Những bài hát lừng lẫy về chiến thắng sông Lô trong tân nhạc Việt Nam

Nhà văn Nguyễn Trương Quý
Chia sẻ
(VOV5) - Chiến thắng Sông Lô trở thành chủ đề của nhiều bài hát, trong đó nổi bật là trường ca của Văn Cao, bên cạnh những bài khác...
Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Hải Yến:
 

Sông Lô! Sóng ngàn Việt Bắc, bãi dài ngô lau núi rừng âm u

Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc, chìm một màu khói thu

Sông Lô! Sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa, đã tàn thôn trang

Ai qua bến nắng hồng, lặng nhìn màu nước sông Lô xưa…

Chiến thắng sông Lô vào cuối tháng 11-1947 là một sự kiện đã đi vào lịch sử quân sự Việt Nam như một chiến công đầu tiên có tiếng vang, được kích đại trên truyền thông nhân dân, gây cảm hứng lớn cho các nhạc sĩ Việt Nam thời đầu kháng chiến chống Pháp.

Năm 1948 có thể nói là một năm thành công của âm nhạc kháng chiến. Các tác phẩm được ra đời bằng cảm hứng sôi nổi có phần bồng bột trước cuộc kháng chiến chưa bộc lộ hết những khó khăn, cũng như tư duy tìm tòi hình thức biểu đạt mới có sự liên thông với các ngành khác, chẳng hạn cuộc tranh luận thơ không vần của Nguyễn Đình Thi hay hội họa của Nguyễn Đỗ Cung. Những ca khúc dài hơn được gọi là trường ca cũng ra đời, tạo ra những dấu ấn như Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Sông Lô (Văn Cao), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận). Những bài hát dân ca kháng chiến của Phạm Duy gợi ý cho các nhạc sĩ khai thác đề tài nông thôn và lao động trên đồng ruộng, trong đó có Văn Chung, nhạc sĩ của các bài hát lãng mạn đầu tiên, giờ đây trở thành nhạc sĩ đề tài nông dân.
Những bài hát lừng lẫy về chiến thắng sông Lô trong tân nhạc Việt Nam - ảnh 1

Một trong những công tác quan trọng của các đoàn văn nghệ sĩ theo chân các chiến dịch là cổ động cho các chiến thắng. Chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947 đã đánh dấu sự thất bại chiến lược đầu tiên của Pháp khi bộ đội đánh chìm một số tàu chiến của mũi tấn công phía Nam của quân Pháp trên sông Lô. Trận phục kích kéo dài 6 ngày đã được ghi vào các biên niên sử Việt Nam với tên gọi Chiến thắng Sông Lô và trở thành chủ đề của nhiều bài hát, trong đó nổi bật là trường ca của Văn Cao, bên cạnh những bài khác như Tiếng hát trên sông Lô của Phạm Duy hay Đoàn quân sông Lô của Lưu Hữu Phước.

Bài trường ca của Văn Cao đem lại một thẩm mỹ về diễn tả vẻ đẹp trữ tình trong khuôn khổ một bản tráng ca, mở đầu cho một phong cách đặc trưng mới, song vẫn đi từ cách diễn tả bối cảnh sở trường của nhạc sĩ – đôi nét gợi lại những bản nhạc vũ hội châu Âu:

Sông Lô! Sóng ngàn Việt Bắc, bãi dài ngô lau núi rừng âm u

Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc, chìm một màu khói thu

Sông Lô! Sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa, đã tàn thôn trang

Ai qua bến nắng hồng, lặng nhìn màu nước sông Lô xưa…

Sông Lô dường như được Văn Cao khởi thảo tại quán cà phê mở cùng người vợ mới cưới tại Chợ Me (Tam Dương, Vĩnh Phúc) mùa thu 1947, sau đó là những địa danh thuộc huyện Lập Thạch cùng tĩnh Vĩnh Phúc hay Đoan Hùng (Phú Thọ).

Trong tạp chí Văn nghệ số 3, tháng 6-7 năm 1948, trong bài “Những bài hát sông Lô”, Lưu Hữu Phước đã dành một phần lớn để nhận xét trường ca Sông Lô của Văn Cao. Đối với bản nhạc được Phạm Duy đánh giá là đánh dấu sự trưởng thành của tân nhạc Việt Nam, Lưu Hữu Phước không quá rộng lượng đối với sáng tác của tác giả Quốc ca khi cho rằng có nhiều ảnh hưởng ngoại lai: "Bài Sông Lô của Văn Cao có nhiều nét nhạc điêu luyện, nhưng có lẽ quá điêu luyện, nên thính giả cảm giác rằng nhạc hứng thiếu thành thật. Thính giả tưởng tượng - có lẽ lầm - rằng nhạc sĩ không tìm nhạc hứng ở ngay sông Lô, ngay cạnh các xác tầu chiến ngay sau các ụ đất nấp của đoàn pháo binh, mà lại tìm ở gương sáng tác của các nhạc sĩ ngoại quốc như J. Strauss [tác giả bản valse Trên dòng Danube xinh đẹp], thành nhạc phẩm mất cá tính của nó. Dù có nét nhạc Việt Nam, dù có kỹ thuật khéo, bài Sông Lô của Văn Cao vẫn khêu gợi trong óc thính giả những câu nhạc, hình ảnh và cảm giác cũ, có lẽ đã nghe thấy rồi trong kèn hát hay trước màn bạc, và nếu quên chú ý, người ta cơ hồ quên hẳn là đang nghe một bản nhạc vừa mới sáng tác và do một người Việt Nam mới sáng tác" .

Đây có lẽ là một nhận xét có phần khắt khe dành cho tác phẩm gây được ảnh hưởng bậc nhất trong dòng ca khúc cách mạng. Thực tế thì những bài hát kháng chiến với sự đa dạng đề tài và phong cách, đan xen cảm hứng sử thi và lãng mạn, được quần chúng ở cả vùng hậu phương lẫn tạm chiếm yêu thích.

Những bài hát lừng lẫy về chiến thắng sông Lô trong tân nhạc Việt Nam - ảnh 2Nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh tư liệu

Văn Cao có đáp lại ý kiến phê bình bài trường ca của mình như sau: "... Sau này tôi hoạt động cách mạng, thấy cần phải làm những bài hùng ca, do chính mình hay đoàn thể thúc đẩy. Nhưng tôi không tìm được một cung bực nào hùng được.

Muốn cho bài ca có nội dung khỏe, tôi phải dùng chữ, rồi do chữ mà phổ nhạc. Dần dần tôi đi đến cái quan niệm là xếp đặt nhịp cho vui nhanh để cho nhạc hợp với nhu cầu đời sống mới.

Đấy là trường hợp bản nhạc Sông Lô, trong đó tôi có tìm tòi. Có một số anh em nhạc sĩ kêu nó là ngoại lai. Tôi cũng biết vậy, nhưng sự thật thì tôi chẳng phỏng theo một bản nhạc ngoại quốc nào. Tôi cố làm cho đường nhạc hình dung được dòng sông Lô và quang cảnh sông Lô. Vô tình tôi đã dùng gam Ré Sol La Ré, khiến anh em cho là rập theo một bản nhạc ngoại quốc, kỳ thực nó không thiếu trong những điệu ca Huế mà tôi đã dùng trong Trương Chi" (Trong bài Tranh luận về nhạc”, Văn nghệ số Hội nghị tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc, 1949: trang 77-78).

Một số bài hát khác cùng chủ đề chiến thắng sông Lô có “Sông Lô giết thù” của Nguyễn Mộng Ngọc, “Sông Lô” của Dương Minh Ninh, “Bình ca” và “Chiến sĩ Sông Lô” của Nguyễn Đình Phúc, “Đoàn quân Sông Lô” của Lưu Hữu Phước, “Chiến sĩ Sông Lô” của Bích Sơn, “Chiến thắng Sông Lô” của Thanh Tịnh, và “Lô Giang” của Lương Ngọc Trác.

Về bài hát Tiếng hát trên sông Lô của Phạm Duy, đây là một trong số những bài "dân ca kháng chiến" của ông. Bài hát được đặt trong bối cảnh yên lặng, những người ngư phủ hát trong hòa bình có được do những người lính đã chôn vùi hai nghìn quân Pháp. Bài hát được viết ở thể ba đoạn, với sự tương phản giữa các phần. Đoạn một có các quãng rộng và nhịp của điệu hò trong dân ca cổ truyền. Đoạn hai theo thể tự do hơn, láy lại ca dao. Đoạn cuối trở lại bằng một tiết điệu giống với dân ca quan họ.

Trên nước sông Lô, thuyền tôi buông lái như xưa

Sau lúc phong ba, thuyền tôi qua bến qua bờ

Ai nhớ sông Lô, giặc lên ăn cướp dân ta

Tôi nhớ sông Lô, ngày qua chôn xác quân thù

Khoan hỡi khoan hò hò khoan

Hỡi cô con gái, giặt yếm bên bờ

Thuyền tôi đậu bến sông Lô

Nửa đêm nghe tiếng quân thù... thở than

Than rằng:

Khoan hỡi hò khoan

Hôm nào chiến sĩ Việt Nam

Trên dòng sông mênh mang

Súng thần công vang vang

Sông mờ hoen máu thực dân

Hai nghìn quân Pháp vùi thân

Oai hùng thay Lô Giang

Khi về thành năm 1951, Phạm Duy đã đặt lại lời cho bài hát này và đôi khi lấy tên là Tiếng hát trên sông, với những ý đã thay đổi hẳn về nghĩa:

Hỡi ai đi kiếm hạnh phúc trên đời

Mà chưa tìm thấy yên vui

Lặng nghe tôi gửi mấy lời gió trăng.

Ca rằng khoan hỡi hò khoan

Yêu đời sóng gió lầm than

Trên dòng sông mênh mang

Riêng mình ta thênh thang...

Những bài hát về sông Lô, đặc biệt là trường ca của Văn Cao đã trở thành một tác phẩm kinh điển của tân nhạc Việt Nam và thành tiết mục thử sức của các giọng ca có âm hưởng thính phòng từ Bắc chí Nam và cả những giọng ca hải ngoại khi tìm kiếm thể hiện một âm hưởng hào hùng lãng mạn của thời đầu kháng chiến chống Pháp.

Feedback