Có nền tảng về khoa học kĩ thuật và nguồn nhân lực, số hóa văn hóa dân gian ở nước ta được cho là có sẵn điều kiện để phát triển. Nhiều năm qua, các đơn vị thuộc khối Nhà nước lẫn tư nhân đều tìm cách để bảo tồn và làm phong phú thêm kho tàng quý giá này.
Tuy nhiên, cũng như nhiều lĩnh vực khác, số hóa văn hóa dân gian không chỉ đơn giản là việc chuyển đổi phương tiện lưu trữ mà còn là cách khai thác và chia sẻ dữ liệu, không chỉ cho cộng đồng nghiên cứu mà còn để phục vụ mục đích giáo dục, quảng bá du lịch hoặc tạo ra các sản phẩm văn hóa trên nền tảng số…
Về vấn đề này, TS Lư Thị Thanh Lê, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Giảng viên Bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có một vài chia sẻ với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
"Số hóa văn hóa dân gian đã thúc đẩy việc lưu trữ và chia sẻ dữ liệu một cách rộng rãi giữa các cá nhân, tập thể trong và ngoài nước. Tuy nhiên, số hóa cũng tồn tại rào cản khi chỉ có những người có mạng Internet và hiểu biết về công nghệ thông tin mới truy cập được trong khi các cộng đồng ở vùng sâu vùng xa, chủ sở hữu các nguồn tài nguyên văn hóa đã được số hóa, lại không thể tiếp cận được nguồn dữ liệu này."
“Trong quá trình nghiên cứu với cộng đồng thì các nhà nghiên cứu rất chú trọng việc thu thập dữ liệu phục vụ cho các nghiên cứu của mình. Trong nhiều trường hợp người ta chỉ mang dữ liệu này về thôi chứ họ không có thói quen và không có trách nhiệm phải chia sẻ lại với cộng đồng mặc dù là với bản thân cộng đồng thì các dữ liệu này cũng rất quan trọng và cần thiết. Đây cũng là một điều đáng được quan tâm trong việc số hóa văn hóa dân gian. Số hóa văn hóa dân gian, trước hết, cần quan tâm đến việc phải mang lại lợi ích cho cộng đồng sở hữu vốn văn hóa dân gian đó. Việc số hóa nên đi kèm trách nhiệm chia sẻ dữ liệu đó với chính cộng đồng.” - TS Lư Thị Thanh Lê