Thăm lại quê hương Hai đứa trẻ: Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo...

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Những di sản văn hóa của các nhà văn, của các nhà văn hóa sẽ được bảo tồn nếu cùng được chung tay gìn giữ.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tự lực văn đoàn là một trong những hội nhóm văn học hiện đại hàng đầu của Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, với sự khởi xướng của Nhất Linh (người anh cả trong gia đình văn học Nguyễn Tường trong đó có Thạch Lam, tức Nguyễn Tường Lân).

Bên những tác phẩm xuất sắc của dòng văn học mà Tự lực văn đoàn khởi xướng, thì những dấu ấn sâu đậm mà chỉ riêng Thạch Lam ghi lại về quê hương Cẩm Giàng, về sân ga heo hút có Hai đứa trẻ chờ tàu xưa trong các truyện ngắn của ông, đã để lại nhiều thương nhớ cho bạn đọc về một miền văn hóa.

Thăm lại quê hương Hai đứa trẻ: Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo... - ảnh 1

Những năm qua, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về đóng góp của những hội nhóm văn học Việt nam thời đó nói chung cũng như Tự lực văn đoàn nói riêng.

Nhưng như nhà nghiên cứu Trịnh Đặng Nguyên Hương cho biết, không phải ngẫu nhiên mà các chị thường cố gắng 1-2 tháng tự tổ chức những chuyến đi thực tế tới các di sản văn học cũ: "Bọn mình thực sự trăn trở trước việc rất nhiều những di tích liên quan đến văn học bị mai một. Bọn mình muốn đưa chị Kim Hiền qua khu nhà khu tưởng niệm của Tự lực văn đoàn, thăm nền nhà cũ của Thạch Lam, thăm ga Cẩm Giàng, nơi có liên quan rất mật thiết đến chuyện ngắn Hai đứa trẻ. Và Cẩm Giàng không phải chỉ là nơi gắn liền với cụm di tích Tự lực văn đoàn mà còn rất nhiều những công trình văn hóa nổi tiếng khác."

Chuyến trở về từ Nga của dịch giả văn học Nga Nguyễn Thị Kim Hiền, là cơn cớ cho các nhà nghiên cứu trẻ của Phòng văn học Việt Nam đương đại - Viện Văn học Việt Nam, tổ chức cùng một số văn nghệ sĩ chuyến đi dự định đã lâu về mảnh đất Cẩm Giàng, thăm lại dấu tích nơi đã sinh ra một gia đình văn học tên tuổi.

Mảnh đất cũ của gia đình các nhà văn Thạch Lam, Nhất Linh, Hoàng Đạo nằm ngay trong ga Cẩm Giàng. Ga xép nhỏ và vắng, nhưng khang trang, sạch sẽ, cũng đã được xây dựng lại sau này. Chị Lê Thị Thoa, Phó ban quản lý di tích Cẩm Giàng Hải Dương, người đưa đoàn đi, chỉ cho khách thấy một vùng cây thấp sau khoảng sân rải đá, khuất bên phải nhà ga, là khu vực gần một thế kỷ trước có cái lán bán hàng của bà Thông Nhu, nơi mà “hai đứa trẻ” trong truyện ngắn Thạch Lam bán hàng, đợi tàu qua.

Thăm lại quê hương Hai đứa trẻ: Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo... - ảnh 2Chị Lê Thị Thoa, Phó ban quản lý di tích Cẩm Giàng, Hải Dương cho biết: Khoảng cây khô lúp xúp trước bức tường màu vàng, là khu vực có những lán bán hàng thuở xưa "hai đứa trẻ" trong truyện ngắn Thạch Lam ngồi đợi tàu về.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn chia sẻ: "Từ khoảng lên 10 tôi đã đọc Tự lực văn đoàn. Đọc Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh vv...tôi đã rất thích chuyện của các ông, nói về những góc rất đời thường, những khung cảnh của một vùng Hải Dương rất nghèo khó nhưng rất trong trẻo và có rất nhiều chi tiết cảm động.

Bây giờ nghe nói Sở Văn hóa Du lịch tỉnh Hải Dương đã dự kiến sẽ xây lại một khu tưởng niệm thì đó sẽ là điều rất đáng quý. Bởi vì các nhà văn thế hệ tôi hay sau này, cũng rất thích đi qua những vùng mà đã có nhà văn mà mình yêu mến từng sống. Đấy là một địa chỉ được mọi người tìm đến để gặp lại một quá khứ của Việt Nam mình. Mà Tự lực văn đoàn là một thời đại trong văn chương Việt Nam cũng để lại một dấu ấn rất thương mến của làng quê Việt Nam."

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cho biết, đã lâu rồi, bà và một nhóm bạn văn chương có hai lần về thăm Cẩm Giàng -Hải Dương, hồi đó còn có con cháu của các nhà văn Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Trần Tiêu... có mặt. Nhưng nay cảnh cũ, người xưa vắng, nhà chủ cũ cũng đổ nát tiêu điều.

Nhà lưu niệm do gia đình ông chủ đất hiện nay, cụ Nguyễn Văn Đạm, một người yêu mến Tự lực văn đoàn tình nguyện trông nom. Dấu tích thật xa xưa còn lại, chỉ là cái ao cũ, bên cạnh đó là hố bom Mỹ thả những năm chiến tranh 1965-1966.

Thăm lại quê hương Hai đứa trẻ: Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo... - ảnh 3Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong cuộc gặp gỡ tại cổng nhà lưu niệm Tự lực văn đoàn, với cụ chủ nhà Nguyễn Văn Đạm (giữa) và nhà nhiếp ảnh Trần Quang Thông (phải). - Ảnh: họa sĩ Lê Thanh Minh.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quang Thông, phụ trách chi hội nhiếp ảnh Hội văn học nghệ thuật Hải Dương, người tâm huyết với sự nghiệp gìn giữ di sản Tự lực văn đoàn kể: "Địa chỉ này ai có tình cảm thì tìm đến chứ chưa nằm trong bản đồ du lịch. Từ hồi tiêu thổ kháng chiến năm 1947 là phá hết. Đến năm 1965 -  66 chiến tranh hủy diệt của máy bay Mỹ ném bom ga Cẩm Giàng. Đây là trong ga rồi nên ném bom là ở đây bay hết không còn gì nữa.

Cách đây 800 mét thì có mộ của ông cụ thân sinh ra Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, tức là cụ Thông Nhu. Và cũng do quấn quýt với quê hương này và quê hương làm đẹp lên cho dòng họ Nguyễn Tường, vì thế con cái mới chuyển di cốt bà Lê Thị Sâm, tức là vợ của ông Thông Nhu, mẹ của Tường Tam, Thạch Lam,  từ Sài Gòn về. Mộ bà cũng đã quy tụ cách đây 800m"

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quang Thông có lẽ là người nắm rõ về lịch sử vận động cho việc lưu giữ những di sản để lại của Tự lực văn đoàn ở quê hương Cẩm Giàng, nhưng điều đó còn là câu chuyện dài mà các nhà nghiên cứu Viện văn học sẽ tiếp tục thực hiện.

Đường Thạch Lam gần đó được đặt tên từ năm 1995. Năm 2008, hội thảo "Bảo tồn và phát huy di sản Cố trạch của Tự lực văn đoàn” đã từng tổ chức tại thị trấn Cẩm Giàng, với sự tham dự của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, với sự mong mỏi nên xây dựng một nhà lưu niệm Tự lực văn đoàn trên mảnh đất xưa của ba gia đình ba nhà văn, như sự ghi nhận công lao của họ đối với lịch sử văn học nước nhà.

Thăm lại quê hương Hai đứa trẻ: Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo... - ảnh 4

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quang Thông giới thiệu cho khách phương xa về khu đất có Trại văn chương Tự lực văn đoàn.xưa.

Và đến nay, công việc vận động về khu tưởng niệm Tự lực văn đoàn tiếp tục được khởi động. Anh Hà Quang Thành, Trưởng ban quản lý di tích Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cho biết: "Khu di tích của Tự lực văn đoàn  đã được quan tâm của các cấp, đặc biệt là lãnh đạo của huyện Cẩm Giàng đã quy hoạch diện tích đất. Mong muốn nhất của chúng tôi - những người làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, là kêu gọi các tổ chức, cá nhân có quan tâm đến các di tích lịch sử văn hóa tiếp tục đầu tư tôn tạo công đức để khôi phục lại một di sản, để xứng danh là nơi của các tiền nhân đã từng là nơi sáng tác những tác phẩm một thời văn học nổi tiếng của đất nước."

Thăm lại quê hương Hai đứa trẻ: Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo... - ảnh 5Các cán bộ trẻ phòng nghiên cứu Văn học đương đại Việt Nam (từ trái qua phải): Đỗ Hải Ninh,Đặng Thái Hà, Trịnh Đặng Nguyên Hương, Lê Hương Thủy

 Chia tay Cẩm Giàng, nhà nghiên cứu Đỗ Hải Ninh, trưởng phòng văn học Việt Nam hiện đại bùi ngùi chia sẻ: "Đây là một tổ chức văn học rất là quan trọng của văn học Việt Nam hiện đại. Nhưng những ai đã có dịp đi ra nước ngoài sẽ thấy công tác bảo tồn di sản của người ta rất tốt, những địa chỉ văn hóa như là nhà hay gia đình của các nhà văn được lưu giữ từng chi tiết một.

Hôm nay đến. cảm giác của mình thực sự thấy rất tiếc vì chưa được phục dựng và chưa được bảo tồn đúng như là mọi người mong đợi về một phong trào văn học đã có đóng góp rất lớn cho văn học Việt Nam hiện đại. 

Trong quá trình nghiên cứu văn học, các nhà nghiên cứu của Viện văn học không chỉ quan tâm đến các tác phẩm, các nhà văn, mà còn quan tâm đến lịch sử văn học, những bối cảnh văn hóa. Chúng tôi cũng biết cũng có những di sản, những địa chỉ văn hóa đang dần bị mất mát. Nên nguyện vọng của anh chị em phòng văn học đương đại nói riêng và Viện văn học nói chung là có những chuyến đi tìm hiểu và thu thập những thông tin, mong muốn góp một phần nhỏ bé nào đấy để phục dựng lại những di sản văn hóa của các nhà văn. 

Mong muốn tới đây Đảng, Nhà nước và công chúng yêu văn học sẽ có những quan tâm nhiều hơn và có những đóng góp thích đáng hơn, để cho công trình nhà lưu niệm này được đẹp đẽ khang trrang hơn, để cho công chúng yêu văn học có một địa chỉ để đến tìm hiểu và nhìn lại bối cảnh đã tạo nên một tác phẩm như là Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam và cũng như  những tác phẩm khác của Tự lực văn đoàn.”

Feedback