Không thể phủ nhận sức mạnh lan tỏa của màn ảnh rộng tới khán giả bởi từ nhìn, từ nghe kể về nó, người ta sẽ muốn đến để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên.
Một trong những ví dụ rất sinh động và thuyết phục về hiệu quả quảng bá du lịch của tác phẩm điện ảnh là bộ phim Triệu phú ổ chuột (do Ấn Độ sản xuất). Bộ phim sau khi công chiếu, đoạt giải thưởng đã giúp cho doanh thu của ngành du lịch Ấn Độ tăng đột biến, nhất là ở thành phố Mumbai. Quốc gia này đã thiết kế hẳn một tour đưa du khách đến thăm những khu ổ chuột như bối cảnh trong phim. Tour ấy được đông đảo du khách nhiều quốc gia trên thế giới hưởng ứng.
Khung cảnh của White Mountains trong phim Chúa tể những chiếc nhẫn chính là núi Mount Gunn tại New Zealand. Bộ phim đã làm mê hoặc du khách với những cảnh đẹp của đất nước này. |
Hay như phim Chúa tể những chiếc nhẫn đã giúp New Zealand đón thêm khoảng 80.000 lượt khách tham quan mỗi năm. Còn các cảnh quay đình đám trong phim Harry Porter và phim Sherlock Holmes đã từng giúp nước Anh thu hút thêm khoảng 3 triệu khách nước ngoài mỗi năm. Thế còn với Việt Nam, việc quảng bá du lịch qua điện ảnh như thế nào?
Đạo diễn Lương Đình Dũng - người từng thành công với bộ phim “Cha cõng con”- một câu chuyện phim xúc động được lồng trong những cảnh quay đẹp, nên thơ đã khẳng định vai trò của điện ảnh trong việc quảng bá du lịch: "Điện ảnh có vai trò vô cùng quan trọng, bởi khả năng thể hiện ngôn ngữ và gắn kết câu chuyện của bộ phim, sự thú vị của bối cảnh đó để thu hút người xem…"
Đồng tình với đạo diễn Lương Đình Dũng, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã ví von điện ảnh giống như khẩu đại bác-một vũ khí hạng nặng trong việc góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa dân tộc của nước ta ra thế giới. Tuy nhiên, sử dụng nó như thế nào lại là vấn đề khác: "Thông thường người ta xem phim trước hết không phải xem bối cảnh mà người ta xem cả bối cảnh và con người. Và vì yêu nhân vật ấy, yêu câu chuyện phim mà người ta mới quan tâm đến bối cảnh bộ phim. Bởi thế du lịch là sản phẩm luôn luôn đi tiếp theo…"
Có một thực tế, lâu nay, phần lớn những bộ phim nổi tiếng góp phần đưa hình ảnh Việt Nam đến với du khách quốc tế đều thuộc về những bộ phim của những đạo diễn nước ngoài, những bộ phim hợp tác như "Đông Dương", “Điện Biên Phủ”, "Người tình", "Người Mỹ trầm lặng", "Kong - Đảo đầu lâu". Một vài bộ phim truyện của các nghệ sỹ nước ta cũng đã rất chú trọng khai thác những cảnh đẹp thiên nhiên và nét văn hóa dân tộc độc đáo để hướng tới hiệu quả quảng bá du lịch cho đất nước, trong đó nổi lên như “Chuyện của Pao”. Tuy vậy, những bộ phim thuần Việt tạo nên cơn sốt du lịch chưa nhiều. Nhiều nhà làm phim nước ta vẫn chưa mặn mà. Cho tới khi xuất hiện một loạt phim “Bao giờ có yêu nhau”, “Cha cõng con”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc”.
Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh góp phần làm cho Phú Yên trở thành một địa chỉ du lịch yêu thích của du khách Việt. |
Theo nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc, việc tận dụng cảnh đẹp để phim thu hút người xem cũng như người xem biến đến cảnh đẹp để thôi thúc họ cất công đến vùng đất có cảnh đẹp ấy để tham quan, khám phá, trải nghiệm cuộc sống của các nhân vật trên phim phụ thuộc rất nhiều vào tài năng của các nghệ sỹ: "Bối cảnh chỉ làm nền cho nhân vật hoạt động thôi. Phim muốn hay phải có câu chuyện, có số phận nhân vật. Và nhân vật đó phải gắn liền với bối cảnh của đất nước mình."
Nhà biên kịch Tranh Thanh Nhã lý giải thêm: "Giá trị của bối cảnh chỉ gây ấn tượng khi nó được đặt vào đó một số phận nhân vật, thậm chí nhân vật đấu tranh với bối cảnh ấy. Nhân vật phải thắng bối cảnh đó để tồn tại. Nhân vật ghi dấu ấn trên bối cảnh và nó khiến cho người ta thấy bối cảnh đó đặc biệt…"
Điều cốt lõi nhất để điện ảnh có khả năng quảng bá du lịch, lan tỏa tới khán giả khát khao được đặt chân tới bối cảnh là phải có phim hay. Phim không hay thì có muốn giới thiệu du lịch đến mấy cũng đành bất lực. Đánh giá đúng tiềm năng quảng bá du lịch của điện ảnh, tuy nhiên thời gian qua, điện ảnh nước ta chưa phát huy được thế mạnh này.
Nguyên nhân quan trọng nhất, theo hai nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã và Đinh Thiên Phúc vì cơ sở vật chất dành cho điện ảnh của chúng ta còn nghèo nàn, lạc hậu. Việt Nam thiếu vắng những trường quay chuyên nghiệp, hoành tráng để vừa là nơi quay phim, vừa là nơi du lịch như ở các nước. Chính vì vậy, đa số các bộ phim đều được thực hiện tại những nơi người dân sinh sống với phương thức nhờ hoặc thuê. Vì thế, ngay sau khi bộ phim hoàn thành, những người làm phim lại phải trả về nguyên hiện trạng ban đầu cho người dân ổn định cuộc sống.
Bối cảnh phim vì thế cũng chỉ dừng lại ở trên phim. Về điều này thì đạo diễn Lương Đình Dũng thấm thía hơn cả: "Trong phim “Cha cõng con” có một căn nhà tôi cất công mang lên đỉnh núi, quay xong tôi tưởng sẽ được giữ lại, nhưng vài tháng sau tôi lên thì không còn nữa…"
Mỗi bộ phim hay là cơ hội vàng để "nền công nghiệp không khói" phát triển. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc ăn sẵn vài phim trường cũ hay địa danh mà phải tạo thành một chuỗi du lịch phong phú, đa dạng. Việt Nam vốn đã có sức hút đặc biệt với khách nước ngoài bởi vẻ đẹp bình dị cả về con người lẫn thiên nhiên. Vẻ đẹp ấy lại càng mang tới những giá trị đặc biệt khi nhà làm điện ảnh và nhà làm du lịch Việt tìm ra những phương thức bắt tay thật chặt cùng nhau.