Những người đi giữ biên cương

Nguyễn Vũ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Đây là tập văn thơ, kịch, tư liệu quý mang đậm chất sử thi về chiến tranh Biên giới phía Bắc.

Có một cuốn sách rất ý nghĩa mới ra đời với tên gọi Những người đi giữ biên cương. Sách dày gần 300 trang, với hơn 30 sáng tác, được tuyển chọn của hơn 20 tác giả, hầu hết là cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại Mặt trận Lạng Sơn gần 40 năm trước.

Những người đi giữ biên cương - ảnh 1

Trong cuộc Chiến tranh biên giới tháng 2/1979, Quân đoàn 5 (sau là Quân đoàn 14) đã cùng quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn lập thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Hàng năm vào dịp này, các cựu chiến binh Quân đoàn 14 - Mặt trận Lạng Sơn lại gặp nhau. Và trong một lần gặp như thế, các ông nảy ý tưởng làm một cuốn sách về những tháng ngày chiến đấu trên mặt trận biên giới phía Bắc.

Vậy là Đại tá Ngô Văn Học-nguyên Tổng biên tập báo Quân khu 1 được giao làm chủ biên cuốn sách: “Chúng tôi muốn nội dung của cuốn sách này là nó phải mang đúng cái hơi thở của thời khắc lịch sử cách đây 40 năm chứ không pha trộn, đan xen  cũ-mới. Bởi mục đích chúng tôi muôn trước hết là bạn đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu và nắm được trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của ông cha ta cách đây 40 năm; là không khí, khí thế và tinh thần lúc bấy giờ được phản ánh một cách đầy đủ trong cuốn sách

Cuốn sách kết cấu gồm 3 phần chính: phần thứ nhất là văn xuôi trong đó chủ yếu bút ký, tùy bút, truyện ký và truyện ngắn; phần thứ hai là thơ và phần thứ ba là kịch, ảnh, tư liệu. Một cuốn sách mang tính chất văn học, nội dung phong phú và đa dạng. Trong đó, nhóm tác giả xác định phần văn xuôi là phần cơ bản nhất, nhiều bút ký có chiều sâu mang đậm hơi thở cuộc chiến đấu cách đây 40 năm. Những sáng tác như có lửa trong đó, thể hiện tính chiến đấu, anh hùng dũng cảm của quân và dân ta. Như bút ký “Đường lên điểm chốt” của nhà văn Phùng Khắc Bắc, “Theo hướng súng nổ” của tác giả Hải Hà, “Dưới chân dốc” của nhà văn Tô Đức Chiêu, “Đồng Đăng với năm tháng và những chiến công” của tác giả Nguyễn Đức. Hay như “Biên giới” của nhà thơ Đặng Vương Hưng. Theo nhà thơ Đặng Vương Hưng, bút ký này anh đã viết ngay trong đêm đầu tiên có mặt tại thị xã Lạng Sơn, khi quân Trung Quốc đã rút lui.

Bút ký thể hiện tinh thần, hừng hực khí thế ra trận của những chàng trai trẻ tuổi mười tám đôi mươi: “Để truyền tải thông tin một cách dễ dàng và dễ dàng tiếp cận người đọc, chúng tôi chọn các tác phẩm đều sáng tác ở thời điểm năm 79…Với riêng tôi lúc hành quân lên biên giới tôi mới 21 tuổi…”

Các tác giả trong cuốn sách là những người đã từng mặc áo lính, có người còn sống nhưng cũng có người đã mất. Những người mất là những người trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ trước đó. Tư liệu bài viết của họ do nhóm tác giả cất công sưu tầm từ nhiều nguồn. Vì làm công tác tuyên huấn nên Đại tá Ngô Văn Học rất có kinh nghiệm trong việc lưu trữ tư liệu: “Chúng tôi có cách sưu tầm và lưu trữ riêng. Mỗi cựu chiến binh lại có cách riêng của mình, tất cả đều âm thầm cất giữ những tác phẩm, bài viết mà họ đã viết cách đây 40 năm…”

Đại tá Ngô Văn Học nhớ như in những bài thơ của các nhà thơ - cựu chiến binh. Ví như bài “Tìm về sư đoàn” của cựu chiến binh Tuấn Long với những câu thơ rất xúc động làm nổi bật hình ảnh người mẹ cao đẹp, biểu tượng chủ nghĩa anh hùng Cách mạng: “Tình đất nước vẫn ngọt ngào muôn thuở/Những bài thơ về bà mẹ anh hùng/Nhớ hôm nào mẹ Suốt chở ngang sông/Trai xứ Lạng vào miền Nam đánh Mỹ/Và hôm nay những chàng trai xứ Nghệ/Lại có mẹ người Tày dẫn dắt qua sông…”

Những người đi giữ biên cương  phản ánh một cách trung thực về hơi thở của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đã có hàng vạn người lính ra đi bảo vệ biên cương và không trở về. Và cuốn sách không chỉ tri ân những cựu chiến binh, những đồng đội đã ngã xuống trong 10 năm cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989) mà sâu xa hơn như chia sẻ của nhà thơ Đặng Vương Hưng là: “Để cho các bạn đọc trẻ và thế hệ sau nữa biết rằng vì lý do lịch sử mà có giai đoạn không được nhắc tới. Chúng ta nhắc lại không phải vì thù hằn hay kích động chiến tranh mà trả lại lịch sử, để cho các thế hệ bạn đọc biết có một cuộc chiến tranh như vậy; biết thế hệ cha anh đã ngã xuống. Bởi tình hình trong nước và thế lực thù địch vẫn còn những diễn biến rất phức tạp. Thế hệ trẻ sau này sẽ kế tục cha ông bảo vệ Tổ quốc…”

Quả là những trang sử sống động và có sức thuyết phục để giáo dục truyền thống “Anh bộ đội cụ Hồ” cho các thế hệ trẻ biết, hiểu và noi theo những tấm gương đã anh dũng hi sinh bảo vệ nền độc lập dân tộc, khơi dậy những trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước. Đại tá Ngô Văn Học thông tin, ngay khi tác phẩm ra mắt bạn đọc đã không đủ số lượng sách đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Vì thế NXB đã có kế hoạch in nối bản và bản thân nhóm tác giả cũng có những ý tưởng của riêng mình: “Những người đi giữ biên cương mang ý nghĩa không chỉ những người đi giữ biên cương trong 10 năm bảo vệ biên cương phía Bắc mà nó có thể đi ngược lại dòng lịch sử của thời đại, từ cách đây hàng nghìn năm ông cha ta đã đi giữ biên cương như vậy. Vì thế chúng tôi hy vọng cuốn sách này nó phát triển theo cái mạch nguồn của nó là những người đi giữ biên cương…”

Điều đó có nghĩa sau Những người đi giữ biên cương 1 tiếp theo, trong tương lai gần sẽ có Những người đi giữ biên cương 2 và 3.

Feedback