Nghe âm thanh bài viết qua giọng phát thanh viên Hùng Sơn:
Chính thức ra mắt số đầu tiên vào tháng 1 năm 1960, tạp chí “Nghiên cứu Văn học”, cơ quan ngôn luận của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đã trở thành diễn đàn khoa học của giới nghiên cứu, giảng dạy văn chương Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm (1960 – 2020), tạp chí tổ chức hội thảo khoa học “60 năm Tạp chí Nghiên cứu Văn học – Quá trình trưởng thành và định hướng phát triển”.
Ở “tuổi 60”, bên cạnh những mốc son, tạp chí nghiên cứu hàng đầu của nước ta cũng đang đứng trước nhiều thử thách, mà một trong số đó chính là quá trình hội nhập quốc tế.
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Phương Thảo/ Báo Thể thao&Văn hóa |
Trong hành trình 60 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, Tạp chí Nghiên cứu Văn học đã xuất bản tổng cộng 580 số, với hơn 9.000 tiểu luận khoa học, tập trung nguồn lực trí tuệ của những nhà nghiên cứu hàng đầu như GS. Đặng Thai Mai, nhà phê bình Hoài Thanh, GS. Vũ Đức Phúc vv…
Nói như PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, trong 60 năm qua, Tạp chí Nghiên cứu Văn học đã cho thấy “bản lĩnh khoa học và bản lĩnh chính trị” của một tạp chí chuyên ngành. Và bản lĩnh này cần phải được tiếp tục khẳng định trong thời gian tới: "Trong một bối cảnh mà kết nối quốc tế ngày càng mở rộng, chúng ta xử lí hài hòa giữa một tạp chí truyền thống viết và một tạp chí online như là những kênh bổ sung nhau trong sự phát triển khoa học nghiên cứu văn học và khoa học nghiên cứu nhân văn ở Việt Nam, không chỉ đáp ứng được nhiệm vụ trong nước mà trong nhiệm vụ quốc tế, là một đòi hỏi các nhà báo, các nhà khoa học phải nỗ lực gấp đôi."
Vấn đề hội nhập quốc tế đã liên tục được đặt ra trong Hội thảo “60 năm Tạp chí Nghiên cứu Văn học – Quá trình trưởng thành và định hướng phát triển”. Từng xuất bản đều đặn trong kháng chiến chống Mĩ, vững vàng trước những sóng góp thời hậu chiến, nhưng đối với Tạp chí Nghiên cứu Văn học nói riêng và báo viết nói chung, thử thách ở thời đại số chưa bao giờ là một câu chuyện dễ dàng.
PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học chia sẻ: "Tôi cũng tin rằng đến một độ nào đó thì báo giấy cũng sẽ hết. Đấy là một xu hướng, bởi vì các phương tiện kĩ thuật cực kì tiện lợi. Nhưng cách đọc trên báo giấy lại là một sự nghiền ngầm. Hoặc là một xã hội tiêu dùng, đọc thơ, truyện ngắn, người ta cũng muốn ngắn và đọc lượt các ý chính. Thế thì ở nghiên cứu cũng có thể diễn ra tình trạng này nhưng nó sẽ lại nảy sinh là cái gì anh cũng gọi là “chuồn chuồn đạp nước”. Cuối cùng nó sẽ ra cái gì? Cách chúng ta chỉ đọc trên báo mạng là rất hạn chế. Hơn nữa, chúng ta đã biết, báo mạng dẫn tới tình trạng đạo văn rất nhiều."
Khi báo mạng lên ngôi, tâm lý tiếp nhận của giới chuyên môn và bạn đọc cũng đã thay đổi đáng kể. PGS.TS Nguyễn Kim Châu, Phó Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ đề nghị phải nhanh chóng số hóa Tạp chí Nghiên cứu Văn học, để đáp ứng nhu cầu tra cứu của sinh viên, nghiên cứu sinh: "Có vẻ như, trong suốt thời gian qua, chúng ta vẫn trong một tâm trạng của một tạp chí nghiên cứu hàn lâm rất là sang trọng, cho nên khi mà chúng ta tiếp cận với công chúng trong xu hướng hội nhập báo chí toàn cầu… hiện nay thì vẫn còn khép kín quá. Các em sinh viên của tôi hoặc các nghiên cứu viên mà tôi hướng dẫn chẳng hạn. Các em bảo rằng tôi lên trên mạng, đến Tạp chí Nghiên cứu Văn học thì thấy tên bài đó, tên của thầy đó viết, tôi rất muốn xem bài đó nhưng nó lại không có nội dung trên mạng. Và đi tìm thì thực ra cũng rất là khó. Tại sao mình không số hóa? Chúng ta đưa trên mạng và chúng ta bán, chứ không phải chúng ta để cho truy cập free. Đó cũng là một cách để chúng ta giải quyết vấn đề kinh phí để nuôi tờ báo, thậm chí phát triển tờ báo."
Chia sẻ quan điểm này của PGS.TS Nguyễn Kim Châu, TS. Hồ Quốc Hùng, Phó Trưởng khoa Xã hội và Nhân văn, Đại học Văn Lang khuyến khích tạp chí mạnh dạn đổi mới theo hướng xã hội hóa, dĩ nhiên, với một hội đồng thẩm định nghiêm khắc để vừa giải quyết được bài toán về kinh phí vừa giữ được uy tín về chuyên môn.
Nhiều nhà nghiên cứu góp mặt trong hội thảo đều cho rằng với nền tảng học thuật, điều mà Tạp chí Nghiên cứu Văn học nên hướng tới là trở thành một tạp chí quốc tế, nằm trong danh mục ISI (tức là các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới, được hầu hết các viện nghiên cứu, trường đại học sử dụng làm nguồn tham khảo chính để đánh giá, xếp hạng khả năng nghiên cứu của một viện, một trường đại học, một nước, một cá nhân nhà khoa học hay một nghiên cứu sinh).
TS. Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Hiện nay, các trường cũng như giới nghiên cứu đang rất muốn cải thiện vị trí của các trường đại học bằng cách tham gia các tạp chí nước ngoài, có chỉ số ISI. Mình cũng phải hướng tới việc ấy. Đăng bài về văn học Việt Nam và văn học Đông Nam Á ở nước ngoài thì chắc chắn không sâu bằng đăng ở tạp chí của Việt Nam."
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, một người rất quan tâm tới việc hội nhập quốc tế, đưa ra những góp ý rất tỉ mỉ: "Tạp chí Nghiên cứu Văn học càng ngày càng tiến tới chuẩn quốc tế. Mỗi bài đều có phần tóm tắt của bài, rồi các từ khóa, rồi thông tin về tác giả, rồi bố trí phông chữ, co chữ ở chính văn và chú thích rất là chuẩn. Gần đây, tôi thấy có phần tóm tắt tiếng Anh nhưng bây giờ lại không có nữa. Nếu như chúng ta đã chú ý tới phần mục lục tiếng Anh để cho những người biết tiếng Anh trên thế giới biết tạp chí này có những bài về nội dung gì thì phần tóm tắt tiếng Anh cũng phải duy trì."
Ở tuổi 60, Tạp chí Nghiên cứu Văn học đã trọn vẹn một hành trình xây dựng, đổi mới và phát triển. Không thiếu những thành tựu, nhưng câu chuyện đổi mới vẫn sẽ tiếp tục được đặt ra, thử thách các nhà nghiên cứu, kiêm nhà báo trong lĩnh vực học thuật này.