Phim truyện đề tài chiến tranh cách mạng: được ưu ái mà luôn hiếm hoi

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) - Đề tài chiến tranh cách mạng là một đề tài lớn của điện ảnh, gắn với lịch sử, văn hóa dân tộc, từng đem lại vinh quang cho điện ảnh, cho nền nghệ thuật nước nhà. 

Suốt một thời kỳ lịch sử dài, những bộ phim truyện điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh cách mạng đã ghi dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ khán giả. Những năm gần đây, trong hàng chục bộ phim của điện ảnh Việt ra đời mỗi năm, mảng phim về đề tài chiến tranh cách mạng càng ngày càng trở nên khan hiếm.

Nghe âm thanh bài tại đây:
 
Phim truyện đề tài chiến tranh cách mạng: được ưu ái mà luôn hiếm hoi - ảnh 1Cảnh trong phim Truyền thuyết Quán Tiên

Một trong số phim được chú ý gần đây là “Truyền thuyết về Quán Tiên” của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, được báo chí ưu ái nhắc tới nhiều và cũng nhận về nhiều giải thưởng: Giải bông sen bạc, giải âm nhạc xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam năm 2019, giải Cánh diều vàng cho phim điện ảnh xuất sắc nhất và âm nhạc xuất sắc nhất năm 2020. “Truyền thuyết về Quán Tiên” có màu sắc khác với nhiều tác phẩm trước đó và đảm nhận vị trí đạo diễn là một gương mặt trẻ.

"Từ lúc đọc truyện ngắn “Truyền thuyết về Quán Tiên” mình đã rất bất ngờ và rất thích tất cả các tình tiết, thích cách tác giả viết về những cô gái xung phong ở trong câu chuyện này khác rất nhiều các tác phẩm về đề tài này. Tôi cùng nhà biên kịch Đoàn Tuấn đã bàn bạc, phát triển thành một kịch bản hoàn chỉnh. Với một đạo diễn trẻ như tôi, chưa từng trải qua chiến tranh, khi gặp những đề tài vừa khó vừa thú vị như thế này thì rất khát khao được thể hiện." - Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chia sẻ.

Phim truyện đề tài chiến tranh cách mạng: được ưu ái mà luôn hiếm hoi - ảnh 2Cảnh trong phim Người trở về

Trước “Truyền thuyết về Quán Tiên”, bộ phim “Người trở về” của đạo diễn Đặng Thái Huyền cũng là một tác phẩm được ưu ái, nhận giải ban giám khảo, giải biên kịch xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam năm 2015, giải Cánh diều vàng năm 2016. Bộ phim lấy nhiều nước mắt của khán giả qua những suất chiếu giao lưu chật cứng người xem. “Người trở về” cho thấy sự tự tin với đề tài chiến tranh cách mạng của nữ đạo diễn thế hệ 8x này.  

Xa hơn một chút, “Những người viết huyền thoại” của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nhận được 6 giải thưởng quan trọng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18: Bông sen vàng cho phim truyện nhựa xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, Biên kịch xuất sắc nhất, Thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất, và giải khán giả bình chọn. Trước khi có “Những người viết huyền thoại”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã được biết đến qua phim “Đường thư”. Khoảng cách giữa 2 bộ phim này là gần 10 năm, và kỹ thuật làm phim đã hiện đại hơn rất nhiều.

"Từ “Đường thư” đến “Những người viết huyền thoại”, tôi loay hoay trong cách thể hiện. Cách kể là quan trọng nhất cùng phương pháp thể hiện nó bằng kỹ thuật. May mắn là từ năm 2012 hệ thống máy quay, hệ thống máy dựng ở Việt Nam cũng cập nhật với thế giới. Cho nên tôi đã thực hiện bộ phim gần với công nghệ của thế giới." - đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói.

Ngoài “Truyền thuyết về Quán Tiên”, “Người trở về”, “Những người viết huyền thoại", có thể kể thêm những bộ phim được sản xuất trong vòng 10 năm qua như: “ Sống cùng lịch sử”, “Những đứa con của làng”, “Thầu Chín ở Xiêm” (sản xuất năm 2014). Gần đây nhất là những phim: "Bình minh đỏ" (Đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân), "Lính chiến" (Đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà).

Phim truyện đề tài chiến tranh cách mạng: được ưu ái mà luôn hiếm hoi - ảnh 3Cảnh trong phim Bình minh đỏ

Phim về đề tài chiến tranh cách mạng thường được làm từ nguồn ngân sách nhà nước. Điều ấy là hiển nhiên, bởi không có hãng phim tư nhân nào muốn đầu tư cho một dự án vừa tốn tiền, vừa đòi hỏi chuyên môn cao, vừa khó có khả năng thu hồi vốn. Những bộ phim hoành tráng, đại cảnh, phức tạp về kịch bản và dàn dựng, chứa đựng nhiều yếu tố kịch tính bất ngờ luôn là niềm mong ước của giới chuyên môn và khán giả yêu nghệ thuật thứ bảy.

Tuy nhiên, thực tế khi làm phim luôn có những khó khăn khách quan và chủ quan, như bày tỏ của đạo diễn Đặng Thái Huyền - Phó giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân: "Chúng ta nói rằng chúng ta không muốn đề cập nhiều tới bom rơi đạn nổ. Chúng ta nói rằng chúng ta muốn nói nhiều tới số phận con người. Tuy nhiên cách làm của chúng ta có tới hay không, các số phận nhân vật có đời hay không, có tiếp cận được với khán giả hay không? Chúng ta phải có một kịch bản đủ hấp dẫn đủ thuyết phục các nhà làm phim. Điều nữa là chúng ta phải có kinh phí đầu tư xứng đáng, đúng tầm với tác phẩm. Khi có những chất liệu, có kinh phí đủ, có khao khát tâm huyết của người làm nghề thì đấy mới là hứa hẹn có một bộ phim tử tế."

Không có đề tài cũ, chỉ có những cách làm cũ. Đề tài chiến tranh cách mạng là một đề tài lớn của điện ảnh, gắn với lịch sử, văn hóa dân tộc, từng đem lại vinh quang cho điện ảnh, cho nền nghệ thuật nước nhà. Một đề tài như thế cần phải được đầu tư, được quan tâm xứng đáng.

Feedback