Nghe âm thanh bài taijd dây qua giọng đọc Anh Thư:
Nhà thơ Trần Hoài Dương thuở sinh thời - Ảnh: Vietnam+ |
Bầy chim trắng vẫn thường qua
Theo những vụn bánh cha thả trên sân
Từng chậu hoa như bạn thân
Yên lắng cùng cha đêm mùa xuân
Từng trang sách cha lần qua
Đưa con chạm đến bao vương quốc xa
Những câu chuyện theo con suốt đời
Kể những giấc mơ bắt đầu từ những ô cửa xanh…
Mỗi lần nghe bài hát “Những ô cửa xanh”, tôi lại nhớ đến ông - người của Miền xanh thẳm. Từng lời ca như cuốn phim quay chậm, lúc rõ ràng khi mờ ảo ảnh hình một ngôi nhà nhỏ bừa bộn sách, khoảng sân xanh màu cây lá, ô cửa màu xanh, cánh chim bồ câu sà xuống, và nhà văn Trần Hoài Dương với dáng vẻ lặng lẽ, ánh mắt lắng sâu niềm tâm sự. Tác giả bài hát “Những ô cửa xanh” là nhạc sỹ Trần Lê Quỳnh, con trai ông.
Còn nhớ, cuối năm 2010, khi Trần Hoài Dương ra Hà Nội, ông tặng tôi đĩa CD “Trẻ mãi”, ca sỹ Đức Tuấn hát nhạc Trần Lê Quỳnh. Thời điểm ấy, Đức Tuấn còn trẻ lắm, và Quỳnh của ông cũng còn rất trẻ. Ông nói: “Tuấn thích nhạc Quỳnh lắm, muốn làm một album riêng”. Ông nắn nót ghi trên vỏ đĩa dòng chữ: “Thay mặt Quỳnh, tặng Thư”. Nét chữ chân phương, rõ ràng, mềm mại.
***
Trước khi gặp nhà văn Trần Hoài Dương ngoài đời, tôi đã được đọc, được nghe tác phẩm của ông trong chương trình Văn nghệ thiếu nhi Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi trở thành biên tập viên của Đài, tôi lại biên tập truyện ngắn, truyện dài của ông, viết lời giới thiệu trò chuyện cùng thính giả nhỏ. Văn xuôi của ông đẹp đẽ, tinh tế. Đọc bằng mắt hay nghe qua tai đều hợp, nhẹ nhàng, ấm áp. Những “Em bé và bông hồng”, “Bé rơm”, “Áng mây”, “Cô bé mảnh khảnh”… và đặc biệt rung động là “Miền xanh thẳm”.
Những trang sách đã đưa tôi đến gặp ông. Và nghe ông kể chuyện.
Ông kể về Quỳnh – cậu con trai độc nhất. Chuyện Quỳnh học piano từ nhỏ. Chuyện Quỳnh đi du học và ở lại nước Anh làm việc. Chuyện Quỳnh cưới vợ, sinh con. Chuyện Quỳnh đón ông sang Anh. Chuyện Quỳnh dặn ông không được tiết kiệm quá, phải giữ gìn sức khỏe và sinh hoạt điều độ. “Mỗi tháng Quỳnh đều gửi tiền về. Chú dặn không cần gửi nhiều, vì chú có cần mua sắm gì đâu, nhưng đưa nhiều thì cũng tiêu hết”. “Quỳnh muốn đón chú sang hẳn nhưng chú muốn ở lại Việt Nam, thi thoảng qua chơi thôi”…
“Quỳnh”. Luôn là Quỳnh hiện hữu trong câu chuyện của ông, trong nỗi nhớ của ông, ở hiện tại và cả những dự cảm tương lai. Quỳnh không chỉ là đứa con mà ông dồn tất cả thương yêu hy vọng. Quỳnh còn là một người bạn tri kỷ. Quỳnh là báu vật ông có được trên cõi đời này.
Vậy nên, những câu chuyện về Quỳnh của ông cứ giản dị như thế, thủ thỉ như thế, chẳng bao giờ hết. Và cũng qua ông, tôi hình dung về tác giả ca khúc “Chân tình” mà thời sinh viên lũ bạn tôi đứa nào cũng nghêu ngao hát. Hẳn anh thư sinh, trắng trẻo và dịu dàng như con gái. Ông cho tôi xem tập ảnh gia đình nhỏ của Quỳnh. Ảnh chân dung người thanh niên có gương mặt sáng, nụ cười tươi, đặc biệt là đôi mắt tinh anh. Ảnh Quỳnh mặc comple đứng cạnh cô dâu. Ảnh vợ chồng Quỳnh bên con trai nhỏ. Tất cả đều rạng rỡ. Những tấm ảnh ông luôn mang theo bên mình, mang từ Nam ra Bắc.
Ở tuổi xế chiều, bất cứ người làm cha làm mẹ nào cũng thích kể chuyện con cái. Ông không là ngoại lệ. Huống chi đứa con ấy lại hiểu chuyện, thành đạt và hiếu thảo. Ông không kể về Quỳnh để phô trương. Ông kể về Quỳnh với một tình yêu lớn. Và tình yêu đôi khi đi cùng với nỗi đau.
Nỗi đau về một cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Không trọn vẹn không phải vì người ta hết yêu nhau, mà chỉ vì không thể ở cùng nhau. “Đến giờ cô ấy cũng chưa lấy ai”. “Cô ấy” là vợ cũ của Trần Hoài Dương, người phụ nữ mà theo lời kể của ông rất xinh đẹp, giỏi giang, tháo vát. “Cô ấy gốc Hoa, nhà ở phố cổ”. Hai người lấy nhau, sinh Quỳnh ở ngoài Hà Nội, một thời gian sau chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh. Ông làm biên tập ở Nhà xuất bản Trẻ, sau đó nghỉ hưu. Khi cha mẹ ly hôn, Quỳnh sống với mẹ nhưng vẫn gần gụi thân thiết với cha. Tình yêu văn chương nghệ thuật từ ông đã gieo mầm nơi con trai.
“Sau ly hôn, chú có thêm một mối tình. Trải nghiệm ấy giúp chú hiểu hơn về tình yêu”. Giọng nói và ánh mắt ông như trẻ lại. Tình yêu và hôn nhân luôn mang đến và lấy đi của con người ta nhiều cảm xúc. Dù không thể đi cùng nhau tới cuối con đường, nhưng ông luôn dành lời ấm áp khi nhắc đến những người phụ nữ đã gắn bó với mình. Yêu không phải là chiếm hữu. Yêu là cầu mong cho người mình yêu được hạnh phúc, dẫu có thể nhận riêng về mình những nỗi buồn. Nỗi buồn ấy ông nén thật kỹ thật sâu, song đôi khi vẫn không khỏi chạnh lòng trước mảnh cô đơn hun hút đang chạy dài trước mắt.
***
Thuộc thế hệ thanh thiếu niên đầu tiên của thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc sau 1954, Trần Hoài Dương đã trải qua thời thơ ấu nhiều nỗi buồn cũng như không ít niềm vui hạnh phúc. Điều này đã được ông tái hiện phần nào trong “Miền xanh thẳm” – cuốn truyện dài mang dáng dấp tự truyện, từng được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001, được NXB Kim Đồng tái bản nhiều lần.
Cậu bé Thiện – nhân vật chính trong tác phẩm sinh ra trong một gia đình gia thế ở Hải Dương. Kháng chiến Toàn quốc bùng nổ. Hòa trong dòng người tản cư, Thiện và các anh chị cùng cha mẹ nay đây mai đó. Rồi người mẹ rất mực hiền dịu qua đời vì bệnh hậu sản. Khi ấy Thiện 7 tuổi. 7 tuổi chưa ý thức được đầy đủ nỗi đau mất mẹ, nhưng qua thời gian nỗi đau ấy càng lớn lên đi cùng bao trống vắng.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, trở về Hà Nội, chứng kiến cảnh nhà sa sút nghèo túng, anh em mỗi người mỗi ngả, ở tuổi 13, Thiện cố nén nỗi buồn riêng, xin phép cha ngược lên thị xã Bắc Giang trọ học và kiếm việc làm thêm để đỡ gánh nặng cho gia đình. Đây là khoảng thời gian vô cùng khó khăn và cũng tràn đầy hạnh phúc, khoảng thời gian ngắn ngủi so với đời người mà lấp lánh đẹp tựa như cổ tích, là giấc mơ vẹn nguyên luôn làm se sắt trái tim.
“Miền xanh thẳm” là cuốn sách ưng ý nhất của nhà văn Trần Hoài Dương, được kết tinh lắng lọc qua năm tháng. Ở đó đầy ắp nhớ thương mà chỉ cần chạm nhẹ thì tất cả ký ức sẽ trở về, rung lên khắc khoải. Có thể gặp trong cuốn sách rất nhiều áng văn mang vẻ đẹp quyến rũ, ngọt ngào mà dịu dàng, giản dị. Ấy là bởi tác giả của nó là người rất yêu tiếng Việt, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp và cả đời sống thiện. Và dù ngay cả những lúc vui nhất, thì những trang văn của ông giống như tâm hồn cậu bé Thiện vẫn chống chếnh nỗi buồn
Cũng phải thôi. Bởi thể chất Thiện vốn yếu hơn các bạn cùng trang lứa, tâm hồn lại nhạy cảm hướng nội. Trong khi đó, những biến cố của thời đại và của gia đình lại vô cùng dữ dội, khắc nghiệt. Để vượt qua được không chỉ nhờ vào nghị lực của bản thân, tình ruột thịt, tình thầy trò, tình bạn bè mà còn nhờ vào những trang sách. Những trang sách về Paven Coosaghin, về cậu bé Aliosa nghèo khổ cùng niềm khao khát được trở thành nhà văn đã nâng đỡ tâm hồn người thiếu niên mang tên một loài hoa luôn hướng về phía mặt trời: “Ngày còn sống, một lần bố tôi kể tên tôi là do chính mẹ tôi đặt. Thường thì tên các anh chị tôi do bố tôi đặt cho. Riêng tên tôi, mẹ tôi giành đặt lấy… Mẹ tôi rất yêu hoa, thích hoa hồng, đặc biệt là hoa quỳ, tức hoa hướng dương. Chắc mẹ mong mỏi con trai mẹ cũng giống như loài hoa ấy, lúc nào cũng hướng về phía mặt trời, hướng về phía ánh sáng, phía ngay thẳng, chính trực, phía của cái đẹp, hướng thiện…” (Trích Miền xanh thẳm).
Trần Hoài Dương đã không phụ lòng mong mỏi của mẹ, nỗ lực học tập, trở thành biên tập viên của Tạp chí Cộng Sản – một vị trí việc làm hứa hẹn nhiều thăng tiến ở thời điểm đó. Vì niềm đam mê văn chương, ông chuyển sang Tuần báo Văn Nghệ, làm biên tập rồi Trưởng Ban Sáng tác. Ông hướng trọn ngòi bút của mình vào những trang viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi.
Trẻ em là đối tượng thẩm mỹ trong văn Trần Hoài Dương, là hình tượng, là biểu tượng của cái Đẹp. Nếu nhìn ở góc độ này sẽ nhận thấy ông không chỉ viết về thiếu nhi mà chính là viết về cái Đẹp. Những câu chuyện dành cho trẻ em là lớp vỏ để nhà văn bộc lộ điểm nhìn về cuộc sống, về nhân sinh. Trong tác phẩm của ông không có trẻ em xấu, trẻ em hư, mặc dù ông đã từng đi thực tế mấy tháng trời ở trường Giáo dưỡng. Không phải vì ông quá lãng mạn, mà vì ông luôn nhìn thấy ở trẻ em căn tính Thiện. Trẻ em cũng giống như mầm cây, khi mới nhú lên khỏi mặt đất đều xanh tươi. Cái cây nhỏ ấy lớn lên như thế nào, ra hoa kết trái, thành bóng mát hay sớm bị thui chột, còi cọc… phụ thuộc vào môi trường sống và chế độ chăm sóc nuôi dưỡng. Vậy nên, thay vì trách móc các em, người lớn cần phải nhìn lại mình, xem mình đang sống như thế nào, đang ứng xử như thế nào với các em, ứng xử như thế nào với cái Đẹp cái Thiện. Đó cũng là thông điệp trong văn xuôi Trần Hoài Dương.
Những tác phẩm của V.Hugo, H.Malot, M. Gorki, Nikolai Ostrovsky, Ilya Ehrenburg, Andecxen, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… đã ngấm vào Trần Hoài Dương từ thuở thiếu thời, và mãi ở bên ông trong hành trình sống và viết, kiên định với lý tưởng, khát vọng dấn thân cùng văn chương, dùng văn chương để góp phần làm cho cuộc sống này nhân hậu sáng trong hơn. Ông đã thủy chung với suy nghĩ ấy, với cách sống ấy cho đến tận cuối đời. Một Trần Hoài Dương giản dị, trung thực. Một Trần Hoài Dương giàu tình yêu thương và lý tưởng sống. Với tính cách ấy, ông không chấp nhận hay hòa hoãn với sự giả dối. Thế nên, trong mắt ai đó, ông có phần hơi gàn, hơi cực đoan.
Gàn và cực đoan chỉ để giữ sự trong sạch của mình, khi đời sống luôn vận động theo những chiều xô lệch khác nhau. Điều ấy có đáng không? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào các cá nhân, bởi mỗi người có quan niệm sống khác nhau. Cá nhân tôi, tôi kính trọng ông chính vì điều đó và thương ông, nhớ nhiều về ông cũng vì điều đó. Đằng sau lối sống giản dị trung thực là một bản lĩnh văn hóa, một phẩm chất của kẻ sỹ. Phẩm chất ấy rất nhiều người viết, nhiều trí thức không có, hoặc đã đánh rơi đâu giữa bề bộn nhân sinh.
***
Trần Hoài Dương là người cả đời viết về cái Đẹp bằng một chất văn Đẹp. Cái Đẹp thuộc về đời sống chứ không bay lượn giữa những tầng không. Cái Đẹp hướng về đại chúng, để ai cũng có thể cảm, có thể hiểu và rung động theo những mức độ tiếp nhận riêng. Ở thế giới của Miền xanh thẳm, tôi tin ông vẫn từ tốn như thế, dịu dàng như thế, và hạnh phúc. Tình yêu ông dành cho cuộc đời đã gửi trọn nơi Quỳnh, từ Quỳnh kết nối tới cháu nội. Những lời ca vẫn vang lên, bắt đầu từ những ô cửa xanh:
Cuộc sống đôi khi buồn tênh
Năm tháng vụt qua không là cổ tích
Tình yêu đôi khi lìa xa
Tích tắc thời gian quá mỏng manh
Nhưng làm sao có thể quên
Giây phút được cha công kênh trên vai
Những con đường mang tên khát vọng
Mở đến tương lai
Đưa con về những ô cửa xanh
------------------------------------------------------------------
*“Tôi đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ Đạo. Viết là để vươn tới những gì cao đẹp nhất. Viết là để tự hoàn thiện dần con người mình. Viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ" (Trần Hoài Dương)
*“Tôi nghiệm thấy trong đời tôi có hai vùng đất mà tôi chịu ơn sâu nặng, hai vùng đất đã in hằn trong tôi những kỉ niệm khó phai mờ, đó là Bắc Giang và Hà Nội. Bắc Giang đã nuôi tôi gần suốt cả thời thơ ấu và niên thiếu, đem lại cho tôi lòng yêu con người, đã để lại trong tôi những ấn tượng mạnh mẽ về thiên nhiên với những cảnh sắc miền trung du đầy mê hoặc. Còn Hà Nội mang lại cho tôi ánh sáng của học thức, trí tuệ, nét tài hoa, tâm hồn tinh tế, lịch lãm…” (Trích Miền xanh thẳm)
* Nhà văn Trần Hoài Dương (1943 – 2011) tên khai sinh là Trần Bắc Quỳ, là một trong những tác giả nổi bật của nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Ông được nhận nhiều giải thưởng từ các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác, giải thưởng thường niên của Hội nhà văn Việt Nam. Dù trải qua không ít biến cố thăng trầm, nhưng ông luôn giữ trọn lòng trong sáng, sự trung thực và hướng thượng. Văn xuôi Trần Hoài Dương giàu chất thơ, thấm đượm tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên, được giới thiệu nhiều trong chương trình Tiếng Việt và Ngữ văn phổ thông.