Trần Hữu Dũng - "Quê hương như một toạ độ"; và Đỗ Trung Lai nói về thơ tứ tuyệt

Trần Hữu Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Tạp chí văn nghệ với tản văn "Quê hương như một tọa độ" của giáo sư kinh tế Trần Hữu Dũng (người Việt ở Mỹ) ; nhà thơ Đỗ Trung Lai nói về những bài thơ tứ tuyệt hay trong văn học Việt Nam.
(VOV5) - Tạp chí văn nghệ với tản văn "Quê hương như một tọa độ" của giáo sư kinh tế Trẫn Hữu Dũng (người Việt ở Mỹ); nhà thơ Đỗ Trung Lai nói về những bài thơ tứ tuyệt hay trong văn học Việt Nam.

Bấm để nghe âm thanh:





Mỗi độ xuân về, Tết đến, tôi lại muốn nói rằng tôi nhớ quê hương.  Song điều đó không hoàn toàn chính xác, bởi lẽ tôi nhớ quê hương chẳng phải chỉ mỗi độ xuân về.  Tôi nhớ vào mùa mưa, mùa nắng, mùa hè, mùa đông...  Vả không chỉ nhớ, mà còn nhìn về tương lai và hình dung quê hương tôi 10, 20, 30 năm nữa...  Quê hương tôi sẽ ra sao?

 

Quê-hương-như-gốc-rễ là một hình ảnh mà hầu như ai cũng có, song tôi nghĩ hình ảnh ấy “tĩnh” quá, ràng buộc quá, và hơi lãng mạn nữa.  Khi tôi nghĩ về quê hương, tôi không chỉ nghĩ với một sự  luyến lưu nhưng còn như một hướng đi về phía trước, có thể gần quê  hương mà cũng có thể xa hơn. Trong dòng chảy thời gian của quê hương, mỗi người có một quá khứ lớp lang song song với nó, và những kỳ vọng chung với quê hương ấy.  Và tôi nghĩ, đúng hơn, quê hương là một toạ độ. Toạ độ ở đây chẳng phải chỉ là không gian mà còn là thời gian, và chính trong chiều kích này mà quê hương là cái gốc cuộc đời của mỗi chúng ta, bởi nó là những ngày thơ ấu, của những người thân giờ đã mất, và của cả con cháu ta, đã sinh cũng như sẽ ra đời, dù sau này chúng ở nơi nào.

 

Như toạ độ, quê hương không trói buộc, không cho ta rời khỏi nó. Toạ độ là để biết ta đang ở đâu, hướng về đâu.  Nó không cột chặt chúng ta trong bất cứ nghĩa nào.  Nó không nên là như  thế.  Thậm chí, toạ độ càng có ý nghĩa khi ta đi xa gốc của nó, để vươn lên, để khám phá. Đặt quê hương là toạ độ không là biểu hiện một tâm trạng hoài cổ.

 

Tất nhiên, “quê hương” có nghĩa rộng hay hẹp là tuỳ người đối thoại, tuỳ ngữ cảnh.  Chẳng hạn như như khi tôi nói chuyện với một người ở Nha Trang, tôi sẽ nói là tôi là dân Bến Tre, còn nói với một người ở Ba Tri (Bến Tre) thì tôi sẽ nói tôi là dân Giồng Trôm (Bến Tre).  Nhưng tôi nghĩ, khi đem lịch sử vào câu chuyện, và từ đó lôi theo vấn đề chính trị, ngoại giao, thì quê hương chỉ có thể là quốc gia.

 

 

Trong một thế giới mà khoảng cảch văn hoá ngày càng thu hẹp, “toàn cầu hoá” trở thành thời thượng đến độ gần thành sáo ngữ, thì, nghĩ cho cùng, ý thức về quê hương như một toạ độ lại càng quan trọng.  Bởi vì toạ độ của mỗi người là một đặc tính cá biệt của người ấy, một phần “thương hiệu” của người ấy, giữ người ấy không bị nhoà đi trong cái tầm tầm của đám đông. Ý thức quê hương như một toạ độ không có nghĩa chống đối toàn cầu hoá, nhưng là bổ túc cho tiến trình ấy, như một chiếc tàu càng xa bờ thì càng cần bản đồ, địa bàn.  Toạ độ quê hương là cái bản đồ, địa bàn ấy.  

 

Đối với người tham gia hoạt động văn hoá, một toạ độ để xác định vị trí của mình đối với một cộng đồng, một lịch sử là cần thiết.  Như mọi toạ độ, nó ngăn ngừa những sự lung tung, lang bang, hỗn độn trong suy nghĩ.  Nó giúp định hướng đề tài nghiên cứu, sáng tác.

 

Đó là nhìn từ bên ngoài.  Nhưng ý niệm toạ độ, một khi nó được ý thức rõ trong nhãn quan của người làm văn hoá, còn nhắc nhở người làm văn hoá chỗ đứng của họ trong dòng lịch sử một đất nước, để nhìn một số vấn đề qua lăng kinh ấy.  Cần nhấn mạnh ở chỗ “một số” vấn đề vì phải nhìn nhận rằng có nhiều vấn đề mà toạ độ quốc gia là không cần thiết (và nhiều khi làm lệch lạc cách nhìn, thậm chí đưa đến những thái độ sô-vanh dân tộc có thể có hại).  Nhưng một số vấn đề khác, về xã hội, về “toàn điện” con người, thì gốc gác quê hương là không thể thiếu.  Cảm tính quê hương không chỉ là một vấn đề tình cảm mà còn là một phạm trù tư tưởng. 

 

Văn hoá phải bắt đầu từ một nhân thân, và nhân thân ấy, dù muốn dù không, gồm ký ức về quê hương như một thành tố.  Quên điều ấy là lãng phí một số vốn thừa kế.  Điều này không có nghĩa là phải luôn luôn lưu luyến cảm tính với quê hương, nhưng nó làm cần thiết việc xác định một thái độ với quê hương ấy. Và vâng, “xác nhận” cũng có thể là một phủ nhận, hay nói nhẹ hơn là vươn ngoài nó, nhưng ngay chính trong sự phủ nhận cũng đòi hỏi những suy nghĩ và tự phản biện.  Nói khác đi, một nhà văn hoá có thể tìm một toạ độ khác ngoài quê hương của mình, nhưng trong sự xác định toạ độ mới ấy, người ấy phải quy nó về toạ độ quê hương!  Nó cách xa toạ độ quê hương bao nhiêu?  Và tại sao lại là khoảng cách ấy?  Sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng làm văn hoá không cần tọa độ quê hương.

 

Mỗi người phải tìm liên hệ giữa mình và quê hương từ chỗ đứng hiện tại của mình.  Tôi nhìn từ chỗ đứng và quá khứ của tôi, qua lăng kính nghề nghiệp của tôi.  Tôi ngày càng quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề toàn cầu, bởi vì dù tôi là con người Việt Nam, nhưng trước hết tôi là con người.  Tôi cũng có trách nhiệm với đồng loại tôi ở mọi châu lục.  Ngày xưa, khi còn chiến tranh thì trách nhiệm của tôi đối với Việt Nam thật là nặng nề, vì lúc đó dân tộc Việt Nam đúng là dân tộc “đáng thương” nhất thế giới.  Bây giờ thì khác. Tuy rằng Việt Nam vẫn còn nghèo, còn khổ, nhưng phải nhìn nhận rằng có hàng tỷ người trên thế giới này còn nghèo, còn khổ hơn dân  Việt Nam.  Đúng trong toạ độ quê hương không có nghĩa là chẳng quan tâm đến những vấn đề toàn cầu.  

 

 

Song, phải nhìn nhận, “quê hương như một toạ độ” không phải là đương nhiên cho tất cả mọi người.  Đối với người sống xa quê hương, ý thức về nó là một sự lựa chọn.  Càng sống xa quê hương lâu ngày thì liên hệ với quê hương càng đòi hỏi một nổ lực, một cố gắng mạnh mẽ. Đối với ngừơi sống giữa lòng quê huơng, nó tự nhiên hơn, nhưng cũng không nên xem đó là tất nhiên rồi không nghĩ đến nó.

 

Điểm thú vị của hình ảnh toạ độ là vô số người có thể cùng một toạ độ (“đồng hương”!) nhưng vẫn là khác nhau, giữ nhân cách riêng của mình.  Đồng hương, khi đã đi xa, luôn đồng một toạ độ, nhưng nó vẫn tôn trọng cái cá biệt, cái tư riêng.

 

Lấy quê hương làm toạ độ là một tự nguyện, nhưng sự hiện hữu của quê hương không là tự nguyện, bởi lẽ, dù muốn tìm một nơi khác để làm toạ độ (và nhiều người có hoài bảo ấy, vì lý do này hoặc lý do khác) cũng không thể được, bởi vì “nơi khác” ấy là khác với quê huơng, và phải định nghĩa từ khoảng cách với toạ độ quê hương.  Chọn lựa quê hương (nhất là quê hương mà tôi đã lớn lên) để làm toạ độ không phải là một chọn lựa của cảm tính.  Oái oăm thay, nhiều người sống giữa quê hương nhưng lại tìm toạ độ một nơi khác, nhưng chính sự tìm tòi ấy lại buộc chặt họ vào chỗ đứng của họ.  Toạ độ quê hương là một định mệnh.  Cho rằng mình không bị ràng buộc bởi quê hương là một ảo tưởng.

 

Sống xa quê hương một khoảng cách rất lớn và từ rất lâu, quê hương đối với tôi là cần thiết như một toạ độ.  Bởi vậy, dù tôi không mang theo quê hương, nhưng sống nơi nào, đi bất cứ đâu, tôi cũng luôn luôn nhìn về nơi ấy.

Feedback