sẽ nhận ra tôi thôi!

Giản dị, cô đọng mà bất ngờ. Sống là lao động cống hiến miệt mài. Giá trị bản thân không phụ thuộc vào việc khi chết rồi thì được chôn cất ở đâu, nơi danh giá hay bình dân, mồ to mả đẹp hay chỉ là nấm đất thường. Ý thơ không mới, song cũng khiến ai đó giật mình, bởi sự tham quyền cố vị, ham danh vọng ảo và đánh tráo khái niệm, mượn cái bên ngoài che cái bên trong thì ở nước ta hiện nay không thiếu. “Ở đâu thì cũng vậy/ Họ sẽ nhận ra tôi thôi!” – Không phải ai cũng đủ nhận thức để trả lời tự tin như Actua Sopenhauo.

“Hỏi Sen” còn nhiều suy ngẫm về cách sống:

Biết bằng lòng

Bạn sẽ gặp bằng lăng                                

                                      (Bằng lăng)

Tất nhiên, đấy là bông bằng lăng đầy dữ hội, dâng hiến: “Xé ngực mình/ thành hoa/ tím mướt mát/ giữa lòng hạ lửa”.

Trong dòng suy ngẫm về cuộc đời, về lẽ sống, đôi khi ta cũng gặp những “dằn dỗi” rất thực, ví như khi nhà thơ Nguyễn Văn Hùng viết về quả đào tiên, loại quả thoạt nhìn giống quả bưởi nhưng không ăn được mà thường dùng để làm cảnh. Hình như ông hơi khắt khe với nó:

Cái tên nghe mĩ miều

Người qua mấy ai đụng

Ngộ thêm lời Lão - Trang

Muốn còn phải vô dụng

                                          (Đào tiên)

Tôi hiểu thâm ý của người thầy giáo làm thơ và viết nghiên cứu phê bình ấy. Bao năm nay ông nhẫn nại lặng lẽ như con ong xây tổ làm mật. Có lần tôi hỏi sao ông không lấy bút danh khác, vì cái tên khai sinh Nguyễn Văn Hùng cũng lấy làm bút danh thì có vẻ không được nổi bật. Thực tế trong làng văn nghệ, nhiều người khi dùng bút danh khác, nhất là những bút danh độc đáo, thì dường như cũng đổi vận. Tuy nhiên nhà thơ Nguyễn Văn Hùng lại nghĩ khác. Ông cười từ tốn mà rằng, đó là cái tên do cha mẹ đặt, ông không muốn thay đổi. Và nữa, nếu độc giả vẫn nhận ra chất riêng trong thơ ông mà không nhờ đến bút danh  -  điều ấy mới quý, mới thực tri kỷ. "Có một lần, khi viết về một tập thơ của tôi, nhà thơ Vương Trọng có nhận xét rằng: “Trong thơ của Nguyễn Văn Hùng xuất hiện khá nhiều, tần số khá dày chữ “im lặng”, hoặc “lặng”, hoặc “Lặng im”. Điều này cũng cho thấy một nét thi pháp cũng như trong lối sống của Hùng, ấy là sự lặng lẽ, lặng lẽ đi – đọc và chiêm nghiệm, và viết cũng trong một sự lặng lẽ, viết rất kiệm lời” - Nhà thơ kể lại.

 “Lặng lẽ” là điều tưởng dễ mà khó trong bối cảnh đời sống thơ ca hôm nay,. Nhưng nó thống nhất với tính cách và quan niệm sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, lấy thơ ca để chở tình, để răn mình, không lấy thơ ca làm phương tiện, làm bàn đạp cho danh vọng tiếng tăm. Chính vì thế, góc nhìn của ông về thơ, về người làm thơ khá nghiêm túc. Ông không trút cho thơ nhiều gánh nặng, cũng không ảo tưởng về sức mạnh thi nhân. Ông coi thơ gần với đời, trân trọng nó và không quên trách nhiệm với nó.

Mênh mang trang giấy trải

Trắng trong và nợ nần

Cánh đồng thơ gieo mãi

Dọn chưa thành bữa ăn                           

                        (Viết nhân sinh nhật thứ 59)

Qua thơ, có lẽ ông là người chừng mực, sống có trách nhiệm và lo toan. Chắc chắn ông không tham gia nhiều cuộc nhậu, không thích cảnh lắc lư câu thơ tiếng cười bên bàn tiệc. Thơ ông không nhiều sóng gió, không tột đỉnh thăng hoa, không diệu vợi cách tân. Nó âm thầm chảy, nhẫn nại thúc giục, và nhẫn nại đau. Thơ ông là thứ thơ bên bàn trà hay khi đối ẩm mà người tham gia nói ít, uống ít, chỉ lặng im là nhiều.

Thế nên, tôi trân trọng những suy ngẫm của ông về thơ ca và bổn phận, qua các bài như “Nợ Nhân dân”, “Gửi một người bạn xứ Thanh”, “Bạn ơi, thơ tặng bây giờ”, “Dọc đường”… Người làm thơ có thể đắm đuối ở thời khắc sáng tạo cùng chữ, song cũng cần tỉnh táo để không ảo tưởng với những gì mình viết ra. Thơ có thể đứng sau cơm ăn nước uống, nhưng không được phép rẻ rúng, tầm thường hóa thơ. Và, “Cao hơn thơ vẫn mối bận làm người”.

Tôi đã đọc “Hỏi Sen” trong tâm thế ấy!

Feedback