Những câu chuyện người Việt “Dưới tán hoa siren”: qua bao mùa thương khó xứ người

Thanh Giang
Chia sẻ
(VOV5) - "Nguyễn Đình Lâm đã mang cả một không gian rộng lớn của nước Nga, cả cộng đồng người Việt, mang biết bao nhiêu số phận đặt vào trong câu chuyện ngắn của mình..."

Nghe âm thanh bài tại đây:

 

“Dưới tán hoa siren” – tập truyện ngắn của Nguyễn Đình Lâm, một tác giả trưởng thành từ đời sống văn học của cộng đồng người Việt trên đất Nga, vừa ra mắt bạn đọc trong nước, do NXB Hội nhà văn ấn hành.

Cùng thế hệ những tác giả như nhà thơ Nguyễn Đình Chiến, nhà thơ Châu Hồng Thủy, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, nhà thơ Trần Hậu, dịch giả Nguyễn Kim Hiền…; nhà văn Nguyễn Đình Lâm - trong đội ngũ những người cầm bút Việt trên đất Nga - trải tiếng lòng của những phận đời tha hương, giữa tuyết trắng tuyệt đẹp nhưng cũng cùng cực lạnh lẽo xứ người.
Sức thu hút của những câu chuyện, còn đến từ thân phận người kể chuyện đặc biệt của tác giả.
Những câu chuyện người Việt “Dưới tán hoa siren”: qua bao mùa thương khó xứ người - ảnh 1Một góc khán phòng buổi ra mắt sách.

“Dưới tán hoa siren” khác biệt so với các tác phẩm từng xuất bản của Nguyễn Đình Lâm trước đó như tập truyện ngắn đầu tay “Con kiến tật nguyền”  (2004), tập truyện ngắn “Tình yêu hàng chợ” (2005), tiểu thuyết “Mong manh xứ bạch dương” (tiểu thuyết, 2009).

16 truyện ngắn của “Dưới tán hoa siren”, có một nhân vật xuyên suốt, là Tâm. Nhân vật được kể ở ngôi thứ hai, nhưng không giấu bóng dáng của chính người kể chuyện: Tiến sĩ sử học, nhà văn Nguyễn Đình Lâm quê Nam Đàn, Nghệ An, từng trải qua cuộc sống nhiều thăng trầm trong hơn 20 năm trên đất Nga.
Những câu chuyện người Việt “Dưới tán hoa siren”: qua bao mùa thương khó xứ người - ảnh 2

Như TS ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng (người Việt ở LB Nga) chia sẻ: "Có một nước Nga những năm tháng biến động, số phận người Việt tạm cư dập dềnh, chìm nổi, thiên đường cao vòi vọi, địa ngục sâu thăm thẳm chỉ trong gang tấc.

Và Nguyễn Đình Lâm viết về quá trình đó. Bởi vì anh là người từng trải. Từ chạy đường dài buôn bán, rồi tổ chức (là Tổng giám đốc - p/v) một Trung tâm thương mại lớn nhất nhì Matxcova thời kỳ đó, rồi đi vào cả võ thuật và văn chương...

Hình bóng tự sự, nhân vật trong Dưới tán hoa siren, là nhân vật Tâm – nhân vật có mặt trong tất cả các truyện ngắn, nên muốn biết tiểu sử ngắn gọn của Nguyễn Đình Lâm, hãy đọc cuốn sách này. Qua nhân vật Tâm, là gương mặt của anh Nguyễn Đình Lâm, đã trải qua những thăng trầm với đời sống cộng đồng cùng những trăn trở trong đó."

Có lẽ, điểm thu hút chính của tập truyện cũng ở điều này. Nguyễn Đình Lâm đã và sẽ có độc giả cho những câu chuyện của mình - câu chuyện của một người từng trải, đã đi qua, đã trải nghiệm, đã đau, và kể lại. Và vẫn yêu thương.

Bởi đặc biệt, trong mỗi câu chuyện, được kể bằng giọng kể chân thật này, xuyên suốt cái không khí lạnh lẽo của cuộc mưu sinh khắc nghiệt nơi xứ lạ ấy, người đọc vẫn cảm nhận thấy sự ấm áp từ trái tim tác giả.

PGS TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng: “Đọc truyện ngắn Nguyễn Đình Lâm, người ta sẽ thấy mình yêu thương nhiều hơn bạn bè mình, đồng bào mình, đồng hương mình, những người đồng cảnh ngộ... Trong văn học, để phản ánh cuộc sống con người, nếu chọn được lối văn học chạm tới được niềm hạnh phúc cũng tốt, nhưng đặc biệt là chạm tới những cực nhọc, vất vả, cơ hàn... Nguyễn Đình Lâm đã chú ý tới những điều đó. Như vậy, giá trị tác phẩm nhiều khi không chỉ là thi pháp, phương pháp sáng tác, mà giá trị ở sự chân thực.”
Những câu chuyện người Việt “Dưới tán hoa siren”: qua bao mùa thương khó xứ người - ảnh 3Tác giả Nguyễn Đình Lâm tại buổi ra mắt sách - Ảnh: BTC

Với văn chương, có những tác phẩm câu chữ mới là thứ làm nên hồn cốt, sức hấp dẫn, sức sống và độ lâu bền cho sự tồn tại. Nhưng cũng có những tác phẩm, sức sống của nó với bạn đọc, chính là hiện thực ngồn ngộn của người trong cuộc.

"Đây là cuốn sách có ý nghĩa đặc biệt với tôi, vì khác biệt với những cuốn khác đã viết, trong tập này, mỗi một truyện ngắn đều gắn với những kỷ niệm của tôi và bạn bè." - Rất kiệm lời, Nguyễn Đình Lâm tâm sự như vậy, khi chỉ tên từng nhân vật trong các truyện ngắn của anh, là những người bạn, người em ngoài đời, đang có mặt tại chính khán phòng ra mắt cuốn sách. Khán giả cười òa, nhưng nhiều người trong số họ, khi đọc tác phẩm, đã có những khoảnh khắc nghẹn lại.

Như nhà văn - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cảm nhận: Từ những nhân vật có thật, nhưng qua truyện ngắn Nguyễn Đình Lâm, đã khiến người đọc nhìn thấy những người  thân quen ấy, "trong một góc nhìn khác, có thể một đau khổ khác, một ánh sáng khác…Ông là tất cả những nhân vật đó. Và bên ngoài những nhân vật đó. Vì ông đi qua thế giới con người ấy, ông nhìn ngắm họ, hiểu họ, yêu thương họ, suy ngẫm về họ…

Nguyễn Đình Lâm đã mang cả một không gian rộng lớn của nước Nga, cả cộng đồng người Việt, mang biết bao nhiêu số phận đặt vào trong câu chuyện ngắn ngủi của mình, nhưng từ câu chuyện ngắn ngủi ấy lại tuôn trào, trùm phủ lên đời sống này, để chúng ta nhìn thấy thế gian này, nhìn thấy số phận của nhân loại này, và nhìn thấy chúng ta ở trong đó. Đấy chính là điều văn học làm được. Đấy chính là điều nhà văn Nguyễn Đình Lâm đã làm được bằng những tác phẩm của mình.”

Feedback