Từ 21 đến 27/10, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921 – 2021), tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Điểm nhấn của chương trình lễ kỷ niệm diễn ra ngày 21/10, là ngày vở kịch “Chén thuốc độc” của cố tác giả Vũ Đình Long ra mắt khán giả Hà Nội vào năm 1921 tại Nhà hát Lớn, trở thành vở diễn khởi đầu cho sân khấu kịch nói Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Vở kịch “Chén thuốc độc” được dàn dưng lại được công diễn trong Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam. Vai thầy Thông Thư (đứng) do diễn viên Mai Nguyên đảm nhiệm - Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam |
Theo TS Nguyễn Thị Minh Thái, người đã từng được đào tạo ở Học viện sân khấu, âm nhạc và kịch nghệ ở Saint Petersbourg, LB Nga, thì: "trước khi có kịch nói ở Việt Nam với ngày khai sinh là ngày diễn vở Chén thuốc độc, Việt Nam đã có một nền sân khấu truyền thống tử tế, có gốc folklore từ diễn và xướng ở lễ hội, được chuyên nghiệp hóa thành chèo cổ, rồi thành tuồng cổ, một phần di chuyển từ đờn ca tài tử lên sân khấu cải lương.
"Một trong những sân khấu kỳ diệu nhất chính là rối nước, đi biểu diễn ở Tây Âu từ 1984, gây hết bất ngờ này đến bất ngờ khác ở phương Tây, người xem cho rằng đó là linh hồn đồng ruộng Việt Nam: "Nguyễn Văn Vĩnh chính là người đầu tiên chiếu một cái nhìn vào văn hóa Pháp và lấy từ đó một cảm quan về việc xây dựng nền kịch Việt Nam bằng thể loại kịch của phương Tây. Ông sang Marseille năm 1906, tới nhà hát xem và vô cùng ấn tượng vì sao có một thể loại hay như thế mà Việt Nam chưa có."
Nguyễn Văn Vĩnh đã viết thư cho nhà văn Phạm Duy Tốn - cha của nhạc sĩ Phạm Duy - kể về cảm giác này. Khi về, ông biết rằng muốn dựng một vở kịch thì khâu đầu tiên phải bắt đầu bằng kịch bản sân khấu, sau đó đến đạo diễn, rồi tới các diễn viên đóng vai kịch và cuối cùng là công chúng thưởng thức vở kịch. Ông bắt tay ngay vào việc dịch các tác phẩm sân khấu kinh điển của Pháp sang tiếng Việt.
"Từ 1913-1917, Nguyễn Văn Vĩnh, chủ bút tờ Đông Dương tạp chí dịch một chùm hài kịch của Molière, Trưởng giả học làm sang tới Người bệnh tưởng và Người biển lận đăng liền kỳ trên tạp chí này với mục đích truyền bá văn hóa mẫu quốc cho xứ Đông Dương thuộc địa. Nhưng nếu chỉ đọc kịch thôi thì chưa làm nên sân khấu kịch. Vở kịch được công diễn đầu tiên nhân ngày thành lập hội Khai trí tiến đức, ngày 26-4-1920 tại Nhà hát lớn TP Hà Nội, do một cặp vợ chồng người Pháp dàn dựng, cùng các công chức giáo viên y sĩ người Việt theo Tây học, tất nhiên là được diễn bằng tiếng Việt, bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh. Sự xuất hiện của vở diễn này tại Hà Nội làm báo giới Việt và Pháp rất kinh ngạc. Sau đó, hội Khai trí tiến đức tiếp tục dựng và diễn Trưởng giả học làm sang và Người biển lận khiến cho lòng sùng bái văn hóa Pháp về mặt kịch nghệ gia tăng trong trí thức Việt, nhất là công chúng trẻ tuổi vốn rất thích cái mới."
Ngày nay, kịch nói vẫn là một trong số hình thức nghệ thuật trình diễn cuốn hút công chúng nhất vì nó có hình thái gần với đời thực chứ không xa vời hoặc mã hóa ước lệ nhiều như sân khấu truyền thống. Còn đối với ngày đó, điều gì đã diễn ra?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cho biết : "Những người làm sân khấu Việt Nam suy nghĩ rằng tại sao có một loại hình sân khấu kỳ diệu như vậy mà mình không bắt chước. Họ còn bàng hoàng nhận thấy là khả năng diễn tả hiện thực xã hội và khả năng cứu chữa xã hội của kịch, vì buộc người ta phải chọn giã từ vũ khí bằng chính tiếng cười. Hài kịch Pháp, với tiếng cười thông tuệ của Molière, rất được người Việt Nam lúc đó ưa chuộng. Tuy nhiên, chính vì thế mà sĩ diện dân tộc nảy sinh. Người Việt Nam lúc đó muốn có một sân khấu của mình, viết bằng tiếng Việt, do người Việt viết, do người Việt dựng, do người Việt diễn, cho người Việt xem. Bốn yếu tố đó có là sân khấu kịch nói Việt bắt đầu hình thành. Ngày sinh nhật của nó chính là ngày ra đời Chén thuốc độc của Vũ Đình Long."
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, đạo diễn Thế Lữ từng thuật lại hồi đó công chúng chưa bao giờ bỏ tiền ra để xem kịch, vì kịch chưa thành một tác phẩm nghệ thuật đến mức người ta phải bỏ tiền. "Dưới vé đều ghi: Hôm nay diễn để cứu cho việc lũ lụt ở Hà Nội, hoặc cho những người khiếm thị, không nhà không cửa. Những nhà nghiên cứu về sân khấu đều phải công nhận là quá trình này đều do những người Việt Nam có tư tưởng tự ái dân tộc, biết tiếp thu văn hóa phương Tây để tích hợp lại, dù chỉ qua một cử chỉ rất bé nhỏ.
Chính vì thế, tờ Thực nghiệp dân báo thời ấy mơ đến một sân khấu Việt diễn những vở hài kịch theo lối thái Tây, nghĩa là theo lối kịch Pháp, để bổ ích cho nhân tâm và phong tục nước nhà. Tuy nhiên, tất cả những người Việt theo Tây học và thông minh lúc bấy giờ đều hiểu là muốn diễn kịch theo lối thái Tây thì phải học viết kịch theo lối thái Tây đã, vì không có tích thì không dịch nên trò. Kịch bản mới là cánh cửa đầu tiên để dẫn đến vở diễn. Người đầu tiên thành công là Vũ Đình Long với Chén thuốc độc. Vở của ông đăng trên tạp chí Hữu Thanh, gồm 3 hồi, lấy đề tài từ xã hội Việt Nam thời đó, với ý thức rất quan trọng là cảnh tỉnh những vấn đề về xã hội trong những nét hay và tật xấu ở đời.
Chính vì vậy, những vấn đề xã hội Việt Nam đương thời do người Việt dàn dựng biểu diễn và cho người Việt xem đã được hội tụ vào ngày 22/10/1921 khi vở kịch Chén thuốc độc trình diễn lần đầu trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội. Chỉ có điều sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội không phải là để diễn kịch Việt Nam. Chỉ có người Pháp mới được vào Nhà hát lớn Hà Nội, sau đó là những người vào làng Pháp, có tên Pháp. Chính vì vậy, việc diễn vở kịch này là dấu ấn văn hóa đầu tiên."
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cũng cho biết : Các sự kiện này đã kéo theo một chuỗi các sáng tạo khác, trong đó có một khâu quan trọng mà bị ách tắc là đạo diễn. Ở nước ngoài, đạo diễn phải học hành chính quy. Hồi bấy giờ, tất cả những người mong muốn có nền kịch Việt Nam đều tự học. Họ đều tự gọi mình là ô tô đi đất (autodidacte). Người tự học về nghề đạo diễn đầu tiên, khiến nghề này mang tinh thần tài tử trong suốt nửa đầu thế kỷ 20 chính là thi sĩ Thế Lữ, thân sinh đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Nếu không có đạo diễn thì không có sân khấu kịch nói thế kỷ 20. Vì tự học nên Thế Lữ chỉ dám gọi mình là nhà dàn cảnh. Tình hình đó kéo dài tới năm 1945.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định, nếu không có việc đào tạo đạo diễn chuyên nghiệp Việt Nam ở nước ngoài như Trung Quốc, Liên Xô, các nước Đông Âu, thì Việt Nam không có một nền sân khấu phát triển như bây giờ. Thế hệ đạo diễn đầu tiên (Nguyễn Đình Nghi, Trần Hoạt…) học kịch nghệ không phải ở phương Tây, mà là ở Trung Quốc, theo hệ thống kịch Stanislavki của Liên Xô. "Về sau, chính phủ cử thẳng tất cả những người đó sang Liên Xô hoặc sang Đức học. Nguyễn Đình Nghi tiếp tục sang Liên Xô học Stanislavki và làm một luận án về Từ sân khấu cổ truyền Việt Nam đến Stanislavki và sự trưởng thành của nghề đạo diễn ở Việt Nam. Sau đó tôi cũng lấy một nhánh từ đó làm luận án tiến sĩ ở học viện đó."
Và một dấu mốc phát triển sau đó của sân khấu kịch nói Việt Nam hiện đại, được dịch giả Dương Tường thuở sinh thời thuật lại: Năm 1998, giáo sư Laurent Browning, giáo sư chuyên dạy về sân khấu và nhất là chuyên về Secxpia ở ĐH Pacific thăm Việt Nam và nghiên cứu về kịch Secxpia đến Việt Nam như thế nào. Bà đến gặp Dương Tường vì ông là dịch giả đã dịch nhiều tác phẩm của Secxpia. Ông đã đưa bà giáo sư đến gặp đạo diễn Nguyễn Đình Nghi và nghệ sĩ Trọng Khôi, lúc đó là Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam. Cuộc gặp gỡ đó mở đầu cho chương trình trao đổi Sân khấu Việt Mỹ, một chương trình mở ra những bước ngoặt mới trong biểu diễn sân khấu kịch hiện đại Việt Nam./.